Ghé làng Baan Na Ton Chan, chạm tay vào cổ tích

07/01/2023 - 08:15

PNO - Chuyến đi chơi này khiến tôi hay liên tưởng đến quê nhà, có phải vì sự tương đồng?

 

Homestay cho du khách cảm giác như được trở về nhà - Ảnh: Jee Mananya
Homestay cho du khách cảm giác như được trở về nhà - Ảnh: Jee Mananya

Tạm biệt Sukhothai, đoàn chúng tôi đến làng Baan Na Ton Chan (Thái Lan). Mọi thứ đều rất quen thuộc. Những gì ngôi làng Baan Na Ton Chan có, nhiều vùng quê Việt Nam cũng có. Điều khiến nơi đó trở nên đặc biệt có lẽ là vì tất cả người dân đều đồng lòng góp sức cho ngôi làng nhỏ bé bình dị của mình trở thành một điểm đến thân thiện đáng nhớ.

Homestay tôi ở có vạt cỏ xanh mượt và những điểm xuyết xinh xinh như cái xích đu bằng dây thừng có dây leo quấn quanh tay vịn, mấy cái ghế mây hình thù ngộ nghĩnh, những thân tre uốn cong thành trụ cổng hình vòm dẫn về phòng trọ…

Bà chủ tuổi trung niên có làn da ngăm ngăm chào đón du khách bằng nụ cười tươi rói khiến tôi nhớ đến ngôi làng du lịch ở vùng Tây Nguyên nước mình. Bất giác, tôi liếc nhìn qua khu nhà bếp, tự hỏi liệu nơi này có món cơm lam và canh cà đắng như ở quê nhà. Người hướng dẫn cười dí dỏm, cho biết thực đơn chiều nay có món tom yum lừng danh, món gỏi dương xỉ không phải mùa nào cũng có và thêm nhiều món khác chắc chắn khiến người ăn phải hít hà…

Chúng tôi dạo quanh bằng xe đạp. Người hướng dẫn cho chúng tôi biết làng có 29 gia đình, tất cả đều làm du lịch cộng đồng. Họ đồng lòng hỗ trợ nhau bằng nhiều cách giản dị, chẳng hạn như cho mượn xe đạp và nếu khách trọ bên này thích cảnh đẹp bên kia thì cứ tự nhiên bước qua tha hồ chụp ảnh.

Hoàng hôn nơi đây mang vẻ đẹp yên bình - Ảnh: Jee Mananya
Hoàng hôn nơi đây mang vẻ đẹp yên bình - Ảnh: Jee Mananya

Giao thông Thái Lan ngược lại với Việt Nam nên nhiều lần chúng tôi… suýt đụng nhau. Bỗng không thấy người hướng dẫn đâu nữa, có lẽ vì chúng tôi chỉ loanh quanh trong làng nên ông yên tâm cà phê quanh đây. Dù trong đoàn không ai biết tiếng Thái nhưng những điểm cần tham quan đã tự giới thiệu chính nó một cách thật bắt mắt, nhất là gian hàng thổ cẩm. 

Thổ cẩm thì ai cũng biết nhưng thổ cẩm nơi này mềm mịn lạ lùng với rất nhiều kiểu dáng. Nghe chúng tôi í ới, cô chủ che miệng cười và đưa tay vuốt mái tóc cài cái băng đô bằng thổ cẩm rất điệu đàng khiến tôi chợt nhớ đến hình ảnh hoa hậu H’Hen Niê. Chuyến đi chơi này khiến tôi hay liên tưởng đến quê nhà, có phải vì sự tương đồng?...

Gian hàng mỹ nghệ trưng bày những con vật làm từ gỗ vụn. Nói là gỗ vụn nhưng từng mẩu được đục khoét sắc sảo và trau chuốt cho cảm giác trơn tru khi cầm. Mỗi người cầm một con vật rút chốt để xem cách lắp ráp, vậy là những con vật bung ra từng mẩu; vậy mà chủ tiệm vẫn vui vẻ ra hiệu tỏ ý đừng bận tâm.

Điểm kế tiếp là nhà văn hóa cộng đồng với những tấm ảnh phóng to chụp cảnh bà con đang nhuộm vải cùng nhiều cảnh sinh hoạt khác của dân làng… Tôi chỉ tay vào tấm ảnh người khách tóc vàng mắt xanh cầm cái ly bằng ống tre và ra hiệu hỏi một cô bé gần đó cái quán có loại ly này nằm ở đâu. Ngay khi đó, một người khác thắc mắc về món ăn trong tấm ảnh: “Nhìn hình thì thấy giống bánh cuốn nhưng sao người ăn lại bưng tô?”.

Vậy là cô bé nọ đưa chúng tôi đến quán bán món Khao Pớp, đúng là giống bánh cuốn nhưng ăn cùng nước lèo ngọt vị thịt heo, thơm thơm mùi lá chanh và phảng phất cả mùi cam. Đến bữa cơm chiều, khi người hướng dẫn giải thích, tôi mới biết loại lá gia vị trên có tên cam chanh. 

Món Khao Pớp khá ngon mà cảnh trí quanh quán còn “ngon lành” hơn. Quang cảnh thật hữu tình, nhất là lúc trời đã ngả chiều. Mấy đấng đàn ông không hào hứng với việc chụp hình nên đi qua tiệm đối diện mua dụng cụ mát xa cũng làm từ gỗ vụn nhưng rất đẹp và tiện dụng.

Đường làng ở Baan Na Ton Chan hệt như đường làng ở nhiều vùng quê Việt Nam- Ảnh: Jee Mananya
Đường làng ở Baan Na Ton Chan hệt như đường làng ở nhiều vùng quê Việt Nam - Ảnh: Jee Mananya

Quanh quẹo một hồi, chúng tôi được đưa đến một cánh đồng trơ gốc rạ. Rồi cô bé nọ chỉ tay về chân trời đang rực lên muôn hồng vàng tía. Thì ra đây là nơi ngắm mặt trời lặn. Từ bốn phía bỗng vang tiếng cười nói và từng đoàn xe đạp ào tới. Có vẻ tất cả du khách trong làng đều kéo nhau ra đây để “săn” mặt trời lặn. Có đoàn khách từ hướng khác ngồi trên máy cày khục khặc xuất hiện, nói cười rộn ràng. Tài xế vui vẻ xuống xe để nhường chỗ cho khách lần lượt ngồi vô… tạo dáng cầm lái máy cày trong cảnh chiều tà bên cánh đồng.

Quán cà phê có loại ly bằng ống tre nằm trên núi, được gọi là điểm ngắm cảnh Huay Ton Hai. Thật ra đó không phải quán, chỉ là người dân phục vụ du khách ngắm cảnh bình minh. Nếu du khách đói bụng thì có mì gói chế nước sôi cũng đựng trong ly ống tre và ăn bằng đũa tre.

Thức dậy từ 4g sáng, du khách được xe chở tới chân núi rồi thả xuống để có trải nghiệm leo núi. Tối thui, chỉ ánh đèn loang loáng từ điện thoại, người phía sau bám theo người đi trước, thở phì phò hỏi nhau trên núi có gì hay ho mà mình phải hành xác vậy.

Hay ho nhất là… giành nhau cái chòi có tấm bảng nhỏ nguệch ngoạc “Không quá 3 người” viết bằng tiếng Anh. Cái chòi ghép từ những tấm ván bìa và cành cây, cao khoảng 4m, cầu thang đi lên làm bằng mấy thân cây nhỏ. Đó là nơi lý tưởng nhất để chụp được cảnh mặt trời lên. Vậy nhưng những tay săn ảnh đành chịu thua bởi từng nhóm 3 phụ nữ cứ liên tục thay nhau xí chỗ bởi đâu phải nơi nào cũng có cái chòi kiểu này giữa thiên nhiên hoang sơ. 

Sukhothai là cố đô đầu tiên của Thái Lan và là nơi khởi nguồn của lễ hội hoa đăng Loy Krathong nổi tiếng. Vào tháng Mười một, khắp nơi trên đất nước Thái Lan tưng bừng với lễ hội này nhưng du khách thường đổ về Sukhothai vì lễ hội được tổ chức tại công viên Lịch sử - nơi bất chấp sự tàn phá của chiến tranh và thời gian vẫn lưu giữ sự vĩ đại của cố đô qua những di tích cổ kính tuyệt đẹp.

Làng Baan Na Ton Chan cách nơi tổ chức lễ hội khoảng 80km, được người hướng dẫn quả quyết là “rất đặc biệt”. Những gì trải qua trong buổi chiều khi mới đến và buổi sáng hôm sau khiến tôi nghĩ người ta thích ngôi làng này vì sự thân thiện dễ thương.

Chòi đón bình minh - Ảnh: Jee Mananya
Chòi đón bình minh - Ảnh: Jee Mananya

Trên đường về, người hướng dẫn mới kể rằng làng Baan Na Ton Chan rất nổi tiếng với loại vải Pa Mak Klon. Bắt đầu như chuyện cổ tích rằng ngày xưa, có cô thôn nữ đi làm đồng bị mắc mưa. Nhận ra vạt váy nơi dính bùn mềm mại hơn phần vải còn lại, cô tìm cách ngâm sợi trong bùn để dệt ra những tấm vải mềm mịn tuyệt đẹp dâng lên hoàng hậu.

Giờ đây, khách đến làng nếu gặp đúng dịp sẽ được mời tự tay giặt tấm vải ngâm bùn, thậm chí dệt thành tấm vải Pa Mak Klon. Gian hàng thổ cẩm khiến phe phụ nữ xuýt xoa chính là hậu duệ của cô thôn nữ đó.
Chợt nhớ khi ướm thử váy áo, đúng là tôi nhận ra sự mềm mịn êm tay nhưng cứ tưởng là vì mình đang đi chơi, tâm trạng vui vẻ nên thấy gì cũng hóa đặc biệt, đâu biết mình đã chạm tay vào cổ tích.

Như lúc này đây, mở tủ với ý định tìm cái váy nào không đụng hàng để dự tiệc tất niên, tôi nhìn thấy cái đầm maxi thổ cẩm hôm ấy và nhớ... 

Nguyên Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI