PNO - Thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin - tù nhân giữa nhóm chiến binh Hamas và Israel đã đem lại khoảng thời gian yên bình quý giá cho dải Gaza sau 7 tuần xung đột đẫm máu. Dù vậy, đối với người dân Palestine, đây có thể chỉ là khoảng lặng mong manh, ngắn ngủi trước một giai đoạn đen tối hơn.
11 con tin Israel đã được Hamas trả tự do vào ngày 27/11, giữa lúc Israel chuẩn bị thả thêm tù nhân Palestine trong một cuộc trao đổi khác, theo thỏa thuận ngừng bắn tạm thời. Cuộc trao đổi mới nhất diễn ra trong bối cảnh 2 bên đồng ý gia hạn lệnh ngừng bắn lẽ ra chỉ kéo dài đến sáng 28/11 thêm 2 ngày nữa. Quân đội Israel cho biết trong một tuyên bố: “Sau khi trải qua đánh giá ban đầu về tình trạng y tế, lực lượng của chúng tôi sẽ đồng hành cùng những con tin được trả tự do cho đến khi họ gặp gia đình tại bệnh viện”.
Israa Jaabis nằm trong nhóm tù nhân thứ hai được Israel trả tự do. Cô vui mừng khi được gặp lại cậu con trai sau 8 năm thụ án - Nguồn ảnh: Reuters
Tất cả 11 con tin trong đợt trao trả lần thứ tư này đều bị bắt từ cùng một cộng đồng sinh sống gần biên giới Gaza, trong cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas. Israel cho biết, khoảng 240 con tin bị bắt và khoảng 1.200 người thiệt mạng trong vụ tấn công. Ở phía Palestine, việc gia hạn thỏa thuận ngừng bắn sẽ cho phép thêm hàng chục người bị bắt được trả tự do và tăng cường dòng viện trợ nhân đạo vào dải Gaza đang bị bao vây. Trong một tuyên bố, Hamas xác nhận thỏa thuận ngừng bắn sẽ kéo dài thêm 2 ngày với các điều kiện tương tự.
Theo cơ quan y tế của dải Gaza, hơn 15.000 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến kể từ ngày 7/10, bao gồm hơn 6.150 trẻ em và 4.000 phụ nữ. Bên cạnh đó là 7.000 người Palestine vẫn đang mất tích. Các đồng minh quốc tế của cả 2 bên trong cuộc xung đột cũng đặt hy vọng vào một thỏa thuận hòa bình vững chắc hơn. Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định: Washington luôn nỗ lực hướng tới việc gia hạn thời gian ngừng bắn. Vài giờ trước khi Hamas trả tự do cho nhóm tù nhân thứ tư, Bộ Ngoại giao Qatar bày tỏ sự vui mừng và tiết lộ lệnh ngừng bắn đã được kéo dài. Qatar là nước trung gian chính trong các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn tạm thời, cùng với Ai Cập và Mỹ.
Niềm vui nhỏ nhoi giữa những bất an
Ở khu vực Bờ Tây, những thanh thiếu niên và phụ nữ Palestine được thả khỏi nhà tù Israel theo thỏa thuận ngừng bắn cho biết họ “choáng váng vì hạnh phúc” khi được gặp lại gia đình. Trong số các tù nhân Palestine được thả có Israa Jaabis - người bị Israel kết án 11 năm tù vào năm 2015 - khi xe của cô bốc cháy cách một trạm kiểm soát ở Bờ Tây khoảng 1,5km. Israel cho rằng đó là vụ đánh bom xe có chủ đích nhưng Israa Jaabis - hiện 38 tuổi - phủ nhận cáo buộc này. Gia đình cô cho rằng vụ cháy bắt nguồn từ lỗi động cơ. Tai nạn khiến Israa bị bỏng nghiêm trọng ở mặt, nhưng quản lý nhà tù Israel đã từ chối yêu cầu phẫu thuật điều trị của cô. Ngày 25/11 vừa qua, Israa đã có thể ôm cậu con trai Mua’tassim (15 tuổi) sau 8 năm xa cách. Một số tù nhân được thả vẫn còn là trẻ vị thành niên lúc bị Israel bắt giữ và xét xử.
Bên cạnh niềm vui của nhiều người khi chiến sự tạm chấm dứt là nỗi buồn của những người dân Gaza khi tìm cách quay trở lại ngôi nhà bị phá hủy của họ, nhặt nhạnh những gì còn sót lại và tìm kiếm thi thể người thân từ dưới đống đổ nát. Tahani al-Najjar đã tận dụng sự yên tĩnh từ thỏa thuận ngừng bắn để quay trở lại đống đổ nát, nơi từng là nhà của cô ở TP Khan Younis. Người phụ nữ 58 tuổi tìm được vài chiếc ly còn nguyên vẹn sau những cuộc không kích. Dù vậy, 7 thành viên trong gia đình cô đã ra đi mãi mãi.
Một số người Palestine đang sống trong những căn lều tạm bợ bên ngoài Bệnh viện Nasser ở Khan Younis, đắn đo quyết định xem họ có nên quay về nhà ở phía bắc dải Gaza hay không. Juliette Touma - người phát ngôn của Chương trình Cứu trợ Liên hiệp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) - nói, tình hình thực tế “cực kỳ tệ” và dù viện trợ đến Gaza đã tăng lên, tổ chức này vẫn muốn có thể nhận thêm nhiều hơn nữa. Ngày 26/11, trong cuộc trò chuyện với Tổng thống Mỹ Joe Biden qua điện thoại, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định khi lệnh ngừng bắn hiện tại hết hạn, quân đội Israel sẽ tiếp tục hoạt động quân sự “toàn lực” ở dải Gaza.
Nước mắt và nụ cười của những con tin người Thái Lan
Gần 2 tháng qua, ông Kongpana Sudlamai cùng hàng trăm gia đình ở Thái Lan đã mất ăn, mất ngủ hồi hộp chờ đợi tin tức về những người con, người chồng, người cha - những người Thái đang làm việc tại Israel - bị nhóm chiến binh Hamas bắt cóc vào ngày 7/10.
Những công dân Thái Lan bị Hamas bắt làm con tin vui cười và ôm nhau tại Trung tâm Y tế Shamir ở Israel khi được trả tự do sau lệnh ngừng bắn ngày 24/11 - Ảnh: Bộ Ngoại giao Thái Lan
Ngày 26/11 vừa qua, ông Kongpana Sudlamai cũng mang tâm trạng hồi hộp, bồn chồn không kém, nhưng lần này là phấn khích khi biết tin con trai ông - anh Phonsawan Pinakalo (30 tuổi) - đã được thả cùng với nhiều đồng hương trong đợt trao đổi con tin. “Phép màu thực sự đã xảy ra” - người đàn ông 52 tuổi chia sẻ trong một bài đăng trên mạng xã hội.
“Tôi đã cầu nguyện và chờ đợi tin tốt này rất lâu. Lúc đầu, tôi nghĩ con trai tôi đã chết vì có quá nhiều thi thể, nhưng khi nhận được cuộc gọi vào lúc 3g sáng từ các quan chức Thái Lan, tôi rất hạnh phúc” - ông nói thêm. Con trai của ông nằm trong nhóm con tin thứ ba được chuyển từ Gaza, một phần của thỏa thuận ngừng bắn tạm thời giữa Hamas và Israel. Cho đến nay, Hamas đã thả 69 con tin theo thỏa thuận ngừng bắn, trong đó có 17 công dân Thái Lan. Ngoại trưởng Parnpree Bahiddha-Nukara dự kiến tới Israel để đưa họ về nước vào ngày 30/11. Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết: “Đối với 15 con tin Thái Lan còn lại, chính phủ tiếp tục nỗ lực hết sức để họ được thả an toàn trong thời gian sớm nhất”.
Ông Kongpana cho biết, ông chưa có cơ hội nói chuyện với con trai, vì anh Phonsawan Pinakalo đang được theo dõi y tế. Ông kể, ngày 7/10, con trai ông lái máy kéo tại một trang trại cách biên giới Gaza chưa đầy 4km. Trước khi phiến quân Hamas tràn vào, 2 cha con ông đã có cuộc trò chuyện qua video. “Trong cuộc trò chuyện, con trai tôi nói nó đã nghe thấy tiếng súng. Điều này là bất thường ở khu vực trang trại. Con tôi cùng nhiều người khác đã trú ẩn trong hầm trong vài giờ. Nhưng đến chiều, tôi không thể liên lạc với con được nữa” - ông Kongpana kể.
May mắn được trò chuyện cùng anh trai ngay sau khi anh được thả, chị Rungarun Wichangern - em gái của “con tin” Vetoon Phoome (33 tuổi) - nằm trong nhóm 10 người Thái Lan được thả đầu tiên ngày 24/10 - cho biết: “Mọi người đều khóc vì hạnh phúc. Anh tôi bị bắt cóc khi đang làm việc tại một trang trại trồng khoai tây và lựu gần Gaza. Khi vừa nhìn thấy nhau qua màn hình điện thoại, gia đình tôi đã khóc, nhưng anh ấy nói: “Đừng lo, đừng khóc”. Về mặt thể chất, anh ấy trông ổn. Tôi mong tinh thần anh cũng thế. Anh nói anh không bị tra tấn” - cô nói thêm.
Gia đình anh Santi Boonphrom - cũng nằm trong nhóm được thả đầu tiên - nói với truyền thông Thái Lan rằng họ vui mừng khôn xiết. Vợ anh, chị Kanyaporn Raektaisong (35 tuổi) nói chị đã nhiều lần cầu nguyện để anh được thả và con trai họ đã đi tu được 15 ngày. “Tôi đã nghe được giọng của chồng tôi. Anh ấy nói sắp lên máy bay để trở về. Chúng tôi sẽ đến sân bay để đón anh ấy. Tôi sẽ làm món cá hộp xào - món anh ấy yêu thích. Tôi sẽ làm bất cứ điều gì để anh ấy hạnh phúc” - Kanyaporn nói trong khi bà Nuanchan Chanjonm (68 tuổi) - mẹ của anh Santi - cho biết bà đã khóc hằng đêm chờ đợi con trai và bà rất vui khi biết con trai vẫn an toàn.
Ngày 7/10, trong cuộc tấn công vào Israel, có khoảng 240 người từ 40 quốc gia đã bị phiến quân Hamas bắt làm con tin. Trong đó, có ít nhất 30 công dân Thái Lan và đây là nhóm người nước ngoài lớn nhất trong số các con tin. Theo chính quyền Thái Lan, ít nhất 39 người Thái thiệt mạng và 19 người bị thương trong vụ tấn công nhằm vào các làng nông nghiệp gần dải Gaza, nơi hàng ngàn công dân Thái Lan làm việc.
Trước cuộc xung đột, có khoảng 30.000 công dân Thái Lan làm việc tại Israel, phần lớn ở các trang trại và vườn cây ăn trái, bao gồm cả các khu vực gần Gaza. Trong khi có gần 8.000 người đã được hồi hương kể từ khi xung đột bùng nổ, nhiều người khác đã chọn ở lại bất chấp những lo ngại về an toàn.
Floating Doctors (Bác sĩ lưu động) tập trung vào việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí cho các cộng đồng xa xôi và thiếu thốn trên thế giới.