Mấy ngày nay, ông Dương Đức Huy - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai - trực 24/24 giờ/ngày tại thôn Làng Nủ. Ngày 10/9, lũ quét đã biến thôn này thành bãi đất trống trơn, phẳng lì. Nhiều người chết và mất tích. Sở chỉ huy tiền phương cứu hộ cứu nạn, tìm kiếm người mất tích của tỉnh đặt tại nhà văn hóa thôn Làng Nủ, gồm mấy chiếc bàn đơn sơ chập lại. Cùng trực chỉ huy việc tìm kiếm người mất tích có Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường và lực lượng quân đội, công an.
|
Các thầy cô giáo trong và ngoài huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai hỗ trợ giáo viên Trường THCS số 1 Phố Ràng dọn dẹp bùn đất để sớm đón học sinh - Ảnh: T.N. |
Ông Dương Đức Huy cho biết, nhiệm vụ cấp bách lúc này ở Làng Nủ là vừa tìm kiếm người mất tích, an táng người đã thiệt mạng, vừa dọn vệ sinh môi trường, chăm lo cho những người sống sót, những người bị thương và sang chấn tâm lý. Toàn thôn có 37 hộ với 158 nhân khẩu nhưng có đến 51 người chết, 33 người mất tích, chỉ còn 74 người sống sót. Thôn có 37 ngôi nhà thì 35 nhà bị san phẳng hoàn toàn, 2 nhà còn đứng nhưng bị kẹt trong đống bùn đất. Gần 1 tuần qua, người dân trong thôn không có chỗ ở, phải tá túc ở các điểm trường và hầu hết lo tìm kiếm người thân.
Theo ông Trịnh Xuân Trường, UBND tỉnh đang gấp rút khảo sát khu đất 20ha để xây dựng khu tái định cư cho người dân thôn Làng Nủ. Sáng 14/9, lãnh đạo UBND huyện Bảo Yên đã tổ chức lấy ý kiến sơ bộ của đại diện các hộ về phương án xây dựng khu tái định cư. Theo đó, địa điểm dự kiến xây khu tái định cư cho người dân thôn Làng Nủ nằm cách nhà văn hóa thôn khoảng 1,5km, về phía trung tâm xã. Được xây bằng kinh phí của huyện, tỉnh, khu tái định cư sẽ bao gồm đường sá, nhà ở, khuôn viên nhà có diện tích để chăn nuôi. Người dân cơ bản nhất trí với phương án xây khu tái định cư mới, đề nghị xây nhà có kiến trúc theo lối truyền thống của dân tộc Tày, vật liệu là xi măng cốt thép.
|
Cán bộ, giáo viên các trường ở xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai trao quà hỗ trợ các trường của huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai - Ảnh: T.N. |
Đối với những nạn nhân thiên tai đang được điều trị, Sở Y tế tỉnh Lào Cai sẽ miễn hoàn toàn viện phí, kể cả các trường hợp được đưa về các bệnh viện tuyến trên. Ngoài ra, người nhà chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện cũng được hỗ trợ việc ăn uống, ngủ nghỉ.
Ông Dương Công Uẩn - Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Làng Nủ - cho biết, thôn này trước đây gồm 2 thôn (Làng Nủ 1, Làng Nủ 2), được sáp nhập từ năm 2022. Vùng bị sạt lở, vùi lấp là thôn Làng Nủ 2 với 37 hộ. Toàn thôn có 167 hộ, chủ yếu là người dân tộc Tày. Con suối Nủ như một vạch kẻ giữa chia Làng Nủ 2 thành 2 phần, 2 bên là cánh đồng màu mỡ.
Làng Nủ là thôn cuối của xã Phúc Khánh, điểm cuối thôn là núi Voi - điểm tiếp giáp 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái, bên này là huyện Bảo Yên, bên kia là huyện Lục Yên. Nơi có cư dân đông đúc nhất của Làng Nủ 2 là khu vực giáp với núi Voi - đầu nguồn vùng sạt lở. Càng xuôi theo suối, nhà cửa càng thưa thớt hơn. Khi hàng triệu mét khối đất đá núi Voi đổ xuống, cả thung lũng bình yên này đã bị xóa sổ, bây giờ chỉ còn trong trí nhớ.
|
Lực lượng quân đội dọn dẹp những gì còn sót lại ở thôn Làng Nủ - Ảnh: Chi Mai |
Ông Dương Công Uẩn vẫn nhớ mồn một từng vị trí, địa điểm. Đến chỗ 2 ngôi nhà còn lại trong 37 ngôi nhà - là nhà anh Nguyễn Văn Cai và anh Nguyễn Tiến An - ông tiến sát sàn tầng 2 của ngôi nhà sàn gỗ, cho hay bên dưới chỗ ông đang đứng chính là con đường của thôn, hiện đang nằm ở độ sâu hơn chục mét. Đất đá núi Voi đã lấp đầy cả khu vực rộng lớn, có chỗ bị vùi sâu tới vài chục mét. Ông kể, vào tháng Tám âm lịch năm 2008, một trận lũ lớn làm ngập cả thôn nhưng không gây tổn thất về người. Thế mà 16 năm sau, trận lũ quét lớn quay trở lại, xóa sổ cả bản làng.
|
Lực lượng chức năng tỉnh Cao Bằng vừa chống lũ, vừa giúp người dân ổn định cuộc sống - Ảnh: Tuấn Sơn |
Chiều 12/9, sau hành trình đi kiểm tra, thị sát các vùng bị thiên tai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có mặt ở thôn Làng Nủ. Thủ tướng chỉ thị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của chính quyền Lào Cai là sớm ổn định đời sống người dân, chăm sóc sức khỏe cho các nạn nhân và tái thiết cuộc sống người dân Làng Nủ sau lũ. Thủ tướng yêu cầu chính quyền tỉnh Lào Cai khẩn trương khảo sát, quy hoạch, tìm vị trí an toàn để tái định cư cho người dân với hạn định hoàn thành trước ngày 31/12. Khu tái định cư phải an toàn, tiện lợi cho người dân, có đầy đủ đường sá, điện, nước và môi trường sống xanh, sạch, đẹp.
Chi Mai
Làm nhà bạt cho dân ở tạm Những ngày qua, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, lực lượng dân sự đã có mặt ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng để khắc phục hậu quả của lũ quét. Tới nay, họ đã tìm thấy 51 thi thể bị nước cuốn hoặc đất đá vùi lấp. Riêng ở xóm Lùng Lỳ, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, lực lượng chức năng đã tìm thấy 9 thi thể. Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng và Lữ đoàn Công binh 575, Quân khu 1 đã dọn dẹp đống đổ nát từ bùn lầy, dựng 11 nhà bạt để làm nơi ở tạm cho các gia đình mất nhà cửa do sạt lở đất. Trong những ngày tới, bộ đội sẽ tiếp tục dựng thêm nhiều ngôi nhà bạt để giúp người dân mất nhà có chỗ ở tạm trong khi chờ tái định cư. Bảo Khang |
Những người may mắn thoát lưỡi hái tử thần Sáng 13/9, hình ảnh 8 người dân thôn Làng Nủ đi tránh lũ trở về an toàn khiến những người có mặt tại hiện trường vỡ òa cảm xúc. Đó thực sự là một tin tốt lành giữa không khí trĩu nặng tang thương, khi từng cán bộ, chiến sĩ vẫn đang vạch từng ô đất để tìm kiếm người mất tích. Vẫn chưa hết bàng hoàng, anh Hoàng Văn Tiện kể, sáng 10/9, anh cùng em trai là Hoàng Văn Duân dậy sớm, ra cây cầu đầu thôn xem nước bởi đêm trước mưa lớn. Họ bỗng nghe tiếng nổ lớn, khi nhìn lên đỉnh núi Voi trước mặt thì thấy một quầng bùn đen kịt ầm ầm đổ xuống. 2 anh em chỉ kịp hét lên: “Cả làng ơi, chạy đi”. Nhưng trong phút chốc, 37 nóc nhà của người dân Làng Nủ đã bị bùn đất nuốt chửng. Ngoài gia đình anh Tiện và anh Duân, sáng 13/9, chị Nguyễn Thị Hồng (33 tuổi) cùng con gái 16 tuổi, con trai 14 tuổi cũng được an toàn dù có nhà ở Làng Nủ. Chị Hồng kể, chị cùng con trai đến bán hàng ở TP Yên Bái từ tháng 7/2024. Con gái chị ở nhà ông bà ngoại ngay chân dốc khu vực đồi sạt. Trong những ngày qua, nơi chị thuê trọ ở TP Yên Bái bị ngập nặng, mất điện, mất sóng điện thoại nên chị không hề hay biết gì về vụ sạt lở đất ở Làng Nủ. Cách đây 2 ngày, khi nước rút, chị mới liên lạc được về quê nhà và bàng hoàng khi nghe tin cả làng bị lũ quét san phẳng. Chi Mai |