Gặp nhau cuối tuần: Bao giờ thắm lại duyên xưa?

30/03/2025 - 07:55

PNO - Ở lần trở lại sau 19 năm, chương trình Gặp nhau cuối tuần có nhiều sự đổi mới. Tuy nhiên, đi kèm lại là một số “điểm trừ” khiến người xem không khỏi nuối tiếc.

Trở lại sau 19 năm ngưng sản xuất, Gặp nhau cuối tuần (GNCT) đổi mới mạnh mẽ về cấu trúc, cách thể hiện và dàn diễn viên. Tiếng cười đem đến có tính thời sự, “cà khịa” mạnh và hợp thời hơn. Sự góp mặt thế hệ diễn viên trẻ và 3 MC là biên tập viên Quốc Khánh, Việt Hoàng, Sơn Lâm thổi vào chương trình phong cách diễn trẻ trung, hiện đại.

Tập 2 chương trình Gặp nhau cuối tuần có cách khắc họa về phụ nữ  đầy định kiến, lỗi thời - Nguồn ảnh: VTV
Tập 2 chương trình Gặp nhau cuối tuần có cách khắc họa về phụ nữ đầy định kiến, lỗi thời - Nguồn ảnh: VTV

Dù vậy, những nỗ lực trên đều chưa thể giúp thương hiệu GNCT tìm lại hào quang cũ. Sau 4 số phát sóng, đọng lại nơi người xem là việc sử dụng yếu tố gây cười cường điệu quá hóa kém duyên, điển hình là tập 2 và 3. Ở tập 2 phát sóng vào dịp 8/3, dù nhằm mục đích tôn vinh phụ nữ nhưng kịch bản cũ kỹ khiến thông điệp truyền tải bị lệch hướng.

Ý tưởng cho phụ nữ biến mất trên thế giới đã cũ trong các tiểu phẩm hài. Ê kíp không những dùng lại mà còn có cách khắc họa hình tượng người phụ nữ không hề mới. Chương trình “đóng đinh” phụ nữ vào những thói quen cố hữu như nói nhiều, ưa càm ràm, thích quản lý tiền của chồng. Trong khi đàn ông nhìn người phụ nữ của mình chỉ như người giúp việc hay chiếc “máy đẻ”. Không chỉ giữ cái nhìn định kiến với phụ nữ, chương trình còn dùng cách miêu tả đầy phản cảm khi cho các nhân vật đồng tính nam xuất hiện trong bộ dạng ưỡn ẹo…

Ở tập 2, trong thế giới không có phụ nữ ấy, các tiếp viên nam của quán karaoke ăn mặc thiếu vải kề vai thơm má khách nam. Phái mạnh phải tìm cách duy trì nòi giống bằng cách tạo ra một quả trứng. Phân cảnh biên tập viên Sơn Lâm thọc tay vào quả trứng rồi thông báo kết quả là 1 bé trai khiến người xem lắc đầu vì cách thể hiện quá thô. Sang đến tập 3 về chủ đề dạy thêm học thêm, sự cường điệu hóa được nâng đến mức phi thực tế khi cho việc dạy thêm học thêm xuất hiện trong bối cảnh quán karaoke, nhà nghỉ… Thời điểm phát sóng tập này, những quy định mới về việc dạy thêm đang được quan tâm nên chủ đề chương trình được đánh giá cao nhưng từ ý tưởng đến cách thể hiện chưa tinh tế, dễ “đụng chạm”. Chi tiết giáo viên phải dạy thêm trong nhà nghỉ, quán karaoke mang tính xúc phạm nghề giáo.

Bên cạnh việc lạm dụng yếu tố gây cười cường điệu, hài không đúng chỗ, chương trình còn khiến người xem nhăn mặt vì thoại ồn ào, dùng từ ngữ thiếu chọn lọc. Tập 1 chủ đề lễ hội, tiểu phẩm Chuyện làng Đuổi gây mệt mỏi vì các nhân vật liên tục gào to, nói lớn. Tập 3 trong tiểu phẩm giải thích về sự tích cây khế, diễn viên gây “điếc tai” với những từ ngữ nặng nề khó nghe…

Xem GNCT phiên bản mới, khán giả thêm hoài niệm về bản cũ và dàn diễn viên cũ với cách dùng từ tinh tế, sâu cay mà không cần ồn ào. Còn một nỗi “ám ảnh” khác là chuyện lồng ghép quảng cáo thương hiệu bánh và chèn tiếng cười nền. Mở ti vi lên là thấy diễn viên nhai nhóp nhép và khen bánh ngon. Nhiều tình huống cười không nổi nhưng tiếng cười nền vẫn vang lên.

Việc tái xuất một thương hiệu lớn, lâu năm như GNCT là thử thách khó. Không thể phủ nhận sự cố gắng, tìm tòi của ê kíp. Nhất là so với phiên bản cũ, phiên bản mới vượt trội về mặt đầu tư thiết kế sân khấu, bối cảnh. Bộ ba biên tập viên Quốc Khánh, Việt Hoàng và Sơn Lâm có nhiều cố gắng mang đến sự hài hước dù phong cách dẫn vẫn khô khan, chưa hợp tính chất một chương trình giải trí. Như vậy, khó khăn lớn nhất của chương trình chính là nếu giữ cách làm cũ sẽ không phù hợp nhu cầu giải trí thời nay, còn làm mới như đã thấy thì không thể tìm lại được “duyên” xưa.

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI