|
Gia Lai đang vào mùa hoa dã quỳ |
Miền sương mời gọi
Người ta hay gọi Pleiku là thành phố sương. Sương tỏa những con đường khi bình minh còn đang bắt đầu ngày mới. Những tiếng cười treo lưng chừng con dốc. Trong buổi tinh mơ đó, cô bạn dân phố núi nhất quyết đưa chúng tôi đi ăn cho bằng được món phở 2 tô, còn gọi là phở khô Gia Lai. Cọng phở như cọng hủ tíu trộn cùng những gia vị bình thường và tô nước dùng thơm phức mùi xương bò hầm khiến buổi sáng trở nên vô cùng dễ chịu. Phở khô Gia Lai từ phố núi đã “di cư” đến nhiều đô thị lớn trên cả nước. Món ăn trứ danh đất này kỳ thực chỉ khi ăn giữa những ngày se lạnh nơi miền cao nguyên mới thấy hết cái ngon.
Thành phố Pleiku là đô thị phía bắc Tây Nguyên, nằm trên trục giao thông giữa Quốc lộ 14, Quốc lộ 19 nối thông suốt cả nước, gần ngã ba Đông Dương, trên cung đường Hồ Chí Minh. Pleiku là trung tâm của tỉnh Gia Lai, là thành phố lớn thứ ba tại Tây Nguyên (sau Đà Lạt và Buôn Ma Thuột) và là đô thị quan trọng nhất của vùng bắc Tây Nguyên.
Chúng tôi đến con đường nổi tiếng thơ mộng nhất Pleiku nằm trong khu vực Biển Hồ Chè, cách trung tâm chỉ khoảng 10km. Con đường với hàng thông trải dài hơn 14km. Mùi cỏ cây, mùi thông xen lẫn với không khí trong lành nơi vùng đất chủ yếu trồng chè, ít phương tiện công nghiệp khiến chúng tôi háo hức kỳ lạ. Ánh nắng hòa cùng làn sương mỏng xuyên qua những tán cây lá kim rọi xuống đường. Cả cung đường xanh mướt hiện lên lung linh huyền ảo. Nếu đến đây sớm hơn, khi sương còn phủ mờ ảo trên đường, thong thả dạo bước, hít thở bầu không khí trong lành, nghe tiếng chim ca thì có lẽ không phải là nhà thơ cũng có thể thốt ra những câu thơ.
Những cây thông thẳng hàng tô điểm con đường bao năm qua ríu rít tiếng trẻ em người dân tộc từ bản làng ra phố học. Đó là con đường hằng ngày người đồng bào đi rẫy lên nương; con đường mà hễ chạm nhau thì đều dành tặng nhau một nụ cười tươi rói.
Hòa mình vào phố núi
|
Đường vào núi lửa Chư Đăng Ya - điểm thưởng thức hoa dã quỳ nổi tiếng nhất Gia Lai |
Gần đó là ngôi chùa cổ nhất của Gia Lai - chùa Bửu Minh. Vào những năm đầu thế kỷ XX, khi người Pháp lên đây xây dựng đồn điền chè đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên, người dân tứ xứ rủ nhau kéo đến tìm việc làm, ngôi làng đầu tiên mang tên “Cỏ May” ra đời. Lúc bấy giờ, nơi rừng thiên nước độc, với áp lực của thực dân, người dân nơi đây chỉ biết tìm kiếm một chỗ dựa tinh thần. Họ đã lập Sơn Hải miếu, tiền thân của chùa Bửu Minh bây giờ.
Cổng tam quan chùa Bửu Minh được xây dựng theo mô hình Hiển Lâm các của Đại Nội - Huế, trong đó có 5 mái (tượng trưng cho ngũ phước); 3 lối vào - tượng trưng cho tam bảo.
Ngoài ra, nơi đây còn có 4 cây sứ với tuổi đời trăm năm và các di tích của Sơn Hải miếu. Độc đáo nhất có lẽ là 2 hàng chuông khắc kinh bằng tiếng Phạn dọc bên hông chùa và chiếc chuông to cạnh chánh điện. Ngoài ra, chùa Bửu Minh còn có một số di vật quý như tượng Phật Chăm Pa bằng sa thạch...
|
Ngôi chùa cổ nhất của Gia Lai - chùa Bửu Minh |
Chiều lướt dần về đêm, phố núi trầm mặc, tiết trời lạnh cũng là dịp để bắt đầu trải nghiệm ẩm thực đêm nơi phố núi này. Những người bạn Gia Lai của chúng tôi bảo nếu đến đây mà chưa ghé chợ đêm thì coi như chưa đến.
Nằm giao nhau giữa đường Nguyễn Thiện Thuật và Lê Lai, ngay cổng chính của trung tâm thương mại TP Pleiku, khu chợ này rộn ràng từ chiều đến khuya. Riêng khung giờ từ khuya về sáng, đây lại trở thành một điểm đầu mối để giao thương mua bán giữa các bạn hàng. Chúng tôi hòa mình vào không gian đêm của Pleiku. Sự nhộn nhịp đối lập hẳn với suy nghĩ ban đầu của chúng tôi về một đại ngàn hoang vu và tĩnh mịch về đêm. Các hàng ăn trong khu chợ như một điểm nhấn thu hút không chỉ du khách mà còn cả người dân phố núi.
Đến Gia Lai phải ăn bún cua thúi, cô bạn dân bản xứ bảo vậy. Có lẽ “bún cua thúi”, món ăn người Gia Lai hay giới thiệu với bạn bè, là thứ vị quê bản xứ mà khó nơi nào có được. Món này là sự kết hợp giữa mắm và cua đồng tạo nên hương vị rất đặc sắc, hấp dẫn. Cua đồng tươi chỉ lấy phần thân, chế biến gần giống như khi nấu canh cua. Tuy nhiên, vì kết hợp với mắm nên thành phẩm sẽ có mùi ngai ngái đặc trưng, ai không ăn được thì chê nhưng đã ăn được rồi thì sẽ mê. Tây Nguyên thường để lại ấn tượng trong lòng khách phương xa với các đặc sản: cơm lam, gà tộc nướng, lá sắn, muối kiến… nhưng ở nơi này, chúng tôi lại ấn tượng nhất với món bún cua.
Phố núi đã vàng sắc hoa báo nắng
|
“Hàng cây Hàn Quốc” nổi tiếng thường được du khách tìm đến “săn ảnh” nằm trên đường đi Biển Hồ |
Khi chúng tôi đến, phố núi đã vàng sắc hoa báo nắng. Người Tây Nguyên vẫn hay gọi mùa hoa dã quỳ là mùa hoa báo nắng. Khí hậu vùng Tây Nguyên với 6 tháng nắng và 6 tháng mưa chia đều cuộc sống người dân địa phương. Sau những trận mưa tưởng chừng trôi cả bầu trời, những vạt cúc ửng lên hươm vàng triền dốc, ngọn đồi, cung đường của xứ sương báo hiệu một mùa nắng khô lại về với đại ngàn.
Dọc đường vào Chư Đăng Ya, ngay từ dưới chân núi, sắc hoa dã quỳ vàng rực khắp nơi, xen kẽ với sắc xanh của nương rẫy. Dã quỳ ở Chư Đăng Ya mọc thành từng vạt lớn, khi hoa nở tạo thành những tấm thảm xanh vàng thơ mộng. Bởi vậy, hằng năm nơi đây còn có lễ hội hoa dã quỳ với nhiều hoạt động văn hóa, ẩm thực bản địa đặc sắc. Chư Đăng Ya là ngọn núi lửa đã tắt nằm tại huyện Chư Pah cách trung tâm thành phố 30km về hướng Đông Bắc. Bất cứ mùa nào trong năm, nơi này cũng đẹp.
Ngoài Chư Đăng Ya, đèo Mang Yang cũng là một địa điểm ngắm hoa dã quỳ ở Gia Lai nhưng không phải ai cũng biết đến. Ngọn đèo này nằm ở huyện Mang Yang, trên Tỉnh lộ 19 nối Bình Định với Gia Lai. Người địa phương gọi con đèo này là Cổng Trời theo tiếng bản địa. Đèo Mang Yang không quá dài nhưng có độ dốc lớn nên tạo cảm giác như… gần chạm trời xanh. Không chỉ sở hữu khung cảnh kỳ vĩ, Mang Yang còn là thiên đường của loài dã quỳ mỗi mùa cuối năm. Đến đây vào mùa hoa sẽ có cảm giác như đang lạc vào thiên đường với sắc hoa trải dài lên tận cổng trời.
Chỉ 2 ngày 1 đêm với miền sương mùa hoa báo nắng nhưng nhóm chúng tôi từ muôn nẻo đường lại ghi vào lòng mình những ấn tượng khó phai về một vùng cao nguyên. Chúng tôi chia tay nhau bằng lời hẹn một ngày không xa sẽ lại gặp nhau nơi phố núi này bởi ở Gia Lai còn rất nhiều nơi chúng tôi chưa kịp đến.
Tháng Mười một đến tháng Tư hằng năm là mùa khô của Tây Nguyên, thích hợp cho việc du lịch. Có nhiều phương tiện để đến Pleiku như: máy bay, xe khách... - Giá vé máy bay dao động từ 1,6 - 2,2 triệu đồng. Tuy nhiên, mỗi ngày chỉ có 2 chuyến bay đến và đi. - Riêng ở TPHCM, có thể đi xe cao cấp giường nằm: Thuận Hưng, Bảo Thịnh, Hồng Hải, Hưng Thành. Giá vé khoảng 450.000-500.000 đồng. Xe thường khởi hành lúc chiều tối tại bến xe Miền Đông. Khách sạn ở Gia Lai đa số đều đẹp, rẻ, phục vụ chu đáo (Minh Hạnh, Nguyên Phước, Hoài Thương…). Nếu muốn ở homestay, bạn có thể lựa chọn: Hani House, Lake View, Stay Villa, Xom Organic, Nhà tôi… Thuê xe máy: - Hoàng: 352 Cách Mạng Tháng Tám, TP Pleiku, Gia Lai - Điện thoại: 0975508883. - Mai: 849 Phạm Văn Đồng, TP Pleiku, Gia Lai - Điện thoại: 0962210079. |
Tống Phước Bảo