Gaur - Thứ Sáu vui lễ bên kia biên giới

18/09/2017 - 08:51

PNO - Những người dân Gaur Hồi giáo ở xứ Ấn cứ mỗi thứ Sáu lại lục đục vượt qua biên giới đi lễ. Nói “vượt biên” nghe ghê gớm, chứ thật ra chỉ là một chuyến đi vài cây số về miền đất cũ!

Tôi tìm đến Gaur xa ngái tận biên giới Bangladesh - Ấn Độ với mục đích ban đầu là được viếng vùng đất ngồn ngộn kiến trúc cổ này, nhưng khi được nghe chuyện những người dân sống bên kia biên giới cứ đến đúng ngày là háo hức đùm túm qua biên giới để đi lễ là nổi ngay tính tò mò. 

Gaur -  Thu Sau vui le ben kia bien gioi
Nam giới trang trọng trong những bộ panjabi trắng toát

Nhờ sự nhiệt tình giúp đỡ của người Rajshahi, sau mấy chặng xe, tôi cũng tìm được tận nơi, đúng ngay ngày lễ. Có nhiều cách gọi: Gaur, Gaud, Gauda, Gour và cả cái tên cổ xưa người bản địa thường nhắc là Lakhnauti, nhưng miền đất ngày xưa nằm vắt qua hai quốc gia này, tuy giờ đã chia tách nhưng vẫn giữ nguyên cái tên. 

Không có xe chạy thẳng từ Rajshahi đến đây mà phải chuyển từ xe liên quận qua xe liên huyện, gà gật thêm trên maxis (giống xe lam ở Việt Nam) mới đến được vùng biên giới này - một nơi mà nhiều tài xế ở Rajshahi còn không biết tên.

Gaur -  Thu Sau vui le ben kia bien gioi
Những tà saree tha thướt tô thêm sắc cho những di tích cổ

Vì những xung đột tôn giáo, năm 1947 đã phát sinh hai làn sóng di cư ngược nhau trên tiểu lục địa Ấn Độ, tách ra thành hai quốc gia là India và Pakistan. Những người theo đạo Hindu chuyển về đất Ấn, những người theo Muslim giáo chuyển ngược đến Pakistan. Đến năm 1971, lại thêm một lần phân ly. 

Gaur -  Thu Sau vui le ben kia bien gioi
Nét tinh tế của một di tích gần 500 năm tuổi ở Gaur

Vùng Đông Pakistan tách ra thành quốc gia độc lập mới là Bangladesh. Đó là lý do xuất hiện cái vạch biên giới chia cắt miến đất Gaur cổ xưa thành hai phần, một bên thuộc Ấn Độ, bên kia thuộc Bangladesh. Đó cũng chính là lý do những người Gaur bên xứ Ấn lặn lội về đây đi lễ. Ấn Độ dù vẫn có nhà thờ Muslim nhưng không thể bằng bên phần xứ Gaur thuộc Bangladesh, nơi Hồi giáo là tôn giáo chính, nơi những thánh đường Muslim vài trăm năm tuổi cổ kính giờ vẫn còn sừng sững. 

Những người dân Gaur Hồi giáo ở xứ Ấn cứ mỗi thứ Sáu lại lục đục vượt qua biên giới đi lễ. Nói “vượt biên” nghe ghê gớm, chứ thật ra chỉ là một chuyến đi vài cây số về miền đất cũ!

Gaur -  Thu Sau vui le ben kia bien gioi
Các bé gái Gaur với vẻ lam lũ

Hôm tôi lò dò tới Gaur, đang ngó nghiêng ở trạm biên phòng thì đã thấy nhiều gia đình lục tục đi từ bên kia sang. Những thánh đường hàng trăm năm tuổi hôm đó rộn ràng vui. Những bờ hồ xanh biếc trở thành nơi nghỉ ngơi, picnic của các gia đình sau buổi lễ. Sắc trắng trang trọng ở những bộ panjabi của đàn ông bên các tà saree nhiều màu của phụ nữ khiến những bãi cỏ như sáng rực lên.

Buổi chiều chia tay Gaur, tôi xuôi về Rajshahi, ngược chiều với những chuyến xe đang túc tắc hướng đến biên giới, lòng cứ chùng xuống mà chẳng hiểu tại sao.

Gaur -  Thu Sau vui le ben kia bien gioi
Chiều xuống, miền biên viễn giàu di tích xưa cổ về lại với nét vắng lặng thanh bình
Gaur -  Thu Sau vui le ben kia bien gioi
Bán rau củ ở chợ lề đường ngay biên giới
Gaur -  Thu Sau vui le ben kia bien gioi
Cửa khẩu biên giới Bangladesh - Ấn Độ ở Gaur chủ yếu chỉ dành cho xe tải vì không thuận đường du lịch
Gaur -  Thu Sau vui le ben kia bien gioi
Đa số những người ngang qua biên giới Bangladesh - Ấn Độ là người về Gaur đi lễ

 Trần Thái Hoãn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI