36 tuổi, chị Liêu Thị Kim Phượng đang là Giám đốc Hợp tác xã Vườn lan Việt ở TP.Thủ Đức, TP.HCM. Chị đã và đang dành nhiều thời gian, tâm sức lai tạo ra các giống hoa lan dendro có màu sắc, hình dáng và mùi hương mới lạ. Sau khi tốt nghiệp ngành nông học, Trường đại học Nông Lâm TP.HCM năm 2008, chị Phượng đi làm cho các công ty chuyên về cây xanh, cây kiểng. Nhưng vì đam mê giống hoa lan phi điệp nên vào năm 2015 chị đã cải tạo phòng ngủ của mình thành phòng thí nghiệm nuôi cấy mô. Nhờ sự hỗ trợ tận tình về chuyên môn của các thầy cô ở trường đại học và đồng nghiệp đi trước mà quá trình nuôi cấy mô của chị Phượng gặp nhiều thuận lợi, từng bước bán được sản phẩm ra thị trường. Đến năm 2018, chị thuê 200m2 đất tại P.Phước Bình, TP.Thủ Đức để đầu tư phòng thí nghiệm.
Chị Liêu Thị Kim Phượng tại khu vườn nhân giống và trồng thành phẩm các loại cây mô lan của mình
Và bước ngoặt đã đến với chị Phượng vào năm 2019 khi chị đi du lịch Thái Lan và bị thu hút bởi nền công nghiệp hoa lan của nước bạn. Ý nghĩ tự mình lai tạo các loại giống lan dendro bằng phương pháp gieo hạt bắt đầu manh nha ở chị. Dù đã có kinh nghiệm nhân giống lan phi điệp nhưng khi bắt tay với giống dendro, chị đã gặp vô vàn khó khăn từ môi trường nuôi cấy, cách làm chồi, chọn chồi cấy thành cây, chăm sóc, quản lý vườn… Nhờ sự kiên trì với công việc, cuối năm 2020 chị Phượng đã đạt được thành quả đầu tiên trong việc gieo hạt tạo giống lan dendro mới. Hiện, bộ sưu tập cây giống của chị đã có tới hơn 200 mặt bông, nổi bật là các loại dendro màu (cao khoảng 50cm, cánh tròn, ít chịu nắng), dendro nắng (cao từ 2 - 2,5m, cánh nhọn, chịu nắng tốt, có thể dùng để cắm chậu hoa lớn), dendro chớp (có tia sáng trên rìa cánh, màu sắc và hình dáng là sự kết hợp giữa dendro màu và dendro nắng). Từ chỗ hoàn toàn làm việc trong phòng thí nghiệm, năm 2020 chị Phượng mạnh dạn thuê thêm 1.500m2 đất ở P.Phú Hữu, TP.Thủ Đức để trồng cây con (ước đạt 400.000 cây/năm) và giao mô (4.000 - 5.000 cây mô/tháng) cho các nhà vườn vệ tinh trồng thành cây hoa thành phẩm. Cùng năm này, Hợp tác xã Vườn lan Việt gồm 11 thành viên do chị làm giám đốc được thành lập.
Hiện, đầu ra của Vườn lan Việt rất ổn định với giá thành bán ra khá mềm (7.500 - 8.000 đồng/cây mô) để nhiều nhà vườn nhỏ và người chơi hoa có cơ hội tiếp cận các giống lan mới. Ngoài mô và cây con, Vườn lan Việt còn nhận thiết kế chậu hoa loại lớn cho các doanh nghiệp làm quà tặng. Sự phát triển của Vườn lan Việt cũng đã góp phần tạo việc làm cho 20 lao động thời vụ. Khách hàng ở khắp TP.HCM và nhiều tỉnh từ Nam ra Bắc.
Từ cuối năm 2021, Vườn lan Việt đổi mới hướng kinh doanh, ngoài TP.HCM, hợp tác xã còn giao mô lan dendro cho các nhà vườn tại Đồng Tháp, An Giang với kỳ vọng tạo ra thị trường lớn hơn. Chị Phượng cho biết, mục tiêu tiếp theo của mình là xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị bằng cách liên kết với Hội Phụ nữ tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi địa phương. Hợp tác xã sẽ hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp mô, chậu, xơ dừa cho chị em có nhu cầu trồng tại nhà, đồng thời hỗ trợ Hội xây dựng vườn lan nghĩa tình gây quỹ cho hoạt động phong trào.
Bước qua gian nan, tiến về phía trước
Sau khi cưới nhau năm 1998, chị Phan Ngọc Thủy nhận may quần áo tại nhà, còn chồng là anh Lê Trung Can, làm tài xế cho công ty chuyên kinh doanh cây cảnh. Mãi tới năm 2003, sau thời gian dài chạy xe giao hoa, cây cảnh, anh Can bàn với vợ đầu tư trồng hoa lan vũ nữ vì nhận thấy nhu cầu tiêu thụ khá lớn, nhà lại có đất đai rộng rãi. “Chúng tôi chỉ có 1,5 triệu đồng làm vốn mua chậu, xơ dừa, than củi và các kệ sắt. Cây giống được công ty nơi anh Can làm việc bán giá rẻ. Anh Can vẫn làm tài xế, còn tôi vừa may quần áo vừa chăm lan. Tới kỳ thu hoạch, chiều tối mỗi ngày, vợ chồng lại chở lan đi khắp nơi chào bán. Thấy thị trường tươi sáng, mỗi cành lan vũ nữ bán được 8.000 đồng, chúng tôi quyết định đầu tư thêm nhà lưới để trồng 1.000 gốc vào năm 2005. Được vài năm thì giá bán hạ dần còn 2.000 đồng/cành, chúng tôi chuyển qua trồng lan mokara, xây hồ nuôi cá bảy màu. Nhưng không mấy hiệu quả. Đến năm 2015, chúng tôi gần như từ bỏ nghề nông. Chúng tôi rất hoang mang, cứ nghĩ mình đã đi sai đường” - chị Thủy chia sẻ.
Đất nhà rộng, vợ chồng chị Thủy chia ra cho thuê làm xưởng cơ khí, trồng hoa mai và nhận giữ ô tô. Dù vậy, “máu nhà nông” khiến họ luôn đau đáu tìm hướng đi mới. Năm 2019, vợ chồng chị Thủy lại “liều” khi đầu tư trồng nấm bào ngư xám. Đầu tiên, họ dè dặt trồng 100 phôi. Những lứa nấm đầu, chị Thủy phải chở khắp các chợ giới thiệu. Nhờ có chất lượng tốt nên sản phẩm của chị từng bước được khách hàng ưa chuộng, đơn đặt hàng ngày càng nhiều. Vậy là, đầu năm 2021, vợ chồng chị làm hẳn nhà gỗ để trồng nấm, trang bị hệ thống phun sương. Số lượng phôi nấm cũng tăng lên 2.000. Nhờ Hội Phụ nữ và Hội Nông dân phường giới thiệu, vợ chồng chị được vay vốn lãi suất ưu đãi, được tham gia nhiều khóa học kỹ thuật trồng nấm, kết hợp trồng rau sạch. Chị Thủy thông tin: “Hiện nay, vào những ngày rằm, mồng Một hằng tháng, nấm thu hoạch không đủ bán. Chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng quy mô trồng nấm lên 5.000 rồi 10.000 phôi, xây dựng phòng lạnh, ngoài nấm tươi sẽ làm thêm nấm xé khô. Khởi đầu gian nan đã qua rồi, giờ là lúc chúng tôi tính chuyện đi đường dài”.
Chị Văn Ngọc Thanh đang hướng tới mở rộng quy mô trồng nấm bào ngư xám trong thời gian tới
Cũng như chị Thủy, chị Văn Ngọc Thanh, 52 tuổi, thành viên Tổ hợp tác Nấm sạch Hiệp Thành, P.Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM cũng đã thành công với cây nấm bào ngư xám khoảng hai năm nay. Sự thành công ấy có phần định hướng, tiếp sức bằng nguồn vốn vay của Hội Phụ nữ và các lớp hướng dẫn kỹ thuật của Hội Nông dân. Trước đó, chị Thanh đã trải qua biết bao khó khăn với rất nhiều công việc như trồng lúa, trồng rau, trồng hoa, nuôi gà, nuôi heo thịt và nuôi bò sữa… Về định hướng lâu dài, chị Thanh cho biết: “Tôi muốn khu vườn của mình ngày càng sạch đẹp, thoáng mát hơn, không có mùi hôi. Cho nên nấm là lựa chọn tối ưu. Hiện tôi mới chỉ trồng có 5.000 phôi nấm nên sắp tới sẽ mở rộng thêm diện tích”.
Mẫn Nh
Phụ nữ Việt Nam tham gia tích cực vào công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế
Trong lĩnh vực kinh tế, phụ nữ tiếp tục phát huy vai trò làm chủ, tham gia tích cực vào công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và bảo vệ môi trường. Phụ nữ khu vực nông nghiệp và kinh tế nông thôn là lực lượng chủ yếu đóng góp đáng kể vào phong trào xây dựng nông thôn mới. Nhiều chị em đã tiếp cận và làm chủ quy trình sản xuất, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm chủ lực, theo chuỗi giá trị, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu và đưa nông nghiệp thành “bệ đỡ” của nền kinh tế trong những năm gần đây. Phụ nữ ngày càng khẳng định sự đóng góp quan trọng vào các ngành công nghiệp chế biến, dệt may, da giày, điện tử, thương mại, tài chính, ngân hàng và các ngành dịch vụ. Chị em không ngừng rèn kỹ năng, luyện tay nghề, thích ứng với công nghệ sản xuất mới, tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, tăng khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường thế giới. Cùng với đội ngũ doanh nhân Việt Nam, nữ doanh nhân có đóng góp đáng kể vào các ngành thương mại, dịch vụ, phong trào “Quốc gia khởi nghiệp”, thực hiện trách nhiệm xã hội, góp phần đưa tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ lên 24% năm 2019 (theo báo cáo quốc gia năm 2020 - tiến độ 5 năm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
(Trích dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc nhiệm kỳ 2022 - 2027)