Gấp rút tìm nguyên nhân gây viêm gan lạ

13/05/2022 - 06:27

PNO - Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu, số trường hợp viêm gan không rõ nguyên nhân ở trẻ em trên toàn cầu đã lên tới khoảng 450, với 11 ca tử vong.

 

Trong các trường hợp nhiễm viêm gan lạ, trẻ em bị vàng da, nôn mửa hoặc phát triển các triệu chứng tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy - Ảnh: Getty Images
Trong các trường hợp nhiễm viêm gan lạ, trẻ em bị vàng da, nôn mửa hoặc phát triển các triệu chứng tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy - Ảnh: Getty Images

Các trường hợp viêm gan lạ đến từ hơn 20 nước trên thế giới, có 14 quốc gia báo cáo có nhiều hơn năm trường hợp. Hai quốc gia ghi nhận số ca lớn nhất hiện nay là Anh và Mỹ. Tại Anh, cơ quan y tế đã xác định được 163 ca ở trẻ dưới 16 tuổi, trong đó 11 trường hợp cần ghép gan.

Tuần trước, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ghi nhận 109 trường hợp ở trẻ em dưới 10 tuổi từ 25 tiểu bang. Trong đó, 14% cần ghép gan và năm trẻ đã tử vong. Mười bốn quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) báo cáo khoảng 106 trường hợp.

Hàng trăm trẻ mắc viêm gan lạ chưa rõ nguyên nhân

Nguyên nhân của bệnh viêm gan nghiêm trọng - viêm gan lạ - vẫn còn là một bí ẩn và số ca bệnh ngày càng tăng. Trường hợp sớm nhất được ghi nhận là vào ngày 1/10/2021. Các quan chức y tế trên toàn thế giới đang theo dõi chặt chẽ các trường hợp trẻ em bị viêm gan cấp tính không thể giải thích bởi các nguyên nhân phổ biến, chẳng hạn như vi-rút viêm gan A, B, C, D và E. Nhìn chung, số trẻ phát bệnh đều có biểu hiện tăng men gan.

Philippa Easterbrook - nhà khoa học cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - cho biết: “Hiện tại, các giả thuyết hàng đầu vẫn liên quan đến adenovirus. Nhưng tôi nghĩ rằng vẫn cần một sự cân nhắc quan trọng về vai trò của COVID-19, với tư cách là bệnh đồng nhiễm hoặc bệnh nhiễm trùng trong quá khứ”. 

Easterbrook lưu ý rằng khoảng 70% số ca bệnh đã được xét nghiệm adenovirus đều có kết quả dương tính. Dù adenovirus có liên quan đến tổn thương gan ở trẻ em nhưng y học chưa ghi nhận trường hợp adenovirus gây viêm gan ở trẻ em khỏe mạnh. Adenovirus thường gây nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến ở trẻ em khỏe mạnh, trong khi loại adenovirus 41 có liên quan đến bệnh đường tiêu hóa.

Dữ liệu sinh thiết gan cho đến nay vẫn chưa cho thấy adenovirus trong gan của những đứa trẻ bị ảnh hưởng, làm dấy lên nhiều câu hỏi. Hơn nữa, adenovirus khá phổ biến ở trẻ em lẫn trong dân số nói chung. Điều này làm tăng khả năng cho thấy việc phát hiện adenovirus chỉ là ngẫu nhiên, không phải là nguyên nhân gây ra các tổn thương ở gan.

Mặt khác, các cơ quan y tế báo cáo rằng số trường hợp viêm gan lại xuất hiện rời rạc và không liên kết, không có sự phơi nhiễm phổ biến nào được biết đến như tác động từ thuốc, thực phẩm, đồ uống, chất độc hại hoặc lịch sử du lịch.

Theo Easterbrook, xét nghiệm cho thấy khoảng 18% trường hợp viêm gan lạ dương tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, CDC Mỹ đã loại trừ SARS-CoV-2 như là nguyên nhân trực tiếp của các ca bệnh, lưu ý rằng chín ca đầu tiên được xác định ở bang Alabama đều âm tính với virus. 

Không loại trừ nguyên nhân gián tiếp do COVID-19

Trong cuộc họp báo vào tuần trước, Phó Giám đốc CDC phụ trách các bệnh truyền nhiễm Jay Butler nói rằng vẫn để ngỏ khả năng các ca nhiễm SARS-CoV-2 trước đây có thể đóng một vai trò nào đó trong bệnh viêm gan lạ. Nghiên cứu về các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 trong quá khứ ở trẻ em bị ảnh hưởng bởi viêm gan hiện đang được tiến hành ở Mỹ và nhiều nơi khác.

Deirdre Kelly - bác sĩ gan nhi tại Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em Birmingham ở Anh - lưu ý rằng hiện không có bằng chứng cho thấy viêm gan lạ là bệnh do tự miễn dịch - trong đó hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào gan. Tuy nhiên, phản ứng miễn dịch hoạt động quá mức có thể đóng một số vai trò như trong hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em.

Các báo cáo từ Israel cho thấy tình trạng của một số trẻ em mắc viêm gan lạ được cải thiện sau khi dùng steroid, làm giảm phản ứng miễn dịch. 

Nhà miễn dịch học nhi khoa Petter Brodin - Đại học Imperial College London (Anh) - đưa ra giả thuyết, các trường hợp nhiễm COVID-19 trước đây có thể khiến một số trẻ thay đổi môi trường vi sinh vật trong ruột, các virus này có thể được kích hoạt trở lại do nhiễm adenovirus, gây ra viêm gan và phản ứng miễn dịch rối loạn chức năng.

“Tôi vẫn không thể giải thích tại sao điều này lại xảy ra ngay bây giờ chứ không phải sớm hơn trong đại dịch. Nhưng các biến thể nhẹ hơn như Omicron có thể làm cho các ổ chứa virus tồn tại lâu hơn”, tiến sĩ Brodin chia sẻ.

Linh La (theo Ars Technica, Financial Times)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI