Có những người sau khi gây tai nạn giao thông rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý, quậy phá bác sĩ cấp cứu. Nhưng cũng có những bệnh nhân thường lui tới bệnh viện để mong “thoát” cơn nghiện.
Mẹ say xỉn chửi bác sĩ cấp cứu
Bác sĩ Trần Đắc Nguyên Anh – khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM – cho biết, mới đây bệnh viện này tiếp nhận trường hợp 2 mẹ con chị Đ.T.M.L. (29 tuổi, ở Quận 4) trong tình trạng người bê bết máu, người mẹ say bí tỉ, được người dân đưa đến cấp cứu.
L. ngồi một góc phòng cấp cứu la lối, chửi rủa bác sĩ trong tình trạng của người say rượu, trong lúc các điều dưỡng gọi điện thoại tìm người thân cho mình. Sau khi tỉnh rượu, L. cảm thấy ân hận khiến con trai may 3 mũi ở chân.
Chị kể do uống quá chén trong buổi họp lớp 12 cũ, sau đó, chị chở con trai 4 tuổi đến đoạn đường Hai Bà Trưng, Quận 1, TP.HCM thì xảy ra va quẹt với xe máy đi ngược chiều, khiến con trai trầy xước, rách cẳng chân.
Khai thác hoàn cảnh gia đình, các bác sĩ biết chị L. thường xuyên lạm dụng rượu nên khuyên chị đi điều trị tâm lý.
Tình trạng con nghiện quậy phá sau khi gây tai nạn giao thông cũng thường xuyên diễn ra tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM.
Các bác sĩ khoa Cấp cứu ở đây cho biết: “Rất nhiều bệnh nhân bị tai nạn giao thông được đưa vào bệnh viện vẫn còn bị tình trạng ngáo đá, bia rượu say xỉn không hợp tác với bệnh viện, gia đình.
Bệnh nhân tự tiếp tục làm hại đến bản thân, bỏ chạy, tự tháo bỏ băng ép vết thương, la hét… khiến các bác sĩ trực rất bối rối khi xử trí và đánh giá tình trạng của bệnh nhân.
Với bệnh nhân cần phẫu thuật gấp càng phức tạp, phải đợi họ hợp tác, tỉnh táo, kiểm soát được hành vi thì chúng tôi mới can thiệp phẫu thuật được. Thông thường người bệnh bị đa thương, gãy nhiều xương, những trường hợp nặng có thể gây ra tàn tật, ảnh hưởng đến chức năng sinh hoạt, lao động sau này…”.
|
Hiện trường tài xế gây tai nạn nghiêm trọng tại Bến Lức, Long An ngày 2/1 vừa qua |
Nghiện heroin nguy hiểm như thế nào khi lái xe?
Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thanh Hiển - Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, rượu và ma túy là những chất kích thích vô cùng nguy hiểm khi tài xế đang lái xe, sự nguy hiểm sẽ tăng lên gấp bội nếu sử dụng đồng thời cả hai loại. Vì các ảnh hưởng của rượu lên não bộ sẽ càng nghiêm trọng nếu với nồng độ rượu trong máu càng cao.
Trước thông tin tài xế Phạm Thanh Hiếu điều khiển xe đầu kéo container biển số 62C.043.48 kéo rơ móc 62R.001.08, tông vào hàng loạt xe máy dừng đèn đỏ ở ngã tư Bình Nhựt, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An làm 4 người chết và 18 người bị thương nghi dương tính với heroin, bác sĩ Hiển phân tích: ma túy gồm nhiều loại khác nhau, nhưng được xếp vào 2 nhóm là ức chế và kích thích thần kinh trung ương (não bộ). Heroin thuộc nhóm ức chế thần kinh trong khi hầu hết các loại còn lại thuộc nhóm kích thích (đá, lắc, cỏ Mỹ, tem giấy, cocain…).
|
Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thanh Hiển - Bệnh viện Tâm thần TP.HCM |
Người nghiện heroin nếu không có heroin trong vòng 4-6 tiếng sẽ xuất hiện hội chứng cai rất khó chịu. Lúc đó, họ mất khả năng làm chủ bản thân và có những hành vi nguy hiểm. Đa số người nghiện heroin khi lên cơn ghiền thường dùng rượu để khỏa lấp sự khó chịu này bằng cách uống thật say.
Còn nếu tài xế sử dụng đồng thời rượu và heroin sẽ có tác động hiệp đồng gây ức chế thần kinh quá mức, làm buồn ngủ và chậm các phản xạ hoặc đưa ra các quyết định xử lý tình huống sai lầm (thay vì đạp chân thắng thì đạp nhầm chân ga) và gây ra các hậu quả thảm khốc.
Trong vụ tai nạn giao thông tại Long An, bác sĩ Hiển cho rằng khó biết được tài xế đang ở “thì” nào của cơn nghiện heroin, đang phê hay đang đói thuốc, và có dùng rượu để làm giảm sự khó chịu do đói thuốc hay không, vì test nhanh nước tiểu chỉ có thể cho kết quả là người đó có thể đã sử dụng heroin trong vòng 5-7 ngày trở lại đây. Chỉ có test nồng độ heroin trong máu và trong nước tiểu cùng thời điểm sẽ cho kết quả chính xác hơn và có kết luận chính xác về “thì” của tài xế.
Tuy nhiên, dù ở “thì” nào thì người nghiện cũng đều mất khả năng điều khiển và vận hành phương tiện giao thông.
Cần điều trị tâm lý và cai nghiện
|
Nhiều người say xỉn tự gây tai nạn và không chấp nhận chăm sóc từ nhân viên y tế |
Bác sĩ Trần Duy Tâm, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho biết bệnh viện này tiếp nhận nhiều trường hợp người nghiện đến cầu cứu bác sĩ giúp thoát khỏi bóng đen của rượu, heroin và các chất kích thích. Những bệnh nhân này hầu hết từng gây ra lỗi lầm trong cuộc sống, có cả việc gây tai nạn giao thông nên họ ân hận, mong sửa chữa sai lầm.
Theo các bác sĩ, người nghiện heroin chủ yếu ở nhóm người lớn tuổi trước đây, giới trẻ hiện nay chủ yếu nghiện các chất ma túy mới.
Anh H.A.T. (33 tuổi, ngụ quận 4) là một trong những nghiện heroin hiếm hoi ở giới trẻ. Chia sẻ với bác sĩ, anh T. cho biết ba mẹ anh sang nước ngoài định cư từ năm 2009, anh sống với người cô trong thời gian chờ hoàn tất thủ tục để sang Mỹ. Thế nhưng, trong một lần đi tiệc tùng với bạn bè, anh được “chiêu đãi” rượu mạnh và heroin. Kể từ đó, mỗi khi có cảm giác đơn độc trong cuộc sống anh lại tìm đến rượu và heroin.
Cách đây vài tháng, anh bắt đầu tìm đến bác sĩ tâm thần vì hoảng loạn tâm lý do lái xe trong tình trạng “hưng phấn” khiến một cụ bà bị gãy chân. Cũng trong lần gây ra tai nạn giao thông này, anh phát hiện mình bị HIV. Đau đớn, anh cũng chủ động chia tay bạn gái để giữ kỷ niệm đẹp.
Bên cạnh việc uống methadone để cai nghiện heroin, uống thuốc ARV để điều trị HIV, giờ đây, anh lặng lẽ đến bệnh viện tâm thần để cầu cứu bác sĩ cách vượt qua nguy cơ tái nghiện và khắc phục ám ảnh tâm lý, khiến anh nhiều lúc muốn tự sát.
|
Một nạn nhân bị xe container tông hàng loạt xe máy ở Long An đang điều trị tại BV Chợ Rẫy |
Bác sĩ Trần Duy Tâm chia sẻ, người bệnh đến điều trị tâm lý thường rơi vào 2 nhóm: nhóm lạm dụng chất kích thích và nhóm muốn cai nghiện. Ở người lạm dụng thì chưa nghiện, người bệnh chỉ sử dụng chất kích thích với liều lượng không phù hợp.
Đối tượng này thường nghĩ bản thân chưa bị nghiện, chủ quan kiểm soát được tinh thần nên dễ gây ra tai nạn giao thông. Trong khi con đường từ lạm dụng đến nghiện chất kích thích rất ngắn.
Tùy vào loại chất kích thích tác động lên hệ thần kinh trung ương mà bác sĩ điều trị sẽ có phác đồ khác nhau, ví dụ người nghiện rượu thường hưng phấn, ức chế thần kinh, nghiện heroin lại cảm thấy êm dịu, kích thích… Điều khó khăn hiện nay là bệnh nhân dễ tái nghiện do không tuân thủ, không vượt qua được bản thân sau khi quyết tâm cai nghiện.
Phạm An - Hồ Ca