|
Cầu Thuận Phước |
Chỉ hơn 10km dọc sông Hàn có đến 9 chiếc cầu vượt sông. Từ thượng nguồn (tính cả nhánh sông Cẩm Lệ đổ vào sông Hàn) chảy ra biển lần lượt có cầu Cẩm Lệ, cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Hòa Xuân, cầu Tuyên Sơn, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Rồng, cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước. Nghĩa là cứ khoảng hơn 1km lại có 1 cây cầu.
Cầu quay sông Hàn một thời xôn xao khắp xứ
Cầu quay Sông Hàn là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hàn được xây dựng ở Đà Nẵng sau năm 1975. Cầu được khánh thành năm 2000. Có thể nói đây là cây cầu nổi tiếng nhất với người dân Đà Nẵng, khi mọi sự chú ý đều dồn vào nó từ lúc mới hình thành dự án.
Cây cầu ra đời từ một phần vốn góp của nhiều người Đà Nẵng, người Quảng xa xứ, những người yêu Đà Nẵng, kể cả kiều bào. Chi phí xây cầu hết hơn 100 tỉ đồng thì đã có 27,5 tỉ đồng là từ tiền quyên góp của người dân gần xa.
Nằm ở vị trí trung tâm so với các cây cầu khác, ban ngày, cầu sông Hàn hấp dẫn du khách vì là nơi đẹp nhất để ngắm cảnh dòng sông chảy qua trung tâm thành phố.
Ban đêm, chỉ cần thả bộ dọc 2 đầu cầu, người ta cũng thỏa thích ngắm cây cầu rực rỡ sắc màu, dòng xe cộ qua lại liên tục trên cầu, du thuyền dập dìu qua lại dưới chân cầu…
Những chi tiết đó càng tăng thêm độ nhộn nhịp và lộng lẫy của Đà thành về đêm. Khuya hơn một chút, khi sắp nửa đêm, là lúc sự tò mò về cây cầu lên đỉnh điểm khi nó bắt đầu quay.
Điều này từng là nỗi tò mò háo hức của cư dân Đà Nẵng những năm đầu mới khánh thành cầu. Thành ra, một thời gian dài, khi đêm về khuya, 2 bên đầu cầu và bờ sông Hàn phía đường Bạch Đằng luôn có một lượng du khách háo hức tụ tập đứng chờ xem cầu quay.
Có một chuyện khá vui hồi mới khánh thành cầu: ca sĩ Mỹ Tâm, trong một lần về diễn tại quê nhà đã giới thiệu cho nhóm múa từ Sài Gòn ra tham quan cầu sông Hàn. Cả nhóm say sưa đợi cầu quay. Khi cầu gác nhịp giữa lên 2 trụ giữa lòng sông một lúc lâu, họ mới nhớ ra tới lúc mình cần về khách sạn bên kia sông. Dĩ nhiên không thể về ngay được, lại không rành đường sá, thế là nhóm đành ngồi đợi khi cầu hết quay, thông xe trở lại.
Thuở ấy giao thông 2 bờ khá cách trở, nếu không qua sông bằng cầu sông Hàn thì phải đi thêm một đoạn xa nữa mới tới cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Trần Thị Lý cũ. Đây là trường hợp thi thoảng xảy ra với du khách mê xem cầu quay mà vô tình bị kẹt lại bờ bên kia. Thế nhưng hầu hết mọi người đều xem đây là kỷ niệm vui.
Bây giờ, khi cảng trong nội đô đã dời đi, chuyện quay cầu cho tàu bè thông thuyền qua lại không còn cần thiết, việc quay nhịp giữa cầu chỉ còn mang tính hình thức. Cầu chỉ quay vào các tối cuối tuần, vẫn tầm từ 23g trở đi, chủ yếu phục vụ khách du lịch.
Hơn 20 năm qua, tuy có hạ nhiệt nhưng tận mắt ngắm cây cầu quay đầu tiên và duy nhất của Việt Nam hoạt động ra sao vẫn là nỗi tò mò của không ít khách phương xa.
Nhiều chuyện như… cầu Rồng
|
Cầu Rồng |
Đầu tiên, vị trí xây cầu đã gây bão dư luận. Việc có nên để bảo tàng Chăm dưới cầu hay không cũng tốn nhiều tranh cãi của người Đà Nẵng. Rồi khi thành phố tìm phương án khác để chiều cao cầu không phá vỡ tổng thể mỹ quan đô thị cũng là lúc người ta xoay qua bàn cãi, con rồng nên được thể hiện thành một cây cầu như thế nào.
Ông Phạm Văn Hạng - một nhà điêu khắc tên tuổi của Đà Nẵng - tiếp cận việc thiết kế lại con rồng cho cây cầu khi công trình này đã tiến hành được 2 năm, trở thành cái bia để dư luận trút vào đấy tất cả khen chê.
Chuyện đầu rồng quay về đâu cho hợp (xoay ra Biển Đông hay xoay vào thành phố) cũng khiến dư luận ồn ào một dạo. Nào chỉ đơn giản xoay đầu hướng nào, người ta còn suy diễn phân tích ý nghĩa tích cực lẫn tiêu cực theo từng hướng của đầu con rồng.
Đến khi khánh thành, cầu Rồng với thiết kế mô phỏng con rồng thời Lý tiếp tục hứng những trận mưa ý kiến ập xuống khi rất nhiều người Đà Nẵng bảo rằng đây không phải con rồng mà trông giống con rắn, thậm chí có người còn bảo giống… con giun!
Chưa hết, dáng rồng cũng phải chịu búa rìu dư luận, khi người bảo sao mãi chẳng thấy giống rồng bay, kẻ nói như nó đang trườn, đang rướn…
Mấy ai biết là để nâng được chừng đó khối lượng sắt thép, những người thiết kế và xây dựng cầu đã phải tính toán chi li từng chút, kể cả sức gió bình thường cho đến sức gió mùa mưa bão.
|
Cầu Rồng vào ban đêm |
Dẫu dư luận khắt khe là thế nhưng từ khi được đưa vào sử dụng đến nay, cầu Rồng chưa bao giờ vắng khách. Giữa tâm bão dư luận, con rồng sắt đang uốn lượn trên mặt sông Hàn ấy 10 năm qua vẫn kiêu hãnh phun lửa, phun mưa vào các đêm cuối tuần cho du khách khắp nơi tụ về xem.
Cây cầu già nhất của thành phố
|
Cầu Nguyễn Văn Trỗi |
Cây cầu Nguyễn Hoàng - Nguyễn Văn Trỗi là cây cầu già lão nhất của Đà Nẵng còn giữ được hiện trạng ban đầu.
Cầu do Hãng RMK của Mỹ xây dựng vào năm 1965, mang tên Nguyễn Hoàng, là 1 trong 2 cây cầu gần như duy nhất ở Việt Nam có kiến trúc vòm độc đáo bằng thép roni. Năm 1978, cầu được dỡ bỏ mặt cầu bằng gỗ, thay bằng kết cấu bê tông cốt thép.
Xưa, cầu dựng lên để phục vụ chiến tranh, với xe nhà binh sầm sập đi qua, là minh chứng cho một thời ly loạn.
Sau năm 1975, cầu mang tên người anh hùng đất Quảng - Nguyễn Văn Trỗi - và bắt đầu thực sự là cây cầu “dân dụng”. Cây cầu là lối lưu thông thân quen và duy nhất của người dân Đà Nẵng 2 bờ đông tây sông Hàn, từ quận 1 qua quận 3, nếu không muốn đi phà.
Với nhiều người dân quận 3 (quận Sơn Trà ngày nay) sang quận 1 (quận Hải Châu ngày nay) đi làm, qua được cầu nghĩa là niềm vui về nhà sắp trọn vẹn.
Còn ngược lại, không ít lần người từ quận 3 qua quận 1 đi làm đành phải ngủ lại đêm nhà người quen bên này cầu do bão quá to, thổi tung tất cả những gì trên mặt cầu. Ai từng ở miền Trung hẳn sẽ hình dung ra sức gió của những cơn bão.
Ngày Đà Nẵng khánh thành cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý cũng là lúc cầu Nguyễn Văn Trỗi được tạm nghỉ hưu trước khi “chuyển công năng” thành cầu đi bộ bắc qua sông đầu tiên của Đà thành và có lẽ là của cả nước.
Cây cầu già vẫn đứng đó, trầm mặc bắc qua con sông Hàn. Trong ký ức của bao người dân Đà Nẵng, cầu vẫn đấy, sông vẫn đây, nước vẫn trôi theo dòng sông Hàn ra biển. Chỉ có những kẻ qua cầu là già đi cùng kỷ niệm.
Lê Minh Hạ