Đến thăm nhà thơ Giang Nam vào những ngày giáp Tết, chúng tôi thấy ông đang trò chuyện với nghệ sĩ ưu tú - đạo diễn Phạm Việt Tùng. Thấy khách tới nhà, ông lấy ghế cho chúng tôi ngồi và hỏi chuyện.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Trang, con gái của nhà thơ cho biết hiện nay nhà thơ Giang Nam ăn được, ngủ được, đi lại được, mọi sinh hoạt vẫn ổn nên gia đình cũng rất mừng. Ông rất thích đi chơi nhưng đi đâu gia đình phải sắp xếp để có xe ô tô đưa ông đi cho khuây khỏa.
“Tuy có biểu hiện nhớ quên lẫn lộn, suy nghĩ không còn mạch lạc, rõ ràng nhưng hàng ngày ba tôi vẫn rất thích đọc sách, đọc báo và tìm việc để làm” - bà Trang nói.
|
Tuy có biểu hiện nhớ quên lẫn lộn nhưng sức khỏe và mọi sinh hoạt hiện nay nhà thơ Giang Nam vẫn ổn nên gia đình rất mừng |
Góp vào câu chuyện, nghệ sĩ ưu tú - đạo diễn Phạm Việt Tùng chia sẻ: “Lúc trước, tôi và nhà thơ Giang Nam mỗi sáng thường trò chuyện, bàn luận về thơ, văn và các vấn đề của xã hội. Bây giờ, tuy ông không còn minh mẫn nhưng chúng tôi vẫn trò chuyện với nhau nhiều thứ. Có khi con cháu chở ông đến nhà tôi chơi, tuy nhiều lúc không hiểu được ý ông diễn đạt nhưng chúng tôi vẫn bàn luận về thơ văn”.
Nói về việc được đề nghị đặc cách xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà thơ Giang Nam, ông Tùng cho biết: “Tôi rất mong nhà thơ Giang Nam được đặc cách xét nhận giải thưởng Hồ Chí Minh vì ông rất xứng đáng bởi những thành tựu về văn học nghệ thuật, các giá trị đóng góp qua các tác phẩm thơ tiêu biểu và quá trình hoạt động của ông”.
Bà Trang cho biết gia đình hoàn toàn đồng ý và mong muốn nhà thơ Giang Nam được đặc cách xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa cũng đã đến hỏi ý kiến gia đình về việc này. Bà Trang cho biết gia đình không thể làm hồ sơ được vì không am hiểu rõ về thủ tục cũng như lĩnh vực văn học nghệ thuật. Do đó, Hội sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan để làm việc này theo chỉ đạo của ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và gia đình sẽ đóng góp ý kiến.
|
Ở tuổi 90, nhà thơ Giang Nam vẫn rất thích đọc sách, đọc báo và trò chuyện cùng bạn bè mỗi ngày |
Trước đó, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa đã có kiến nghị UBND tỉnh đề xuất với cấp có thẩm quyền đặc cách xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đối với nhà thơ Giang Nam.
Theo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa, đối với những người quản lý cũng như các văn nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật và công chúng yêu văn học nghệ thuật Việt Nam đều kính trọng nhà thơ lão thành cách mạng Giang Nam vì tác phẩm của ông đã “sống” với nhân dân qua nhiều thế hệ. Ông là một trong những tác giả tiền bối, có những tác phẩm xuất sắc, đóng góp vào sự thành công của nền văn học nghệ thuật cách mạng.
Trong thời gian gần đây, dư luận trong và ngoài tỉnh đã đặt vấn đề nhà thơ lão thành Giang Nam rất xứng đáng nhận “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học nghệ thuật. Về ý kiến này, các thế hệ lãnh đạo của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cũng như nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh rất đồng tình.
Kỳ xét giải năm nay sắp qua, trong khi tuổi tác của nhà thơ Giang Nam đã lớn (94 tuổi) và nếu đợi đến kỳ xét giải lần sau ông đã gần 100 tuổi. Trong khi đó, từ sau khi nhà thơ Giang Nam được tặng Giải thưởng Nhà nước, trước các kỳ xét giải thưởng sau đó (5 năm/lần), lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật và một số văn nghệ sĩ trong tỉnh đều động viên ông làm hồ sơ đăng ký để được xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên nhà thơ và gia đình chưa làm hồ sơ tham dự xét giải.
Và cứ theo tình trạng này, có thể đến kỳ xét giải tiếp theo, nhà thơ Giang Nam và gia đình sẽ không tự làm hồ sơ để tham gia xét giải. Vì vậy, nhằm ghi nhận kịp thời những đóng góp của nhà thơ Giang Nam, Hội Văn học nghệ thuật đã đề xuất UBND tỉnh kiến nghị các cấp có thẩm quyền xét đặc cách cho ông được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Nhà thơ Giang Nam tên thật là Nguyễn Sung (sinh năm 1929), quê quán thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ông tham gia cách mạng từ tháng 8/1945, làm Phó trưởng ty Thông tin tỉnh Khánh Hòa. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, ông ở miền Nam làm Phó ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, Phó tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam, Ủy viên Ban tuyên huấn khu Sài Gòn - Gia Định. Sau tháng 4/1975 là Ủy viên Thường vụ, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 2 và 3, Tổng biên tập báo Văn nghệ, Trưởng ban đối ngoại Hội Nhà văn, đại biểu quốc hội khóa VI, chủ tịch Hội Văn nghệ Phú Khánh và Khánh Hòa (1984 -1989), Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (1989 – 1993). Ông là tác giả của các tác phẩm nổi tiếng như các bài thơ Quê hương, Nghe em vào đại học, Tiếng nói Việt Nam… Ngoài giải nhì về thơ trên tạp chí Văn nghệ năm 1961 với bài thơ “Quê hương”, ông còn đạt giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (năm 1965), giải thưởng văn học nghệ thuật Khánh Hòa (1975-2000, 2001-2005), giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I năm 2001… |
Huyền Hoa