Gặp trời dưới đất

28/05/2015 - 08:14

PNO - PN - Tường đất sét mát lạnh và ẩm ướt, thoát hẳn cái nóng của gió Lào. Hun hút và lạnh. Nhưng mồ hôi cứ tuôn. Lúc thẳng lưng lúc dò dẫm. Đột ngột lại xuất hiện một cái ngách. Và thú vị vô cùng, trong ánh sáng nhờ nhờ ma mị...

edf40wrjww2tblPage:Content

Họa sĩ Võ Xuân Huy, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Huế, thuyết minh: “Trong gần 2.000 ngày đêm tồn tại (từ 1965-1972) trong địa đạo ở Vĩnh Linh đã có 60 đứa trẻ được sinh ra, riêng địa đạo Vịnh Mốc đã có 17 đứa trẻ ra đời an toàn. Đặc biệt, ở địa đạo Vịnh Mốc không có bất kỳ ai bị thương vong”. Anh nói thêm: “Cái giếng và rêu phong cũng cần ánh sáng”.

Và như một xác quyết cho việc... nối dài ánh sáng, Võ Xuân Huy đã làm một cuộc chơi táo bạo, đưa hai ngàn quả bóng bay xuống địa đạo Vịnh Mốc trong triển lãm nghệ thuật thị giác Thăng hoa, với slogan: Xuống đất gặp trời/A view of the sky from the underground (Đối thoại trong lòng đất nhưng thông điệp hướng về bầu trời). Triển lãm khai mạc ngày 26/5 tại địa đạo Vịnh Mốc, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Địa đạo Vịnh Mốc với những đường hầm hun hút kéo dài, có độ sâu ba tầng từ 10-23m, rộng hơn 7ha, cấu trúc hình vòm kích thước 0,9mx1,75m, dài 2.034m, nhiều nhánh nối thông với nhau qua trục chính dài 780m, có 13 cửa thông ra ngoài, trong đó bảy cửa thông ra biển, sáu cửa thông lên đồi, mỗi cửa hầm được coi như một lỗ thông hơi...

Tất cả “như một động mạch chủ” trong cơ thể dẫn máu đến các cơ quan. Nó đã nuôi giữ bền bỉ và chắc chắn cho hàng ngàn người dân Vĩnh Linh những năm tháng khắc nghiệt. “Hai ngàn quả bóng bay tương ứng với hai ngàn ngày sống dưới đất của người Vĩnh Linh, nó như những bạch cầu, hồng cầu chu chuyển trong động mạch, rồi nó sẽ bay lên từ miệng các cửa hầm như một giấc mơ thăng hoa và hòa bình”, Võ Xuân Huy nói.

Gap troi duoi dat

Tác giả, khách mời, sinh viên, học sinh, những hậu duệ của hàng ngàn dân Vĩnh Linh năm nào, cả những đứa bé sinh ra trong lòng địa đạo năm nào, giờ đã thành ông, bà... tất cả cầm bóng bay xuống lòng đất và dồn đẩy để nó bay vọt ra cửa hầm và tung cao vào trời xanh. Hành trình đó không hề là cuộc đua nặng nề trong ẩm ướt và hun hút lạnh giữa người và bóng, khao khát thoát ra khỏi vùng tăm tối. Những chiếc bóng bay như những bào thai.

Rồi đến lúc con người, trong khoảnh khắc nào đó, sẽ quay trở về với dáng hình trong bụng mẹ, hoàn nguyên bản lai diện mục của mình. Cuộn tròn, cựa quậy, đòi chất dinh dưỡng, mở đôi mắt nhìn bóng tối. Nhưng bóng tối đó chỉ là phiên bản khác khi ta đứng trong vùng ánh sáng phóng chiếu, bởi ngay lúc đó, tại đó, một vùng ánh sáng khác đã tồn tại và lưu giữ, nâng niu mà muốn biết được, ta phải bước vào.

Hai ngàn bào thai, hai ngàn ngày, hai ngàn nhịp thở... là sự cộng hưởng, vo tròn của cái gọi của trời trong đất. Trang Tử nói ngoài trời còn có trời. Võ Xuân Huy lồng bảy khung ảnh chụp bầu trời và đặt ngay dưới lối đi trong lòng địa đạo, để khách phải ngạc nhiên với ánh sáng phát ra từ khung ảnh, cứ tưởng đó là cửa hầm, là mặt đất tiếp giáp với khoáng đạt mênh mông, mở những cánh diều và mây trắng, là bát ngát gió và trời xanh lồng lộng.

Tất cả như một nhắc nhở không hề u mật, nhưng không kém phần ngụ ngôn: trong lòng đất chính là bầu trời, xuống đất cũng gặp trời, trời ở ngay dưới chân mình, một trời khác, chứ không hẳn ở riêng trên cao. Rêu phong trên thành giếng, một bầu trời, cây cỏ bất ngờ hiện ra trên lối đi mò mẫm...

Gap troi duoi dat

Tác giả Võ Xuân Huy và triển lãm bóng bay trong địa đạo Vịnh Mốc

Khi con người ta bị dồn đến cửa tử, đến tận cùng của cái chết và sự sống, khi hơi thở chỉ còn đếm cách quãng trong khốn cùng chật chội và ngột ngạt, thì sự xuất hiện của một cánh diều, một bông hoa bất ngờ hiện ra như một nụ cười vĩnh cửu. Có lẽ đó là liều thuốc thần kỳ khiến họ đốn ngộ về sự trân quý sự sống. Bóng bay vọt qua cửa hầm, mất hút vào trời xanh, sẽ tiếp tục làm một cuộc chu du sang một vùng ánh sáng khác, cứ thế, một vòng tròn...

Câu chuyện về sự sáng tạo của ngày hôm qua, một lần nữa được nhắc đến trong triển lãm này, như một lời nhắn, rằng những di tích hôm nay không dừng lại ở sự chiêm bái và rút ra những bài học. Nếu sứ mệnh của nghệ thuật là khải thị cái đẹp, thì di tích nếu nhìn bằng con mắt khác, sẽ là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật. Sự khốn khổ, bất hạnh, len qua tim óc nghệ sĩ, sẽ trở thành chất dinh dưỡng cổ xưa cho việc tạo dựng những chất liệu vĩnh cửu, hoặc ít nhất những giấc mơ vĩnh cửu.

TRUNG VIỆT

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI