Những sợi màu kết nối yêu thương
Ngày cầm trên tay chiếc móc khóa mua của một em bé đường phố, Nguyễn Trần Vân Thủy cứ tần ngần. Cô thật lòng muốn ủng hộ sản phẩm quê nhà, ủng hộ đứa trẻ nghèo khó ấy, nhưng chất lượng sản phẩm quá tệ để sử dụng. Cảm giác tần ngần đó mãi theo đuổi Thủy, cùng câu hỏi làm thế nào để vật phẩm ấy thật sự trở thành sinh kế của người làm ra chúng, trở thành thứ có thể khiến người mua thích thú, giới thiệu và tự hào khi sở hữu. Bobi Craft, ra đời năm 2015, bắt đầu hình thành từ như thế.
700 người, trong đó 98% là nữ với nhiều chị em khiếm khuyết cơ thể - đó là những con số hiện tại của Bobi Craft. 8 năm trước, chính Nguyễn Trần Vân Thủy cũng không thể dự trù được con số này, dù cô biết mình sẽ phải “làm gì đó”. Thật ra, “làm gì đó” là thôi thúc trong Thủy đã lâu, khi chứng kiến câu chuyện đau lòng lúc cô còn ở Anh. Lần đó, cảnh sát đột nhập ổ buôn bán ma túy, một phụ nữ Việt không có giấy tờ tùy thân thình lình lên cơn đau tim và qua đời. Gia đình của người phụ nữ ấy sau khi cầu cứu tứ phương đã vô tình liên lạc được với nhóm của Thủy, nhờ đưa hài cốt về Việt Nam. Đó là lần đầu tiên Thủy chứng kiến và hiểu được nỗi đau mất người thân trong hoàn cảnh “tha hương cầu thực” là thế nào.
“Chị ấy đến London khi một chữ tiếng Anh bẻ đôi cũng không biết và chẳng có gì ngoài điều kiện sống tồi tệ cùng niềm hy vọng đổi đời” - từ nơi định cư, Thụy Sĩ, Thủy kể.
Sự kiện đó khơi lên trong lòng Thủy những cơn sóng băn khoăn dữ dội, đồng thời củng cố trong cô niềm tin “phụ nữ cần có một nền tảng giáo dục tốt để có thể làm chủ cuộc đời”. Từ số vốn để dành của mình và bạn bè, từ câu hỏi về chiếc móc khóa của đứa trẻ đường phố, Thủy hiện thực hóa hành trình tạo dựng công ăn việc làm cho phụ nữ nghèo, những người khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn với đồ chơi trẻ em thủ công bằng len móc. “Vì tôi đã được trao cơ hội để có được nền giáo dục tốt và công việc tốt, tôi muốn giúp phụ nữ có thể đạt được điều tương tự, sống hết mình và có thể làm những điều họ muốn” - Thủy nói.
Dĩ nhiên, hành trình để một người phụ nữ, nhất là phụ nữ yếu thế làm chủ đời mình, là rất dài. Chỉ mới đây thôi, một nữ công nhân của Bobi Craft đã bị chồng mình mang đốt hết số sản phẩm chị vừa đan móc xong. Người chồng ấy không chịu được cảnh vợ đi làm, thay vì sống phụ thuộc vào chồng như trước nay. Sản phẩm cháy, công ty thiệt hại không nhỏ, nhưng cánh cửa không khép lại với người phụ nữ khổ sở ấy. 700 con người của Bobi Craft đùm bọc nhau, xoa dịu nỗi đau cho nhau, cùng nhau đứng dậy.
Vượt khó
Đến bây giờ, ba mẹ Thủy vẫn không hiểu con gái và nhóm bạn vì sao nhất định phải đâm đầu vào con đường khó đến thế. Cái khó không chỉ đến từ việc cân nhắc chất liệu, giá thành, thiết kế… cho sản phẩm trước đồng vốn ít ỏi ban đầu, mà còn phải để những sản phẩm kể được câu chuyện của chúng. Nó là câu chuyện về những người thợ giỏi nghề đan móc nhưng chưa biết internet là gì để tiếp cận thêm các sáng tạo về mẫu mã; là cuộc vượt thoát của những người phụ nữ khỏi sự phụ thuộc tài chính vào chồng - vốn đi kèm nhiều áp đặt; là quá trình tìm thấy ý nghĩa cho sự tồn tại của mình của những người khiếm khuyết cơ thể, rằng mình không là gánh nặng của ai…
|
|
“Ba mẹ tôi thường nói đi học tốn không biết bao sức lực, tiền bạc rồi về làm những việc lạ lùng” - Thủy kể. Càm ràm vì xót con nhưng mỗi khi bọn trẻ hụt vốn, ông bà lại chung tay góp sức. Không biết bao nhiêu lần, các sản phẩm thành hình rồi lại bị tháo ra, bỏ đi… Nhiều lúc ý định từ bỏ trỗi dậy trong Thủy vì quá cực. “Những lúc như thế, tôi lại nhớ đến lý do mình đã bắt đầu và bước về phía trước” - Thủy nói.
Phía trước của Thủy thời điểm ấy không chỉ là nâng tầm chất lượng của hàng thủ công Việt, mà còn tìm đường cho chúng ra thế giới. Có như thế, việc “trao quyền cho phụ nữ” mới mong trở thành hiện thực. Để đạt được điều đó, các con thú nhỏ của Bobi Craft chẳng những phải tinh xảo, đa dạng mà nguyên liệu phải an toàn, và thân thiện với môi trường vì đối tượng chính của chúng là những cô, cậu bé nhỏ. 100% nguyên liệu len được Thủy nhập khẩu; lớp bông nhồi trước khi đưa vào sử dụng phải trải qua quá trình xử lý, kiểm định về chất lượng. Rồi một lần, tham gia hội chợ triển lãm tại Anh, các chú thú bông xinh xắn, màu sắc tươi tắn từ bàn tay đan móc khéo léo của người thợ Việt Nam đã gây ấn tượng đặc biệt với nhiều người. Bobi Craft từ đó bắt đầu “đi” châu Âu, chính thức lên kệ tại nhiều cửa hàng đồ chơi trên thế giới.
|
Các sản phẩm của Bobi Craft chẳng những tinh xảo mà nguyên liệu còn phải an toàn, thân thiện với môi trường |
Hiện tại, không ít chú cừu, cáo, gấu, kangaroo hay mèo, chó nâu, thỏ, kỳ lân mà nhiều ông bố, bà mẹ châu Âu dùng để kể những câu chuyện cho đứa trẻ của mình hằng đêm, hay dùng để phát triển các kỹ năng xã hội cho con đã đến từ đôi bàn tay của người Việt. Hơn 14 triệu sản phẩm của Bobi Craft đã tới 24 quốc gia, xuất hiện trong vòng tay của nhiều trẻ em trên thế giới khi chúng chìm vào giấc ngủ. Bobi Craft còn sản xuất quần áo trẻ em, bộ drap giường và phụ kiện từ len, bông hữu cơ và vật liệu tái chế tại Việt Nam.
|
Qua những con thú làm ra, họ đan cho đời mình sự tự chủ tài chính và tiếng nói khẳng định bản thân |
Thủy giờ đã cùng gia đình nhỏ định cư ở trời Tây, nhưng ngày nào cô cũng cập nhật tình hình sản xuất tại Việt Nam. Cứ độ 2-3 tháng, cô lại làm một cuộc “trở về”. Những chuyến “trở về” ấy cho Thủy thêm động lực và cũng là sợi dây mãnh liệt kết nối tình yêu của cô, nhiệt huyết của cô với những người phụ nữ Việt. Sẽ không chỉ là 700 lao động như hiện tại mà phải nhiều hơn nữa, dĩ nhiên chủ yếu vẫn là phụ nữ, người yếu thế. Thủy biết, đường đến mục tiêu đó của mình gian nan không kém những ngày khởi nghiệp, vì tiềm năng của thị trường đồ chơi đã được nhận diện, đi cùng với đó là những cuộc đầu tư tốn kém từ nhiều doanh nghiệp cạnh tranh, tạo nên cuộc chạy đua về năng suất và giá cả. Bobi Craft bắt buộc phải tham gia cuộc đua đó, vì Thủy muốn con số của 2-3 năm tới là 3.000 lao động. “Tôi và các cộng sự sẽ cân nhắc nhiều hơn để đỡ vất vả hơn cho người lao động, đồng thời không đi ngược với mục tiêu ban đầu” - Thủy chia sẻ.
Trong xưởng của Thủy, trên kệ để hàng là lớp lớp con thú len sắc màu, phía bên kia, những đôi tay phụ nữ thoăn thoắt đan. Qua những con thú ấy, họ đan cho đời mình sự tự chủ tài chính và tiếng nói khẳng định bản thân, cũng là đan 2 chữ “Việt Nam” ra thế giới. Cuộc đời họ, tự khi nào cũng đã có rất nhiều sắc màu như những cuộn len bên cạnh, những màu rực rỡ khi được “trao quyền”.
Thư Hiên
Ảnh do nhân vật cung cấp