Gây thất thoát 200 tỷ đồng, nguyên tổng giám đốc Navibank kháng cáo kêu oan

22/06/2018 - 11:13

PNO - Sau bản án của tòa sơ thẩm, nguyên giám đốc Navibank cùng 9 đồng phạm kháng cáo cho rằng hành vi của họ không gây thiệt hại cho ngân hàng.

Ngày 22/6, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm, đưa 10 bị cáo nguyên là cán bộ ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) ra xét xử về tội "Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

10 bị cáo gồm: nguyên tổng giám đốc Lê Quang Trí, các nguyên phó tổng giám đốc Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hùng Sơn và 6 người nguyên là trưởng các phòng ban của Navibank.

Gay that thoat 200 ty dong, nguyen tong giam doc Navibank khang cao keu oan
Các bị cáo tại phiên xử

Sau phần thủ tục, chủ tọa tuyên bố tạm hoãn phiên xử vì một bị cáo đang chịu tang mẹ. Là người có quyền và nghĩa vụ liên quan nhưng Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó phòng quản lý rủi ro VietinBank - Chi nhánh TP HCM) và Võ Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè) không được áp giải đến phiên xử.

9/10 "sếp" Navibank kêu oan

Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 19/3, TAND TP.HCM đã tuyên phạt 10 bị cáo mức án từ 7-13 năm tù. Cho rằng mình bị oan, 9 bị cáo đã kháng cáo, bị cáo còn lại cũng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngoài ra, phía nguyên đơn dân sự là Navibank cũng có đơn kháng cáo toàn bộ nội dung liên quan đến ngân hàng này. Họ cho rằng việc cấp sơ thẩm tuyên trách nhiệm bồi thường hậu quả dân sự 200 tỷ đồng đã được giải quyết tại bản án phúc thẩm của TAND Tối cao trong giai đoạn một xét xử vụ án Huyền Như, bản án đã có hiệu lực nên không thuộc phạm vi giải quyết của vụ án này, là không có cơ sở.

Trong đơn kháng cáo, Navibank nêu rõ những hành vi, kể cả những thiếu sót, sai phạm của các cán bộ, nhân viên Navibank (nếu có) cũng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại, mất mát liên quan số tiền 200 tỷ đồng tiền gửi gốc tại Vietinbank.

Ngoài ra, Navibank cho rằng việc tòa sơ thẩm buộc ngân hàng này phải nộp lại số tiền hơn 24 tỷ đồng sung công quỹ là vi phạm quy định về giới hạn việc xét xử. Đồng thời, việc tòa kiến nghị giao gần 300 triệu còn trong tài khoản của các nhân viên của Navibank gửi tại Vietinbank cho cơ quan thi hành án xem xét kê biên là không có cơ sở.

Tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt 200 tỷ đồng

Theo bản án sơ thẩm, từ tháng 1/2010 đến tháng 5/2011, lãnh đạo Navibank đã thống nhất chủ trương làm trái luật, cấp tín dụng tổng cộng 1.543 tỷ đồng cho nhân viên đứng tên hợp đồng tiền gửi vào Vietinbank. Theo thỏa thuận, lãi trên hợp đồng giữa hai bên là 14%, lãi suất ngoài hợp đồng Như khi tiền của Navibank chuyển vào tài khoản được mở tại Vietinbank.

Như sau đó nhờ Tuấn đứng ra thỏa thuận với đại diện ngân hàng rồi sai người khác đưa hồ sơ mở tài khoản của các nhân viên giao cho Luật. Nữ "siêu lừa" tạo hồ sơ giả rồi chuyển đến phòng giao dịch Võ Văn Tần mở tài khoản tiền gửi. Khi tiền của Navibank chuyển vào tài khoản của 14 nhân viên tạo tại Vietinbank, Như lập chứng từ, giả chữ ký của chủ tài khoản lấy tiền sử dụng.

Cơ quan điều tra xác định, Như đã chuyển tổng cộng hơn 24 tỷ đồng lãi suất ngoài hợp đồng cho người của Navibank. Đến khi hạn tất toán hợp đồng, Như còn chiếm đoạt của nhà băng này 200 tỷ đồng.

Dàn lãnh đạo Navibank sau đó nhờ Nguyễn Hồng Hà (Giám đốc công ty Bắc Hà) đứng ra ký khống hợp đồng mua bán ngoại tệ, nhận chuyển nhượng 6 hợp đồng tiền gửi của Navibank tại Vietinbank nhằm che giấu việc bị chiếm đoạt 200 tỷ đồng.

Thiên Phú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI