Những nữ khoa học gia với sứ mệnh vì sinh mạng con người - Bài 5:

Gerty Cori - người được đặt tên trên… mặt trăng

15/09/2021 - 06:21

PNO - Quyết tâm theo học ngành bác sĩ để chữa bệnh tiểu đường cho bố, người phụ nữ này đã vượt qua mọi thách thức với những định kiến nặng nề của xã hội để vươn lên đỉnh cao trong nghề nghiệp.

Bà Gerty Theresa Cori chào đời ngày 15/8/1896 tại TP.Praha (thuộc đế chế Áo - Hung, nay là Cộng hòa Séc) trong một gia đình gốc Do Thái. Có bố là một nhà hóa học và mẹ là người luôn coi trọng tầm quan trọng của giáo dục, bà đã tỏ ra mình là “con nhà tông” khi thể hiện niềm yêu thích khoa học ngay từ khi còn rất bé. Gerty đã được bố mẹ kèm cặp ở nhà cho đến lúc 10 tuổi mới được ghi danh vào một ngôi trường dành riêng cho nữ sinh, để tiếp tục theo học chương trình phổ thông.

Theo ngành y vì ước mơ chữa bệnh tiểu đường cho bố mình

Tròn 16 tuổi, Gerty bày tỏ nguyện vọng với gia đình về ước mơ được trở thành bác sĩ để chữa bệnh tiểu đường cho bố. Được sự ủng hộ và động viên của người cậu vốn là một giáo sư đại học, bà đã nộp hồ sơ và trúng tuyển vào ngành y thuộc Đại học Praha năm 1914.

Đặt được chân vào địa hạt khoa học cũng là lúc bà nhận ra bản thân đang hổng quá nhiều kiến thức về vật lý, hóa học, toán học và cả tiếng Latinh. Không chịu ngồi yên than thở, bà đã nỗ lực hết mình và chỉ trong vòng một năm đã “thanh toán” xong một khối lượng kiến thức khổng lồ tương đương với 5 năm cho các môn khoa học tự nhiên, và tám năm với môn tiếng Latinh cực kỳ phức tạp, rối rắm.

 

Bà Gerty Cori là nhà khoa học nữ tạo nên niềm cảm hứng vươn lên cho thế hệ phụ nữ trẻ ngày nay - ẢNH: PETRA SLABA
Bà Gerty Cori là nhà khoa học nữ tạo nên niềm cảm hứng vươn lên cho thế hệ phụ nữ trẻ ngày nay - Ảnh: PETRA SLABA

Lớn lên trong giai đoạn người phụ nữ hầu như không được tôn trọng trong xã hội, nên việc Gerty được vào đại học, và là một trong số ít phụ nữ theo đuổi đam mê khoa học tại một ngôi trường y khoa danh giá, đã khiến nhiều người ngạc nhiên, thậm chí còn tỏ vẻ giễu cợt. Thế nhưng, vượt qua mọi thách thức và định kiến, bà lao vào học và nghiên cứu một cách say mê trong suốt sáu năm liên tục, để rồi tốt nghiệp xuất sắc với tấm bằng bác sĩ y khoa vào năm 1920 đúng như mong ước.

Trong suốt thời gian “dùi mài kinh sử”, một nam sinh tên là Carl Cori đã tỏ ra cảm mến cô bạn đồng môn thông minh, hài hước và xinh đẹp. Gerty cũng nhận ra tình cảm đặc biệt của Carl dành cho mình, nhưng vẫn không chịu mở lòng, ngoài lời hứa sẽ “về chung một nhà” chỉ khi cả hai hoàn thành xong việc đèn sách. Và cái ngày mong đợi ấy cũng đã đến. Vào buổi lễ tốt nghiệp, Gerty đã xúc động đến rơi nước mắt khi chứng kiến Carl quỳ gối trước mặt mình và ngỏ lời cầu hôn. Họ đã nên vợ nên chồng và cùng nhau công bố bài báo khoa học đầu tiên không lâu sau đó.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Gerty có hai năm làm việc tại Khoa Nhi thuộc Bệnh viện Nhi Caroline ở Viên (Áo). Tại đây, bà thực hiện các thí nghiệm để viết và xuất bản các công trình khoa học về rối loạn đường huyết. Cũng trong thời gian này, chồng bà phải gia nhập quân đội của Áo phục vụ chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Cuộc sống thời bấy giờ quá thiếu thốn, khiến Gerty mắc phải căn bệnh Xerophthalmia gây ra sự thoái hóa của giác mạc do đói ăn và thiếu dinh dưỡng.

Thành danh ở Mỹ dù bị phân biệt đối xử trong công việc

Năm 1922, vợ chồng bà cùng đứa con trai nhỏ quyết định rời châu Âu sang Mỹ. Ở xứ sở cờ hoa, bà đã rất chật vật mới tìm được một công việc thu nhập khiêm tốn, bởi vấn đề kỳ thị phụ nữ trong lĩnh vực nghiên cứu vẫn còn hết sức nặng nề vào thời điểm đó. Vợ chồng bà lại tiếp tục “song kiếm hợp bích” trong nghiên cứu khoa học, và cho ra đời hàng chục bài báo có giá trị, tập trung vào lĩnh vực hóa sinh với chuyên ngành hẹp về tiểu đường. 

Năm 1929, bà Gerty cùng chồng đã mô tả thành công lý thuyết mang tên “chu kỳ Cori”, một phần quan trọng của quá trình trao đổi chất. Theo đó, chu kỳ Cori (hoặc chu trình axit lactic) là một con đường trao đổi chất, trong đó chất tiết sữa được tạo ra bởi các con đường glycolytic trong cơ đi đến gan, nơi nó được chuyển đổi thành glucose. Hợp chất này trở lại gan một lần nữa để được chuyển hóa.

Năm 1931, vợ chồng bà chuyển sang làm việc tại Đại học Washington. Bà Gerty gắn bó ở đây 16 năm và tiếp tục cùng chồng dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học. Những nỗ lực không mệt mỏi ấy đã mang đến cho cả hai giải thưởng Nobel danh giá trong lĩnh vực y sinh vào năm 1947, với công trình khám phá phương pháp glycogen tan ra và tái tổng hợp để dùng như một nguồn năng lượng trong cơ thể. Bà Gerty Cori và tiến sĩ Carl Cori là cặp vợ chồng đầu tiên trong lịch sử được trao giải Nobel. Bà còn là người phụ nữ đầu tiên ở Mỹ và thứ ba trên thế giới được nhận giải thưởng lớn trong khoa học, và là người phụ nữ đầu tiên được vinh danh trong lĩnh vực y sinh. 

 

Hình ảnh bà Gerty Cori trên con tem của Mỹ
Hình ảnh bà Gerty Cori trên con tem của Mỹ

Không chỉ vậy, bà Gerty còn được trao nhiều danh hiệu và giải thưởng trong suốt cuộc đời miệt mài làm khoa học của mình: giải thưởng Squibb về nội tiết học năm 1947, giải thưởng Báo chí Quốc gia dành cho phụ nữ năm 1948, giải thưởng Nghiên cứu về đường của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ năm 1950… Bà còn được đích thân Tổng thống Harry S. Truman bổ nhiệm làm thành viên của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ cùng với nhiều tổ chức khoa học danh giá khác.

Ngoài ra, bà Gerty cũng dành nhiều thời gian của mình cho công việc giảng dạy, truyền thụ kiến thức cho thế hệ sinh viên trẻ. Bà là tiến sĩ danh dự của một loạt trường đại học lớn của Mỹ như: Đại học Boston, Đại học Yale, Đại học Columbia và Đại học Rochester.

Cống hiến cho khoa học đến ngày cuối của cuộc đời

Trong một chuyến đi trượt tuyết trên núi vào năm 1947, bà Gerty nhận ra mình đang sống cùng bệnh Myelofibrosis, một căn bệnh nan y về tủy xương. Người ta đoán rằng, do làm việc với tia X, một dạng bức xạ điện từ có thể xuyên qua cơ thể trong một thời gian dài, đã khiến bệnh tình của bà trở nên trầm trọng hơn. 

Mặc cho sự hành hạ của bệnh tật, trong những năm cuối đời, bà vẫn không dừng công việc nghiên cứu. Bà đặt một chiếc giường nhỏ ngay trong phòng thí nghiệm của mình, để có thể nghỉ ngơi mỗi khi cảm thấy mệt mỏi. 

Sau 10 năm chống chọi với bệnh tật, bà đã trút hơi thở cuối cùng tại TP.St. Louis vào ngày 26/10/1957, thọ 61 tuổi, khi đã cống hiến cho nhân loại những công trình nghiên cứu khoa học giá trị, tạo nền móng cho việc điều trị bệnh tiểu đường ngày nay. Học trò của bà, trong đó có rất nhiều nhà khoa học nữ, cũng tiếp tục đi theo bước chân của bà trong lĩnh vực đầy thách thức này.

Có hơn 1.600 hố trên mặt trăng được đặt theo tên của những nhà khoa học, nhà tư tưởng, nhà thám hiểm nổi tiếng trên khắp thế giới. Thế nhưng, chỉ có 27 người trong số đó là phái nữ, và bà Gerty Cori là một trong số rất ít nhà khoa học nữ lỗi lạc được lấy tên để đặt cho một hố trên mặt trăng gọi là “hố Cori”. 

Một hố khác trên sao Kim cũng được đặt với tên của bà như một sự ghi nhận những đóng góp lớn lao của nữ khoa học gia trong lĩnh vực y học và hóa sinh. Hình ảnh của bà cũng được nhìn thấy trên tem bưu chính, và ngôi sao ở Đại lộ Danh vọng St. Louis cũng ghi tên bà Gerty Cori cùng chồng, nhằm vinh danh những đóng góp quý báu của họ cho sự phát triển trong lĩnh vực y sinh.

“Người phụ nữ những năm đầu thế kỷ XX phải đối mặt với khó khăn rất lớn. Họ luôn được chỉ dạy rằng, họ không phải là thành phần được chào đón trong lĩnh vực khoa học. Hầu hết những người phụ nữ may mắn được làm việc trong lĩnh vực này cũng chỉ đóng vai trò thật khiêm tốn với mức thu nhập thấp mà thôi”, trích một đoạn trong quyển sách Cánh cửa của giấc mơ (tiếng Anh: The Door in the Dream) của tác giả Elga R. Wasserman xuất bản năm 2002. 

Những dòng chữ trên mô tả một cách rõ nét sự bất bình đẳng của phụ nữ khi tham gia nghiên cứu khoa học trong quá khứ. Và hơn ai hết, bà Gerty Cori chính là hình mẫu truyền cảm hứng về sự kiên trì nỗ lực vươn lên của phụ nữ trong “tháp ngà” khoa học - vốn được cho là chỉ dành riêng cho nam giới trong suốt thời gian dài. 

Nguyễn Thuận

(Còn nữa)

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI