Gãy chân đi chữa ngay, còn bất ổn tâm lý thì mặc kệ

11/03/2018 - 15:37

PNO - Theo bác sĩ Xuân Giang, chứng lo âu, trầm cảm ở vị thành niên hiện tăng đáng kể và là những ca khó, thử thách đối với nhà tâm lý.

“Các nước phát triển đặc biệt coi trọng sức khỏe tâm thần. Khách hàng quốc tế mà tôi khám, trị liệu đa số đúng hẹn; những người đặt lịch hẹn và rồi hủy đa số rơi vào khách hàng Việt Nam. Một thực tế phổ biến là chứng trầm cảm nguy hiểm đến vậy, đưa đến hành động hủy hoại, tự sát mà ít được thăm khám, chữa trị kịp thời, trong khi gãy xương thì bệnh nhân cấp tốc đến bệnh viện”.

Gay chan di chua ngay, con bat on tam ly thi mac ke
Ảnh minh họa

Hai hình ảnh cụ thể được thạc sĩ - bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang (Giám đốc phòng khám Thiên Phước) đưa ra minh chứng cho sự kém quan tâm đối với sức khỏe tinh thần của người Việt tại hội thảo Thực trạng và nhu cầu sử dụng chuyên viên tâm lý do Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông (Trường ĐH Văn Lang) tổ chức ngày 10/3.

Theo bác sĩ Xuân Giang, chứng lo âu, trầm cảm ở vị thành niên hiện tăng đáng kể và là những ca khó, thử thách đối với nhà tâm lý. Học sinh ở các trường quốc tế cũng trầm cảm, rối loạn lo âu cao: đòi tự sát, dọa bắn bạn (do ảnh hưởng từ phim ảnh), chửi thầy cô…

Nhiều ca được các cán bộ tham vấn học đường phát hiện, gửi đến khám. Phụ huynh trường quốc tế cũng có nhiều khó khăn, thử thách về văn hóa trong việc dạy con: vừa muốn con độc lập lại vừa muốn quản con trong vòng tay, sinh ra những mâu thuẫn, ức chế từ nhiều phía.

Gay chan di chua ngay, con bat on tam ly thi mac ke
Các giáo viên, kiêm hỗ trợ tâm lý cho học sinh chia sẻ niềm hạnh phúc khi đồng hành với các em.

Nhu cầu tham vấn tâm lý ở học sinh rất cao, theo khảo sát của tiến sĩ Võ Thị Tường Vy (Phó khoa Tâm lý học trường ĐHSP TP.HCM), học sinh phổ thông cần tham vấn tập trung nhiều ở các nội dung: mối quan hệ với bạn bè (71,1%), học tập (68,9%), mối quan hệ với gia đình (62,2%)…

Tuy nhiên, không phải trường nào cũng có tham vấn tâm lý học đường, có nơi các thầy cô, cán bộ kiêm nhiệm. Việc hỗ trợ tâm lý cho học sinh vướng phải nhiều rào cản: còn quá mới, do nếp nghĩ ai vào phòng tư vấn là không bình thường, học sinh e ngại tiếp xúc hoặc còn quá bé…

Điều cực kỳ quan trọng là phụ huynh không nhận thấy con mình cần hỗ trợ tâm lý nên không ưu tiên, không nhiệt tình hợp tác. Nếu người mời là ban giám hiệu, giám thị, giáo viên chủ nhiệm thì phụ huynh cảm thấy “bắt buộc” còn chuyên viên tâm lý mời thì phụ huynh cảm thấy “cần” chứ không là “phải”.

Không chỉ là người hỗ trợ học sinh mà cùng với phụ huynh, giáo viên, ban giám hiệu thì chuyên viên tâm lý cũng cần được giúp đỡ vì họ cũng có những áp lực riêng. Bác sĩ Xuân Giang thổ lộ: “Thử hỏi nhà tâm lý mỗi ngày tiếp cận, can thiệp 10 ca trầm cảm, 5 ca đòi tự sát, giữa đêm giật thót vì những tin nhắn, cú điện thoại… nhà tâm lý cũng mệt mỏi thì ai sẽ hỗ trợ, chia sẻ?”.

Gay chan di chua ngay, con bat on tam ly thi mac ke
Ảnh minh họa

Nhu cầu chuyên viên tâm lý của xã hội rất lớn, đóng góp hữu ích trong ngành giáo dục đào tạo, bệnh viện, doanh nghiệp… tuy nhiên đáp ứng của nhà tâm lý về lượng – chất chưa theo kịp. Người học tâm lý thiếu nơi thực hành và được chuyên gia hướng dẫn, giám sát để “học trên ca” và tích lũy chuyên môn.

Trăn trở của TS Lê Minh Công – Phó khoa Tâm lý học trường ĐH KHXH & NV TP.HCM được toàn thể hội thảo đồng tình: “Do chưa có mã ngành mã nghề tâm lý nên người công tác trong lĩnh vực này khó thể định vị mình”.

TS Minh Công đề xuất, đối với đào tạo bậc cử nhân, các trường cần thống nhất phải xây dựng chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo phù hợp hơn với các nước phát triển, chương trình cần tập trung vào kiến thức và kỹ năng nền tảng tâm lý thay vì đi quá sâu vào các lĩnh vực ứng dụng và nghề nghiệp.

Người học tâm lý thường ảo tưởng về nghề nghiệp mai này sẽ trở thành nhà tâm lý nên khi thực tế không được như vậy dễ sinh thất vọng, nên xây dựng tư tưởng từ đầu không hẳn trở thành nhà tâm lý mà có thể đóng góp ở nhiều lĩnh vực liên quan đến tâm lý.

Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI