Get out: Những mảnh vỡ chủng tộc

10/04/2017 - 14:08

PNO - Kinh phí sản xuất chỉ 5 triệu USD, quá nhỏ bé so với những bộ phim ra mắt đồng thời; nhưng Get out (Trốn thoát) vẫn được đánh giá có chất lượng nổi trội, đủ sức “thôi miên” khán giả.

Rời khỏi rạp chiếu, tâm trí người xem có thể sẽ còn ám ảnh với tiếng lách cách đến chói tai của chiếc muỗng khuấy trong chiếc tách sứ. Hành động khuấy muỗng và hình ảnh chiếc tách xoay tròn lặp lại nhiều lần trong phim khiến các nhân vật rơi vào “ảo giác”, khán giả cũng cần được trấn tĩnh để không bị tuột khỏi mạch phim. 

Quả thực, nếu thiếu sự tập trung khi thưởng thức, Get out rất dễ bị quy kết là được ngợi khen “quá đà” và đánh giá “thổi phồng”. Phải ngẫm nghĩ và có lẽ phải xem đến lần thứ hai, mới hiểu khán giả và giới chuyên môn đã không quá lời khi “chấm điểm” tác phẩm điện ảnh thể loại kinh dị này. 

Get out: Nhung manh vo chung toc
Get out ra rạp tại Việt Nam từ 6/4

xoay quanh những rắc rối bí ẩn mà anh chàng người Mỹ gốc Phi Chris Washington (Daniel Kaluuya) phải đối mặt trong lần đầu đến thăm gia đình cô bạn gái da trắng xinh đẹp Rose Armitage (Allison Williams).

Tại dinh thự gia đình Rose, Chris cảm nhận mơ hồ về sự lạc lõng của mình, dù bố mẹ, anh trai và những vị khách giàu có trong bữa tiệc vẫn chào đón anh theo kiểu “lịch sự gượng gạo”. Chính những cư xử, phản ứng kỳ quặc của cả người da trắng lẫn da màu ở đây đã khiến Chris bất an và làm trái tim người xem đập nhanh hơn vì hồi hộp.

Đáng chú ý là phim không sa vào lối mòn của thể loại kinh dị; không lạm dụng những cảnh máu me, hù dọa bất ngờ… để đưa đẩy kịch tính, làm thót tim người xem. Ở vài cảnh có máu đổ, đạo diễn cũng cố tình không miêu tả kỹ.

Get out: Nhung manh vo chung toc

Thay vào đó, chú trọng đến sự kết nối của các chi tiết và sự tinh tế trong sắc thái biểu cảm và diễn biến tâm lý của nhân vật. Sự hồi hộp, tò mò được đẩy lên ở người xem từ việc họ được dần tiến vào thế giới bên trong, vào tiềm thức của những con người mang ẩn ức và chất chứa bí mật chứ không phải ở những hành động bên ngoài.

Phía sau câu chuyện bí ẩn, sau những màn “thôi miên” khiến người bị khống chế giàn giụa nước mắt, rơi vào “vùng trũng” thăm thẳm của tâm thức là sự lột trần vấn nạn phân biệt chủng tộc giữa người da đen và người da trắng, mà theo đạo diễn Jordan Peele thì: “Đây thực sự là con quái vật đang ám ảnh nước Mỹ”. 

Đã có vô vàn tác phẩm điện ảnh của nhiều đạo diễn cả hai màu da trực tiếp xoáy vào vấn đề chủng tộc, nhưng việc lồng chuyện chung sống bằng mặt mà không bằng lòng vào một bộ phim mang màu kinh dị sâu sắc, tinh vi như Get out là rất hiếm.

Get out: Nhung manh vo chung toc

Ở đây, gia đình của Rose như một cộng đồng thu nhỏ mà từ đời ông bà đến cha mẹ cô đều tự coi mình là lớp người “thượng đẳng”, họ hãnh tiến, không ngừng khát khao nối dài cuộc sống sung túc và vị thế của người làm chủ.

Họ vừa khinh miệt, vừa tìm đủ cách chiếm đoạt những gì tốt đẹp của người da đen. Trong khi đó, người da đen luôn phải sống cảnh giác để không bị sa bẫy, bị lợi dụng, bị đánh vào những điểm dễ tổn thưởng mà vong thân.

Sự bình đẳng khó có được ở nơi người chủ là da trắng còn nô lệ truyền đời là da đen, ngay cả khi những người như bố của Rose luôn mồm nói “sẵn sàng bầu cho Obama lần thứ 3 làm tổng thống”. 

Bên cạnh những rạn vỡ màu da, Get out cũng đặt ra những góc nhìn mở về sự hàn gắn của con người nói chung, không phân biệt màu da, sắc tộc. Nhân vật chính trong phim - chàng thanh niên Chris, luôn bị ám ảnh về lỗi lầm trong quá khứ và khát khao được cứu chuộc.

Get out: Nhung manh vo chung toc

Đây vừa là yếu tố để anh bị lợi dụng trong cơn “thôi miên” từ mẹ của Rose, vừa thôi thúc anh hành xử theo sự mách bảo của trái tim, dám xả thân để cứu người khác. Rõ ràng, cái thiện và cái ác không phân biệt màu da, chủng tộc.

Mỗi con người có những điểm yếu và điểm vượt trội riêng, tại sao phải chà đạp nhau thay vì ghép lại những mảnh vỡ vì va đập thành tấm gương lớn để phản chiếu rõ hơn bản thân mình? 

Sau khi ra mắt, Get out đã lập tức trở thành “hiện tượng phòng vé” với doanh thu mở màn gần 50 triệu USD, gấp 10 lần kinh phí sản xuất.

Đến nay, riêng tại Bắc Mỹ, phim đã mang về hơn 150 triệu USD. Thành tích này khiến Get out không chỉ là bộ phim thành công hơn cả những tác phẩm kinh dị đình đám của hãng Blumhouse như Split, Paranormal Activity, Insidious, Ouija, Sinister... mà còn đưa Jordan Peele thành đạo diễn Mỹ gốc Phi đầu tiên có tác phẩm đầu tay đạt doanh thu vượt mốc 100 triệu USD tại thị trường nội địa. 

Bùi Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI