Với tài lực khủng khiếp, hoàng thân Mohhamed bin Hammam (Qatar - ảnh phải) thích dùng tiền để giải quyết mọi vấn đề. Nhưng, chính tiền khiến cho ông Hammam tiêu tan hoàn toàn sự nghiệp ở Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA).
Nói được, làm không được
Trở thành Thủ tướng Anh vào tháng 6/2007, ông Gordon Brown được đón nhận nhiệt liệt, vì ông thuộc đảng Lao động, lại chưa hề vướng điều tiếng về tiền bạc. Trong những năm là dân biểu ở Hạ viện, ông Brown cũng được cho là một chính trị gia trong sạch.
Một trong những tuyên bố đầu tiên của ông Brown khi đặt chân vào Phủ Thủ tướng là sẽ kết thúc thời kỳ tai tiếng về đặc quyền, đặc lợi của các thành viên chính phủ Anh - điều khiến cho thanh danh của Thủ tướng Tony Blair bị vấy bẩn trong những năm đảng Lao động cầm quyền. Ông Brown hứa, sự minh bạch và trung thực phải có ở các bộ trưởng thuộc quyền, trao quyền giám sát chính phủ cho quốc hội cũng như xóa hẳn những hoạt động có thể khiến các bộ trưởng… tư túi của công.
Thời điểm đó, ông Brown rất được giới báo chí Anh ủng hộ, dù truyền thống của báo chí nước này là “soi” rất kỹ sai sót của các thành viên chính phủ. Nhà báo Peter Oborne của tờ Daily Mail là một trong số đó. Các bài báo của ông Oborne luôn dành thiện cảm cho ông Brown và chính phủ Anh, dù nhiều độc giả cho rằng ông Oborne quá ngây thơ.
Hai năm sau khi ông Gordon Brown nhậm chức đã xảy ra scandal đúng vào nơi ông Brown tuyên bố phải làm cho “trong sạch”. Báo chí Anh phát hiện một số bộ trưởng lạm dụng công quỹ mà phần lớn thông qua chế độ tài chính dành cho các thành viên chính phủ. Hai nhân vật được nhắc đến nhiều nhất trong scandal này là bà Jacqui Smith, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, và ông Tony McNulty, Bộ trưởng Bộ Lao động. Cả hai đều là dân biểu Hạ viện Anh.
Bộ trưởng Bộ Lao động Tony McNulty
Ông McNulty khai mình đang sống ở nhà của bố mẹ để được nhận trợ cấp tiền thuê nhà trong thời gian là bộ trưởng. Thật ra, ông sống cùng vợ tại một căn nhà ở khu Hammersmith, chỉ cách ba dặm so với điện Westminster, trụ sở Hạ viện Anh. Khi chuyện vỡ lở, ông McNulty cố cãi là việc khai nhận này không có gì bất hợp pháp. Từ đó, tuy không còn nhận khoản phụ cấp nhà ở, nhưng ông Tony McNulty buộc phải từ chức bộ trưởng vào tháng 6/2009 trước chỉ trích của dư luận.
Trường hợp của bà Jacqui Smith nghiêm trọng hơn. Dù sống cùng chồng con tại một ngôi nhà ở khu Redditch, Worcestershire, nhưng bà Smith khai rằng trong thời gian thi hành công vụ, bà sống tại nhà một người chị để hưởng khoản trợ cấp nhà ở. Bà còn được công quỹ thanh toán nhiều khoản riêng tư khác như trang trí nội thất cho căn nhà của mình, sửa chữa cổng rào, mua sắm truyền hình đời mới, đầu video, máy giặt, tiền công giặt thảm và những thiết bị trong nhà tắm. Không chỉ thế, trong những hóa đơn mà bà Smith gửi để thanh toán có cả việc xem truyền hình “pay-per-view” - phim “người lớn”, điều mà chồng bà, ông Richard Timney, đã thừa nhận và xin lỗi.
Bà Smith luôn cho rằng, những chi tiêu của bà hoàn toàn trong giới hạn của quy định và việc bà khai “sống thường xuyên tại nhà của chị mình” là trung thực. Tiếc rằng không ai tin vào điều đó. Khi ông Gordon Brown cải tổ nội các vào ngày 5/6/2009, bà Jacqui Smith bị loại khỏi chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Năm sau, trong cuộc tổng tuyển cử toàn quốc, bà mất luôn cả ghế dân biểu Hạ viện Anh.
Cũng trong kỳ tổng tuyển cử năm 2010, đảng Lao động mất thế đa số tại Hạ viện Anh, nên ông Gordon Brown phải rời chức thủ tướng. Vụ scandal thâm lạm công quỹ của các bộ trưởng dưới quyền ông Brown đã ảnh hưởng đến kết quả cuộc tổng tuyển cử. Điều đáng trách nhất là ông Brown đã không kiên quyết xử lý vấn đề này mà còn tỏ ý bênh vực ông McNulty và bà Jacqui Smith khi cho rằng, “những khoản chi tiêu đó nằm trong quy định”.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Jacqui Smith
Chơi dao, đứt tay
Nếu ông Mohhamed bin Hammam vẫn hài lòng với chiếc ghế Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới FIFA như vẫn đảm nhận hơn 10 năm, hẳn sự nghiệp bóng đá của ông đã không tan thành mây khói. Thói hãnh tiến và đam mê quyền lực, lòng tin mù quáng vào sức mạnh của đồng tiền là lý do khiến ông Hammam vĩnh viễn biến khỏi đời sống bóng đá.
Những năm cuối thế kỷ trước, ông Hammam là đồng minh thân cận nhất của ông Blatter, lúc đó là Tổng thư ký FIFA. Cuộc bầu cử chức chủ tịch FIFA năm 1998 diễn ra, nhân vật sáng giá nhất là ông Lennart Johansson, người Thụy Điển, đang giữ chức Chủ tịch LĐBĐ châu Âu (UEFA). Khi ông Blatter tuyên bố tranh cử chức chủ tịch FIFA với ông Johansson, nhiều người ví đó là cuộc chiến giữa chàng tí hon David và gã khổng lồ Goliath. Thế lực của ông Johansson bao trùm cả thế giới bóng đá chứ không chỉ ở phạm vi châu Âu, còn chức vụ Tổng thư ký FIFA của ông Blatter chủ yếu làm công việc điều hành.
Tuy nhiên, điều ít người chú ý là ông Blatter có sự hậu thuẫn tài chính vô hạn của ông Hammam. Trong các cuộc vận động bầu cử của ông Blatter luôn có mặt ông Hammam và theo đó là những món quà đắt tiền cũng như phong bì dày cộm. Việc ông Johansson thất bại trong cuộc bầu cử chức Chủ tịch FIFA vào năm 1998 có thể là điều bất ngờ, nhưng với người hiểu chuyện thì đó là lẽ thường. Hầu hết các lá phiếu từ những nước thuộc thế giới thứ ba (châu Phi, châu Á, Nam Mỹ) đều dành cho ông Blatter. Đó là kết quả từ những món quà đắt tiền mà ông Hammam đã tặng các nước trong lúc cùng ông Blatter vận động tranh cử.
Không lâu sau đó, ông Mohhamed bin Hammam được bầu làm Chủ tịch LĐBĐ châu Á (AFC) đồng thời là Phó Chủ tịch FIFA. Nếu vị hoàng thân người Qatar giàu có này an phận với các chức danh đó, có lẽ sự nghiệp của ông không kết thúc một cách cay đắng. Ngược lại, ông Hammam đã quá nóng vội. Từ cuối năm 2010, ông Hammam đã tuyên bố tranh cử chức chủ tịch FIFA vào giữa năm 2011, và bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử của mình.
Bên cạnh mối quan hệ thân hữu sẵn có với liên đoàn bóng đá các nước, ông Hammam tiếp tục tận dụng thế mạnh lớn nhất của mình là tiền bạc. Những món quà đắt tiền, những chiếc phong bì dày cộm lại xuất hiện trong những lần ông Hammam đến các nước. Để rồi, cũng đến lúc vị Phó Chủ tịch FIFA sập bẫy của chính mình.
Trong lần dự cuộc họp của LĐBĐ Trung Bắc Mỹ và vùng Caribbe (CONCACAF) vào tháng 5/2011, ông Bin Hammam tặng mỗi đại biểu một phong bì, trong đó có 50.000 USD. Vụ việc vỡ lở khi Chuck Blazer, Chủ tịch CONCACAF, báo cáo cho FIFA. Một cuộc điều tra được tiến hành, kết quả: ông Bin Hammam phạm tội hối lộ nhằm mua phiếu của các nước trong cuộc bầu cử chức Chủ tịch FIFA vào năm 2011. Ông bị đình chỉ mọi chức vụ tại cả FIFA lẫn AFC.
Một ngày trước khi cuộc bầu cử chức Chủ tịch FIFA diễn ra, ông Hammam thông báo rút khỏi cuộc tranh cử với hy vọng sẽ giữ lại được chức Phó chủ tịch FIFA. Đã quá trễ, FIFA ra quyết định cấm ông Hammam dính dáng đến mọi việc trong lĩnh vực bóng đá toàn cầu vĩnh viễn. Một kết cuộc quá đắng cay đối với người từng tin rằng đồng tiền có sức mạnh vạn năng.
THIỆN NGA