edf40wrjww2tblPage:Content
Đã qua một ngày xảy ra vụ việc, nhưng căn nhà này vẫn đông người ra vào hỏi thăm và rất nhiều người đã phải nể phục trước hành động của bà.
Mưu trí giải cứu cháu gái
Bà Phạm Thị Ba (57 tuổi, quê gốc ở Quảng Ngãi) chuyển vào TP.HCM sống được hơn 20 năm nay.
Nhớ lại việc cứu cháu gái, bà Ba kể: “Khi đó, tôi và người thân đang ngồi trong nhà thì nghe bên ngoài hô cướp, cướp. Nghĩ có trộm cướp xe máy nên tôi định cầm gậy ra hỗ trợ mọi người. Nhưng chưa kịp ra thì thấy một thanh niên (đối tượng được xác định là Tống Duy Tân, 28 tuổi) cầm con dao to, dày đang còn dính máu lao vào nhà tôi”.
Hàng ngày, bà Ba làm nội trợ và chăm cháu.
Bà kể, lúc này, con gái bà đang bồng đứa con một tháng tuổi, liền bị tên Tân giật lấy và khống chế. Mọi người trong nhà liền van xin, rằng “cháu còn nhỏ, cháu bị bệnh mới ở bệnh viện về, anh tha cho”. Không ngờ tên này lại thả đứa nhỏ ra rồi giật lấy bé M. (là con gái của chị Phạm Thị Ánh T. và là cháu ngoại bà Ba) và ghì dao giữ bé M. làm con tin.
Mọi người trong nhà van xin nhưng hắn đuổi ra, không cho lại gần và yêu cầu khóa tất cả các cửa trong nhà. “Lúc đó tôi cũng sợ lắm, nhưng lo sợ cháu của mình gặp nguy hiểm, nên tôi vẫn cố đi theo thằng này”, bà Ba kể.
Lúc này, đối tượng Tân chỉ chú ý ôm chặt bé M., không quan tâm đến những người trong nhà, nên mọi người có thể thoát ra ngoài. Bà Ba cũng bị Tân đuổi ra ngoài, hắn nói “bà đi đâu thì đi đi”, nhưng bà cố thuyết phục Tân cho bà ở lại để bé M. không ré khóc.
“Khi đó, thằng thanh niên này hung hãn lắm. Nó cầm con dao to, mà lỡ đâm trúng bé M. thì hậu quả sẽ rất khó lường, nên tôi không dám làm gì. Nếu nó cầm con dao Thái Lan thì tôi cũng sẽ giằng vì tôi nghĩ sức tôi có thể chịu được con dao đó”, bà Ba tiếp.
Khi tôi hỏi: “Bà có từng được tặng bằng khen chưa, lần này có muốn được không?”, bà cười to, xua tay: “Thôi thôi, bằng khen cô không có ghiền, cô không ưng, cô bình dân lắm”. |
Bà cho biết, lúc xảy ra chuyện, bà cũng rất sợ, nhưng bà nghĩ, nếu không giải cứu bây giờ, để đến tối thì sẽ khó khăn. Bà tính toán, nếu ôm được tên này, nếu nó có đâm thì cũng sẽ đâm trúng bà thôi, bé M. sẽ không bị gì. Nghĩ là làm, bà quyết định hành động.
Quan sát thấy Tân là người có thể nói chuyện, bà Ba nói: “Thôi con ơi, cháu nó còn nhỏ, con tha cho nó đi rồi cô giải vây cho con, con cần bao nhiêu tiền thì cô đưa”. Nhưng Tân nói không cần tiền.
Bà Ba đứng dậy giả vờ đi ra ngoài nói lớn với những người bên ngoài “mấy người đi hết đi”, rồi tranh thủ dùng chìa khóa mở cửa để những người bên ngoài có cơ hội ứng cứu.
Tiếp đó, bà tìm cách khuyên giải. Sau một hồi nói chuyện, bà Ba hỏi người thanh niên này ở đâu, người này trả lời “con không có nhà, sống lang thang, xin việc không ai nhận”.
Kinh nghiệm của bà đối với những vụ tương tự là: người trong cuộc phải hết sức bình tĩnh, chờ thời cơ thuận lợi. Theo bà, trong những tình huống như trên, đối tượng thường không bình tĩnh, nếu mình cũng không bình tĩnh, sẽ gây kích động mạnh cho đối tượng, dẫn đến hành động bộc phát, liều lĩnh, hậu quả khó lường. |
Trong lúc nói chuyện, bà Ba cố gắng tiến sát lại gần xem tên này có còn vũ khí gì trong người nữa không. Bé M. bập bẹ nói: “Cậu ơi, cậu thả con ra với bà ngoại”. Tân nói: “Thôi con ở đây với cậu, cậu không làm gì con đâu”. Thấy Tân có vẻ hiền lành, không giống với những tên côn đồ hung hãn khác, nên bà Ba bớt lo. Một hồi sau, Tân lấy một viên thuốc ra uống, Tân còn nói với bé M “cậu uống viên thuốc này là vì con đó”. Bà Ba hỏi thuốc gì, tân nói là “thuốc bệnh của con, cô không biết đâu”.
Một lúc sau, khi uống viên thuốc xong, bà Ba thấy mắt Tân bắt đầu lim dim, tay thả lỏng, con dao không ghì vào cháu M. nữa mà để sát bên người, nên bà Ba quyết định ôm cái chăn ở gần rồi nhanh chóng trùm lên người Tân, lấy chăn quấn chặt con dao, rồi đẩy bé M. ra ngoài.
Bà Ba kể, lúc bà giữ được con dao, Tân la “cô thả con ra, thả con ra”. Nhưng bà Ba bảo: “Con thả con dao ra thì cô mới thả”. Tân nói tiếp “cô thả con ra rồi con chịu cho người ta bắt”.
Nghe tiếng hô hoán, lực lượng công an cùng mọi người đã ập vào bắt đối tượng Tân.
Bà Ba luôn trữ vài ba cây gậy trong nhà, phòng khi hữu sự.
Luôn sẵn lòng giúp người gặp nạn
Bà Ba cho biết, bà thường xem tin thời sự, nên rất cảnh giác và từ đó cũng biết cách tự vệ khi gặp nạn.
Ở góc nhà bà Ba luôn có vài ba cây gậy. Bà cho biết, những cây gậy này ngoài tác dụng chắn cửa để tránh chuột, còn là “vũ khí” của bà. Mỗi khi nghe có hô hoán cướp giật, bà đều cầm gậy để hỗ trợ người gặp nạn.
“Dù có đêm khuya, nghe có chuyện là tôi bật đèn, gọi hết con cháu trong nhà dậy để giúp đỡ mọi người”, bà nói.
Khi được hỏi “nếu như người bị khống chế không phải là bé M. (cháu ngoại bà) mà là một người không quen, thì bà có giúp không?”, không cần suy nghĩ, bà Ba nói: “Giúp chứ. Tôi xác định trước, mình là người lớn, các cháu còn nhỏ, mình phải có trách nhiệm, nên dù là cháu tôi hay người lạ, tôi vẫn giúp, mình bị thương hay gặp nguy hiểm cũng không sao, mình lớn rồi”.
Nhiều khi thấy bà Ba vẫn thường ra can ngăn vụ này vụ kia, con cháu và người dân nói bà lớn tuổi rồi, người ta đánh nhau bà ra làm gì, không may bị đánh trúng thì sao. Bà nói, bà biết tránh đòn và biết báo cho công an, không sợ nguy hiểm. Nếu có cãi nhau thì bà tới giảng hòa.
Kinh nghiệm của bà đối với những vụ tương tự như vừa rồi là: người trong cuộc phải hết sức bình tĩnh, tìm thời cơ thuận lợi. Theo bà, trong những tình huống như trên, đối tượng thường không bình tĩnh, nếu mình cũng không bình tĩnh, sẽ gây kích động mạnh cho đối tượng, dẫn đến hành động bộc phát, liều lĩnh, hậu quả khó lường.
Khi tôi hỏi: “Bà có từng được tặng bằng khen chưa, lần này có muốn được tặng không?”, bà cười to, xua tay: “Thôi thôi, bằng khen cô không có ghiền, cô không ưng, cô bình dân lắm”.
Từ năm 16 tuổi, bà Ba sống ở TP.HCM, đến năm 19 tuổi, bà về quê (Quảng Ngãi) tham gia du kích. Trong thời kỳ đó (trước năm 1975) xã bà có 72 du kích, bà là người nữ duy nhất trong đội. Bà kể, ngày đó ban ngày bà lao động chân tay, vẫn làm việc đồng áng, đến đêm thì trực chiến. Việc gì bà cũng làm, không nề hà, nên đến bây giờ dù lớn tuổi nhưng bà vẫn có sức khỏe, vẫn có thể làm việc nặng. Đến năm 1979, bà Ba lập gia đình, vợ chồng bà có 5 người con. Hiện tại bà ở nhà nội trợ, chồng bà mở tiệm cắt tóc ở gần nhà. Bà có 10 phòng trọ, cho con cháu sống ở 5 phòng, gần với vợ chồng bà, 5 phòng còn lại bà đem cho thuê. |
Ngọc Thúy
Bắt đối tượng cướp, bắt cóc con tin
Lời khai của tên cướp