edf40wrjww2tblPage:Content
Trong tháng 1/2014, đã có 241 trường hợp mắc ở 24 tỉnh/thành, tập trung chủ yếu tại bốn tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, trong đó đã có ba trường hợp tử vong. Đáng lưu ý, dịch sởi năm nay ghi nhận nhiều trường hợp trẻ dưới chín tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc trẻ đã tiêm đủ vắc-xin vẫn mắc sởi. PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, sắp tới Bộ Y tế sẽ gấp rút tổ chức tiêm vét vắc-xin sởi cho trẻ, nhằm ngăn chặn dịch lây lan rộng.
PGS-TS Trần Đắc Phu
PV: Vắc-xin sởi đã nằm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Đầu năm nay dịch sởi bỗng xuất hiện trở lại tại nhiều tỉnh, thành phố. Đây có phải là sự bất thường đáng lo ngại?
PGS-TS Trần Đắc Phu: Tỷ lệ bảo vệ trẻ khỏi bệnh sởi nếu tiêm mũi một đạt 80-85%, tiêm cả hai mũi đạt 90-95%. Mỗi năm có khoảng 5-10% số trẻ tiêm rồi nhưng vẫn có khả năng mắc. Đến một chu kỳ ba-bốn năm, con số trẻ không có khả năng miễn dịch này dồn lại, phát bệnh, khiến dịch bệnh bùng lên. Tại một số thành phố lớn có tốc độ di cư cao, một lượng đáng kể đối tượng cảm nhiễm di chuyển từ nông thôn ra góp phần tăng số tích lũy.
Trước đây, bệnh sởi vẫn có nhưng chỉ xuất hiện rải rác vài chục ca một năm. Năm 2010, Việt Nam cũng đã từng ghi nhận dịch sởi bùng phát với số mắc còn nhiều hơn năm nay. Như vậy, với chu kỳ ba-bốn năm xuất hiện một lần tại Việt Nam, dịch sởi năm nay nằm trong chu kỳ dịch, không có gì là bất thường.
* Trong những năm gần đây, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng sởi cho trẻ tại nhiều địa phương bị giảm sút khiến trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Lý do tại sao tình hình tiêm chủng lại đạt tỷ lệ thấp thưa ông?
- Đúng là một số người dân do quá lo sợ về phản ứng sau tiêm vắc-xin Quinvaxem nên đã ngại không đưa trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh, bao gồm cả vắc-xin sởi, làm cho tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi giảm thấp ở một số nơi. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở Hà Nội, TP.HCM và các thành phố lớn không nhiều. Tại một số tỉnh miền núi, tình hình đáng lo ngại hơn do tỷ lệ tiêm vắc-xin ở đây chưa được chú trọng. Tính chung tỷ lệ tiêm chủng
vắc-xin sởi của cả nước cao, đạt trên 90%, nhưng ở các tỉnh miền núi có những “vùng lõm”, tỷ lệ tiêm chỉ đạt 70-80%, thậm chí có nơi còn thấp hơn. Chính tỷ lệ tiêm không cao khiến dịch sởi dễ bùng phát trở lại. Trong khi, với bệnh sởi, khi đã nhiễm vi rút là 100% phát bệnh, không giống như một số bệnh truyền nhiễm khác có người mang vi rút nhưng không phát bệnh.
* Trẻ đã tiêm vắc-xin vẫn bị mắc sởi, vì sao thưa ông?
- Vắc-xin sởi là một trong những vắc-xin phòng bệnh có hiệu quả cao, tuy nhiên cũng như các vắc-xin khác, như đã đề cập, tỷ lệ miễn dịch cộng đồng sau tiêm mũi đầu tiên lúc 9-11 tháng tuổi, đạt 80-85%. Với trẻ đã tiêm đầy đủ cả hai mũi tỷ lệ miễn dịch là 90-95%. Như vậy, vẫn còn tỷ lệ nhất định trẻ không đáp ứng miễn dịch, vẫn có thể mắc sởi dù đã tiêm hai mũi.
Khám cho bệnh nhi mắc bệnh sởi tại Bệnh viện Xanh Pôn - Ảnh: Lê Phương
* Dịch sởi vừa qua ghi nhận nhiều trẻ dưới nhỏ dưới chín tháng tuổi, thậm chí có trẻ mới 1,5 tháng tuổi đã mắc. Với tình hình này, liệu Bộ Y tế có tính toán đến việc đẩy độ tuổi tiêm vắc-xin sởi cho trẻ sớm hơn?
- Tôi đã nghe vấn đề đó, các bệnh viện báo cáo có ghi nhận nhiều ca trẻ dưới chín tháng tuổi mắc sởi trong đợt này. WHO đã bàn nhiều về việc có nên tiêm trước chín tháng hay không. Cần khẳng định, trẻ dưới chín tháng tuổi vẫn có khả năng mắc sởi chứ không phải là không. Những đứa trẻ này không được truyền khả năng miễn dịch từ mẹ, có bà mẹ không có miễn dịch sởi do chưa mắc sởi hoặc chưa được tiêm. Thứ hai, có bà mẹ có bệnh về miễn dịch không thể truyền khả năng miễn dịch cho con. Thứ ba, chính bản thân đứa con đó không có khả năng miễn dịch do mắc một bệnh nào đó.
Ngoài ra, nhiều trường hợp trẻ được chẩn đoán mắc sởi cần xem lại chẩn đoán xem có nhầm với sốt phát ban hay không. Có trường hợp trẻ được chẩn đoán hai lần mắc sởi, trong khi trên thực tế ai cũng chỉ mắc sởi duy nhất một lần trong đời (nếu mắc rồi sẽ có khả năng miễn dịch suốt đời).
Quan điểm của Bộ Y tế là vẫn giữ nguyên lịch tiêm chủng, bởi số trẻ dưới chín tháng mắc sởi do không có miễn dịch từ mẹ, không nhiều. Với những trẻ đã có miễn dịch từ mẹ, việc tiêm vắc-xin sớm sẽ không hiệu quả. Chúng ta phải chấp nhận một tỷ lệ nhất định mắc sởi trước chín tháng chứ không thể thay đổi lịch tiêm.
* Theo ông đánh giá, thời gian tới dịch sởi có bùng phát mạnh hơn không? Bộ Y tế có biện pháp gì để khống chế dịch lan rộng?
- Tôi nhận định việc bùng phát lớn dịch sởi ở đồng bằng, thành phố là rất khó. Tuy nhiên, hiện nay đang là mùa đông - xuân, điều kiện thời tiết thuận lợi cho vi rút sởi lưu hành và gây bệnh. Đặc biệt, với các “vùng lõm” có tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp thì cần phải có biện pháp mạnh. Cục Y tế dự phòng vừa có công văn gửi đến Sở Y tế của tất cả các tỉnh, thành trong nước, đề nghị các đơn vị cần kiểm soát chặt các diễn biến về dịch sởi, tổ chức điều tra, giám sát và xử lý ổ dịch, cách ly bệnh nhân để điều trị, tránh các diễn biến gây tử vong. Cục yêu cầu các địa phương tiến hành rà soát lại tỷ lệ tiêm phòng của trẻ và tiến hành tổ chức tiêm vét cho trẻ từ hai-năm tuổi.
Trên toàn quốc, Bộ Y tế cũng đang chuẩn bị tiêm vét vắc-xin sởi cho toàn bộ trẻ dưới hai tuổi. Lịch tiêm có thể trùng với lịch tiêm chủng mở rộng hàng tháng của các địa phương hoặc bố trí một buổi tiêm riêng. Đến tháng 8/2014, Bộ Y tế sẽ triển khai dự án phòng chống bệnh sởi, rubella, tiêm miễn phí cho trẻ em dưới hai tuổi trên cả nước.
Mai Anh (thực hiện)