GDP quý I tăng cao nhất trong 5 năm: Đầu đã xuôi

07/04/2025 - 17:02

PNO - Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I của cả nước ước đạt 6,93% - mức tăng cao nhất trong 5 năm qua. Dù mức này thấp hơn kịch bản (7,7%) nhưng theo đại diện Bộ Tài chính, khả năng tăng trưởng 8% cả năm vẫn khả thi.

Tổng cầu được coi là động lực tăng trưởng kinh tế. Tổng cầu được cấu thành từ các yếu tố: tiêu dùng của người dân, đầu tư (gồm tư nhân, FDI và đầu tư công) và xuất khẩu.

Tiêu dùng 3 tháng đầu năm khởi sắc khi ngành dịch vụ tăng 7,7%, dẫn đầu các chỉ số tăng trưởng, đóng góp hơn 53% vào GDP. Các ngành như vận tải (9,9%), du lịch (9,31%) và bán lẻ (7,47%) tăng. Chỉ số này phục hồi theo Cục Thống kê là nhờ nhu cầu tiêu dùng dịp tết và lượng khách quốc tế tăng trở lại.

Thực tế, thời gian qua giới chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại nếu không có những giải pháp phù hợp, động lực tiêu dùng sẽ ì ạch, bởi thu nhập của đại bộ phận người dân tăng không theo kịp mức tăng của giá cả hàng hóa, chi phí sinh hoạt, sức mua trong nền kinh tế rất yếu.

Chính sách thuế đối ứng của Mỹ có thể tác động tiêu cực tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào nước này. Ảnh: ĐT
Chính sách thuế đối ứng của Mỹ có thể tác động tiêu cực tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào nước này - Ảnh: ĐT

2 chỉ số là đầu tư và xuất khẩu đều tăng trưởng tích cực. Cụ thể, trong quý I/2025, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 666.500 tỉ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước và tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 202,52 tỉ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ. Trong đó xuất khẩu tăng 10,6%, nhập khẩu tăng 17,0%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 3,16 tỉ USD. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% cả năm, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, 3 quý tới đây mức tăng trưởng sẽ phải đạt khoảng 8,3-8,4%, cao hơn 0,2 điểm % so với kế hoạch ban đầu.

Mục tiêu tăng trưởng cả năm đang đối diện với thách thức lớn khi chính phủ Mỹ ngày 2/4 công bố mức thuế nhập khẩu với hơn 180 nền kinh tế. Từ ngày 5/4, Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu 10% với toàn bộ hàng nhập khẩu vào nước này. Từ ngày 9/4, các đối tác thương mại lớn của nước này sẽ chịu thuế đối ứng ở mức cao hơn, trong đó Việt Nam chịu mức 46%.

Kim ngạch hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ năm 2024 là 119,6 tỉ USD, chiếm tới 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Với thặng dư thương mại lên tới 104,6 tỉ USD, bằng 1/3 GDP Việt Nam, thật khó có đối tác thương mại nào của Việt Nam thay thế được thị trường Mỹ ở thời điểm này. Nếu chính phủ Mỹ không thay đổi quyết định, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ có thể sụt giảm mạnh. Đầu tư, nhất là đầu tư FDI, cũng sẽ giảm theo. Các động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đều sẽ ảnh hưởng tiêu cực.

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Ba và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương sáng ngày 6/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ khiến căng thẳng thương mại leo thang, có thể gây đứt gãy chuỗi thương mại, cung ứng toàn cầu. Thị trường Mỹ có vai trò quan trọng nên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành… đã và đang trao đổi, đàm phán với phía Mỹ trên tất cả các kênh chính trị, ngoại giao… nhằm có được kết quả có lợi cho cả hai bên.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng Thủ tướng cũng cho rằng, đó không phải là duy nhất và xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng, nhưng không phải động lực duy nhất. Việc bị áp thuế là cơ hội để cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng…

Thực tế, từ đầu năm đến nay Chính phủ đã tập trung thúc đẩy nhiều động lực tăng trưởng khác. Chẳng hạn, với tiêu dùng, nhiều nhóm hàng tiếp tục được hưởng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% còn 8% giúp hạn chế tăng giá hàng hóa và kích thích tiêu dùng. Chính phủ cũng kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất để các doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ nhằm giữ hoặc giảm chi phí giá thành sản xuất. Các biện pháp phòng vệ thương mại với một số nhóm hàng nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá tại thị trường Việt Nam được sử dụng nhiều hơn…

Ít ngày trước, Bộ Công Thương có chỉ thị thực hiện các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng. Các chương trình như: Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa tại các địa phương và doanh nghiệp; xây dựng chính sách và các chương trình kích cầu tiêu dùng; đẩy mạnh hoạt động sản xuất và kinh doanh, đặc biệt vào các dịp tiêu dùng thấp điểm giữa năm... Các doanh nghiệp thương mại điện tử cũng được khuyến khích triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá, ưu đãi khi mua sắm trực tuyến để kích thích tiêu dùng….

Với hoạt động đầu tư, tín hiệu tích cực đến từ cả 3 lĩnh vực là đầu tư FDI, đầu tư tư nhân và đầu tư công. Với đầu tư FDI, 3 tháng đầu năm vốn đăng ký mới, điều chỉnh, góp vốn mua cổ phần đạt gần 11 tỉ USD, tăng 23% so với cùng kỳ. Trong khi đó, vốn thực hiện 5,16 tỉ USD, tăng gấp 5,1 lần so với cùng kỳ. Đầu tư tư nhân đang được chú trọng hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân trong nước được Chính phủ mời gọi tham gia các dự án trọng điểm quốc gia như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường sắt đô thị hay các nhà máy điện hạt nhân… Chính phủ cũng liên tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công vào các dự án hạ tầng như hệ thống đường cao tốc, sân bay…

Đó là những lý do Chính phủ, các bộ ngành đều có chung nhận định, tăng trưởng 8% cả năm dù là mục tiêu đầy thách thức song vẫn khả thi.

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI