GĐ Điều hành Viện nghiên cứu cao cấp về Toán: Chỉ kỳ vọng Toán học Việt Nam đứng thứ 40...

23/06/2016 - 07:44

PNO - Việc dạy, học và ứng dụng Toán học ở Việt Nam còn nhiều bất cập, chúng ta cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Liên quan đến việc dạy, học và ứng dụng Toán học ở Việt Nam còn nhiều bất cập, chiều 22/3, PV Báo Phụ nữ TP.HCM tiếp tục có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Hữu Dư - GĐ Điều hành Viện nghiên cứu cao cấp về Toán.

GD Dieu hanh Vien nghien cuu cao cap ve Toan: Chi ky vong Toan hoc Viet Nam dung thu 40...
GS.TS Nguyễn Hữu Dư - GĐ Điều hành Viện nghiên cứu cao cấp về Toán

PV. Thưa ông, từ trước đến nay, học sinh Việt Nam tham gia khá nhiều cuộc thi Olympic Toán học, đạt được nhiều giải thưởng cao, huy chương Vàng, huy chương Bạc... Trước những thành tích như vậy, nhiều người tự hào cho rằng Việt Nam là một cường quốc Toán học, ý kiến của GS. như thế nào?

GS.TS Nguyễn Hữu Dư: Chữ "cường quốc" nhiều khi mình không hiểu rõ lắm cho nên nói mình là một cường quốc Toán học thì nghe... khiếp quá!

Đánh giá và nói một cách khiêm tốn hơn, về giáo dục Toán phổ thông thì Việt Nam đạt được những thành tựu đáng trân trọng. Mặt bằng Toán phổ thông ở Việt Nam là tương đối cao so với trong khu vực, trên thế giới.... trong đó có một số đỉnh cao là kỳ thi Olympic quốc tế. Đó là những thành tích đáng trân trọng và tự hào.

Thế nhưng, đó chỉ là Toán phổ thông thôi, nền Toán học không chỉ là Toán phổ thông mà nền Toán học mang tính tổng thể hoàn thiện. Toán học phổ thông chỉ là cái nôi ban đầu để phát triển Toán học hiện đại của thế giới thôi...

Về các lĩnh vực, chúng ta cần phải phấn đấu rất nhiều.

PV: Thưa ông, thực trạng ứng dụng Toán học của những học sinh, sinh viên Việt Nam, thậm chí là các cử nhân học ngành Toán ra trường thì hiện nay như thế nào?

GS.TS Nguyễn Hữu Dư: Nếu nói toán học chỉ có ứng dụng thì hơi phiến diện, Toán học có 3 chức năng: Chức năng thứ nhất là rèn luyện tư duy logic; Thứ hai là cung cấp công cụ để giải quyết những bài toán, tạm gọi là ứng dụng cũng được; Thứ ba là cung cấp một hệ thống để nhìn nhận, thâu tóm, sâu chuỗi lại tất cả các vấn đề. Ba chức năng lớn nhất của Toán học là như vậy. Và ứng dụng là 1 trong 3 chức năng lớn của nó thôi.

Về mặt tư duy logic, về mặt phát triển toán học một cách thuần túy cũng như mặt tư duy hệ thống thì Toán học Việt Nam cũng có những đóng góp đáng kể. Tuy nhiên, về ứng dụng có thể thấy một chuyện là thường Toán học chỉ dùng được trong khoa học và công nghệ bậc cao thôi còn Việt Nam chưa đạt được cái trình độ khoa học công nghệ kinh tế xã hội bậc cao như vậy.

Vì nó có tính lịch sử, tức là để ứng dụng được thì số liệu trong quá khứ là một điều rất quan trọng, bởi vì từ khối liệu trong quá khứ thì các công cụ Toán học sẽ bảo cho chúng ta trong tương lai nên làm như thế nào nếu không thì thành một ông thầy bói đoán mò.

Cái đó, dữ liệu quá khứ của chúng ta không đạt được yêu cầu, cho nên cần 1 thời gian nữa thì tác dụng của Toán học vào kinh tế, xã hội, quốc phòng Việt Nam nó mới rõ ràng được, đặc biệt là khoa học kỹ thuật đạt được trình độ bậc cao.

PV: Về phương pháp giảng dạy Toán học, nhiều người cho rằng, cấp 1,2 nên giảng dạy lý thuyết, cấp 3 nên có những định hướng thay đổi phương pháp giảng dạy thành các bài học mang tính ứng dụng thiết thực hơn, thầy nghĩ sao về đề xuất này?

GS.TS Nguyễn Hữu Dư: Tôi nghĩ là đến cấp 3 cũng bắt đầu đòi hỏi học sinh có những ứng dụng vào giải quyết những bài toán ra ngô ra khoai thì cái đó chắc cũng khó.

Bởi vì, nó khác với công nghệ, công nghệ nhiều khi là với những kiến thức vừa vừa nào đó đã tạo thành sân chơi: Thí dụ như thế nào hay có thể lắp được máy móc, robot, này nọ với sơ đồ lắp ghép trên mạng... hoặc là một tính sáng tạo nào đó người ta có thể sắp xếp được, có một tay nghề tương đối khá nào đó cùng với một đầu óc tương đối linh hoạt... Nhưng mà ứng dụng Toán học thì nó đòi hỏi rất nhiều.

Nếu ứng dụng Toán học chỉ để cộng trừ nhân chia... hiểu như thế thì thấp quá, ứng dụng thêm nữa để giải quyết được hẳn 1 bài toán thì theo quan điểm của tôi, với kiến thức của các cháu học sinh cấp 3 chắc là chưa thể làm được những điều như vậy.

PV: Trước thực trạng về toán của Việt Nam như ông vừa nói, chúng ta cần có những giải pháp gì để có thể thoát khỏi những tình trạng đó, thưa GS?

GS.TS Nguyễn Hữu Dư: Về khoa học công nghệ Việt Nam, khoa học công nghệ kỹ thuật và một số lĩnh vực khác nữa thì thực ra Việt Nam đang còn yếu trong giai đoạn khởi đầu và so với ngay cả trong khu vực này thì chúng ta còn rất lạc hậu.

Nhưng Toán học có sự phát triển, chiều sâu bền vững hơn, thậm chí có thể ở trong khu vực chúng ta có thể sánh vai (so với những nước phát triển lâu dài như Nhật Bản có lẽ chưa được nhưng so với Đông Nam Á thì hiện tại toán học Việt Nam có thể coi là đứng đầu).

Chiến lược phát triển thế nào để có được hữu ích của nền Toán học Việt Nam vào ứng dụng thì cần phải đồng bộ nhiều thứ và trong sự đồng bộ ấy, Toán học được song hành và hướng vào những ứng dụng ấy cùng với sự phát triển khoa học kỹ thuật thì Toán học cũng phát triển theo.

Có một cái khá quan trọng, là lợi thế của người Việt Nam là tư duy khá tốt. Nên nền khoa học ở Việt Nam cái gì có thể đẩy được lên thì đẩy nhanh lên, và chúng tôi kỳ vọng Toán học là một trong những cái có vai trò đi tiên phong là chương trình Toán học Việt Nam đến năm 2010 kỳ vọng đưa nền Toán học Việt Nam đứng ngang hàng với các nước tiên tiến.

Nhưng có một điều hơi bi kịch là với các lớp phổ thông, chúng ta thường thi ở top 10 thì nền Toán học Việt Nam chỉ dám kỳ vọng xếp thứ 40 là đáng tự hào rồi.

Và chúng tôi muốn đẩy mạnh toán lý thuyết mạnh mẽ lên và song song với đó phát triển toán ứng dụng để phát triển phục vụ nhiều việc.

PV: Cảm ơn GS rất nhiều về những chia sẻ này!

Lam Thanh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI