Ngày xưa, thời chưa có internet, người ta định nghĩa “ghen ảo” như một kiểu ghen không phải “người thật, việc thật”. Ghen với người yêu cũ, vợ/chồng cũ, hoặc người đã khuất của chồng/vợ. Chỉ là ghen với cái bóng của quá khứ, lẩn khuất đâu đó trong hiện tại, lúc ẩn, lúc hiện, âm ỉ, đau khổ, âm thầm mà dữ dội.
Tuy nhiên, đó là chuyện của hai mươi năm về trước, hình thức “ghen ảo” chỉ tồn tại trong số ít gia đình có hoàn cảnh không mong muốn.
Thời công nghệ số, “ghen ảo” càng có đất phát triển, bởi quá nhiều ứng dụng công nghệ, chỉ trong cái điện thoại bé tí xíu, bấm bấm, lướt lướt, mà thu về vô vàn thông tin.
Rất nhiều ứng dụng giao tiếp miễn phí trên điện thoại thông minh như: WhatsApp, Viber, Telegram, Hang out, Facebook, Messenger, Zalo… Ứng dụng nào cũng có thể đưa lên hình ảnh, dòng trạng thái trên trang chủ, và quá tiện lợi để trò chuyện, từ gửi video, hình ảnh cho đến trực tuyến sống động.
Chị vợ ngày nào cũng vào Zalo của chồng để "rình", cho dù anh không đưa gì lên trang chủ. Khi thì chị thấy anh vừa mới truy cập, lúc thì cả ngày anh không mở Zalo. Trường hợp nào cũng khiến chị thắc mắc rồi đặt ra những câu hỏi mà chị biết chưa chắc anh trả lời thật.
Nói chuyện với ai, nam hay nữ, lâu hay mau, trao đổi hình ảnh gì... Những thắc mắc của chị luôn làm anh cảm thấy khó chịu. Thế nhưng, anh chỉ để trong lòng hay than thở với bạn bè thân thiết, nói ra có khi “tanh bành” hết.
Nhiều người cho rằng, bây giờ đa phần ai cũng có ít nhất hai tài khoản facebook, vừa để dự phòng mất cái này có ngay cái kia, hay “tàng hình” xem chồng/vợ/người yêu có léng phéng đâu đó không.
Một chị kể chuyện: “Quãng thời gian đó quả là điên rồ, ngày nào tôi cũng qua facebook của người ấy xem có động tĩnh gì không. Đọc từng bình luận, đếm từng lượt thích, thậm chí mò sang các trang mà chủ nhân đã thích hay bình luận để tìm “bằng chứng” yêu đương, tìm cho ra những ẩn ý, tình riêng… Đến khi tỉnh ra, biết người ta không “một lòng” với mình, thì ôm đau khổ suốt thời gian dài.
Giờ nghĩ lại mới thấy mình u mê. Tự trách sao mà “rảnh” quá để đi làm những chuyện vô ích, lãng xẹt như vậy. Người ta có tình ý với nhau thì đưa vào inbox nói chuyện chứ ai phơi bày ra chốn thị phi”.
Tuy nhiên, chị hiểu rất rõ nếu anh sa vào một cuộc tình khác, chưa chắc chị đã ngộ ra và tránh không “ghen ảo” nữa. Để thấy rằng, khi yêu, con người ta hội đủ nhiều thứ tật: nghi ngờ, cả tin, hồ đồ, ghen tuông bóng gió...
|
Ảnh minh họa |
Đó có phải là tâm lý bình thường của con người không? Một cô cho biết, hồi xưa cô cũng hay “rình mò” người yêu cũ kiểu vậy. Vừa ở trang facebook không thấy chàng online, liền bấm qua Hang out thì thấy chàng đang trực tuyến.
Vậy là mắt cứ dán vô màn hình với vô vàn câu hỏi: “Anh ta trò chuyện với ai? Nhắn tin hay gọi điện? Mà phải thân mật lắm thì mới nói chuyện lâu như vậy chứ?”. Rồi ngậm ngùi nhớ lại hồi mới quen nhau, anh ta cũng hay trò chuyện với mình mỗi ngày lâu như thế…
Một cô khác kể, hồi đó đã không kiên nhẫn, lại còn dại dột đem những ý nghĩ nghi ngờ nói cho đối phương biết, với mục đích dằn mặt đối phương. Tưởng đối phương sẽ sợ, ai dè hôm sau mở facebook hay Zalo đều thấy mình bị chặn. Lại giận dữ, hậm hực, lại tốn tiền nhắn tin SMS: “Tại sao anh làm như vậy? Anh coi thường em à?”.
Đối phương mới điềm đạm trả lời: “Chưa là vợ chồng mà em can thiệp vào riêng tư của anh hơi bị sâu. Cưới nhau về chắc anh thành tù chung thân quá. Em nên nhớ, trong thời đại công nghệ bây giờ, không có thằng đàn ông nào mà không trò chuyện, tán gẫu với nhiều người trên mạng. Việc “thả thính” chẳng qua là câu nói đùa tán tỉnh vui vẻ. Tin vào những điều mắt thấy trên điện thoại hay máy tính có mà điên. Anh chặn em vì anh muốn em cần có thái độ bình tĩnh và cái nhìn sáng suốt khi tham gia thế giới mạng”. Tất nhiên cô nàng không đồng ý, và cuối cùng là đường ai nấy đi.
Có người cho rằng, mạng ảo giúp người ta đến với nhau, tuy nhiên cũng làm người ta nhanh chóng xa nhau. Chưa thấy con số thống kê điều này, nhưng rõ ràng việc “ghen ảo” cũng đau khổ như ghen thật.
Giá mà “bắt tận tay, day tận mặt” thì còn dễ “tính sổ”, đằng này không có chứng cứ rõ ràng, nhưng nó cứ khiến người trong cuộc day dứt vì một nỗi đau tiềm ẩn gây mất niềm tin.
Nếu có đi chung đường, thì cũng lại tiếp tục chuỗi ngày “ghen ảo” không dứt. Một nỗi ghen không hình thù, không có nhân vật cụ thể, mà chỉ qua những lời có cánh hiện lên trên màn hình điện thoại, ngày này qua ngày khác.
Đừng bao giờ hỏi để nghe câu trả lời không thật, là châm ngôn sống của nhiều người, nhất là giờ đây khi các mối quan hệ giao tiếp xã hội rất dễ dàng qua mạng. Giữ thái độ điềm tĩnh, sáng suốt, thận trọng, và phải đặt mình vào vị trí “cao hơn”, để hiểu ra những lời có cánh chỉ là ảo. Cái gì qua mau thì người ta cũng quên mau.
Biết vậy, nhưng ghen ảo vẫn có đất sống, khi mà giờ đây mạng ngày càng ảo hơn. Không ai biết nhiều năm sau sẽ còn những ứng dụng gì giúp cho những người yêu nhau vui hơn, hay là tra tấn lẫn nhau nhiều hơn?
Câu trả lời là: hãy bình tĩnh đón nhận công nghệ, vì đó là một trong những món quà của cuộc sống. Thích thì trực tuyến, không thích thì tắt máy và sống với thiên nhiên. Nghiện hay lệ thuộc vào bất cứ thứ gì cũng đều không tốt, kể cả nghiện công nghệ.
Kim Duy