Gây dựng niềm tin cho thực phẩm sạch giá rẻ

14/10/2015 - 08:02

PNO - Lần đầu tiên rau, thịt đạt chứng nhận VietGAP có giá bán bằng giá sản phẩm thông thường có mặt trên thị trường, đang chờ người mua tiếp nhận.

Người tiêu dùng ngạc nhiên

Cuối tuần qua, khu vực các sạp thịt heo của chợ Hòa Bình (Q.5) trở nên sôi động hơn thường ngày với cảnh người mua xếp hàng trước hai sạp 124D và 125D đợi đến lượt mua thịt heo.

Hiện tượng này không phải do hai sạp trên khuyến mãi, giảm giá… mà đây là lần đầu tiên thịt heo đạt tiêu chuẩn VietGAP được bán đến tận tay người tiêu dùng, dưới sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP.HCM.

Tấm biển “Thịt heo đạt chứng nhận VietGAP”, kèm bảng niêm yết giá bán rõ ràng giăng ngay trước sạp. Không ít bà nội trợ chăm chú quan sát những tảng thịt lớn nằm trên sạp, cố nhận biết sự khác biệt so với miếng thịt heo mình mua trước đây.

Đáng chú ý là giá niêm yết vẫn như giá thịt thông thường: thịt vai, thịt nách 70.000đ/ kg, thịt đùi 75.000đ/kg, thăn, ba rọi 85.000đ/kg, sườn non 125.000đ/kg… Mức giá này đã khiến nhiều người ngạc nhiên lẫn… nghi ngờ.

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, nếu sản phẩm được một đơn vị có tiềm lực về tài chính, chăn nuôi, giết mổ, phân phối… theo một chuỗi khép kín thì giá thấp không có gì là lạ.

Những miếng thịt đạt tiêu chuẩn VietGAP phải mất khá nhiều thời gian để kết nối giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp giết mổ, tiểu thương tại chợ truyền thống… theo một chuỗi khép kín, nếu không được sự hỗ trợ về tài chính, tổ chức thực hiện sẽ khó có mức giá như sản phẩm thông thường.

Gay dung niem tin cho thuc pham sach gia re
Đông người tiêu dùng tìm đến quầy thịt VietGAP

Điều ông Trung nói là có cơ sở bởi ít ngày trước đây, tại hệ thống siêu thị Vinmart, mẻ rau sạch đầu tiên mang nhãn hiệu VinEco cũng chính thức ra thị trường sau sáu tháng Tập đoàn Vingroup công bố tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên quy mô lớn.

Mười bốn chủng loại khác nhau gồm: rau muống hạt, mướp đắng, mướp ngọt, cải củ ăn lá, rau dền đỏ, rau dền xanh, rau dền tía, rau lang ngọn, rau bí, xà lách, dưa chuột... được dán nhãn tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

Vì GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam - VietGAP, hay toàn cầu - GlobalGAP) được xem như “đẳng cấp” của những nông sản mang loại tem này nên nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi giá bán khá bình dân.

Chẳng hạn, mướp khía 15.000đ/ kg, bầu sao 15.000đ, bí ngô non 12.000đ, dưa leo 10.000đ/kg… - chỉ ngang bằng hoặc cao hơn không nhiều so với những sản phẩm rau cùng loại tại các chợ.

Trong khi đó, những sản phẩm tương tự dán nhãn GAP được phân phối bởi các hợp tác xã, doanh nghiệp khác của Đà Lạt tại TP.HCM có giá cao ít nhất là gấp hai, thậm chí gấp ba, bốn lần rau của VinEco.

Đảm bảo thương hiệu bằng quy trình khép kín

Với mức giá hiện tại, VinEco là đơn vị hiếm hoi đưa được sản phẩm dán nhãn sạch giá rẻ, do đơn vị này tự trồng, tự bán, không phải qua trung gian nào. Đây là việc mà không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng thực hiện.

Tuy nhiên, cũng như bao doanh nghiệp làm rau sạch khác, thuyết phục người tiêu dùng tin vào chứng nhận trên nhãn dán một cách tuyệt đối là việc không dễ. Nguyên do, hiện nay rau củ nói chung có nhiều mức độ tiêu chuẩn như: rau thường (rau trồng đại trà), rau an toàn, rau sạch… trong khi kỹ năng nhận biết của người tiêu dùng còn hạn chế.

Mới đây, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tiến hành khảo sát cách phân biệt rau an toàn và không an toàn bằng mắt thường, kết quả cho thấy, có đến hơn 90% số người được hỏi cho biết họ không thể phân biệt.

Mặt khác, hiện có tới 20 tổ chức được Bộ NN-PTNT chỉ định chứng nhận VietGAP khiến việc thẩm định và trao chứng nhận không tránh khỏi những nghi ngờ về tính chặt chẽ. Nhiều người tiêu dùng đặt niềm tin vào lời giới thiệu từ bạn bè, người quen về độ sạch của rau hơn là tin vào nhãn mác mà các đơn vị trồng hay phân phối công bố.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI