Chơi trò mạo hiểm là hoạt động trải nghiệm?
Ngày 14/1, Trường THPT Đông Anh (TP.Hà Nội) phối hợp với Công ty Du lịch Hùng Vương cho học sinh đi đến khu du lịch Đảo Ngọc Xanh thuộc H.Thanh Thủy tỉnh Phú Thọ, tham gia một số trò chơi và hoạt động team building xây dựng kỹ năng mềm.
Sau khi ăn trưa, một nhóm học sinh lớp 11A2 tham gia trò chơi tàu lượn siêu tốc. Nhưng sự cố đáng tiếc đã xảy ra, hai toa tàu bị văng ra khỏi đường ray. Trên hai toa tàu đó có ba học sinh. Sự việc không may này đã làm một học sinh tử vong, hai học sinh còn lại bị thương.
|
Chuyến đi ngoại khóa của một trường tiểu học ở Q.5 tại Đầm Sen - Ảnh: Phúc Trần |
Cũng trong ngày 14/1, một nam sinh lớp Bốn Trường tiểu học Âu Dương Lân (Q.8, TP.HCM) đã tử vong sau khi bị đuối nước trong chuyến đi ngoại khóa tại khu du lịch Đại Nam (tỉnh Bình Dương). Em bị rơi xuống khu vực biển nhân tạo, đã được phát hiện và đưa đến bệnh viện. Nhưng sau một ngày cấp cứu em đã không qua khỏi. Chuyến đi ngoại khóa có khoảng 400 học sinh tham gia trên tổng số khoảng 2.000 học sinh toàn trường.
Đây là thời điểm mà những tai nạn ngoài ý muốn từ các chuyến đi trải nghiệm ngoại khóa xảy ra nhiều nhất. Những năm gần đây, sau khi kết thúc học kỳ, các trường từ bậc tiểu học đến THPT đều tổ chức cho học sinh đi ngoại khóa, và thường là các điểm du lịch ngoài địa phương.
Cũng vào thời điểm này năm ngoái, một học sinh lớp 12 ở tỉnh Sóc Trăng tử nạn khi đi tham quan ngoại khóa ở TP.Đà Lạt.
Nhiều phụ huynh thừa nhận, cho con đi dã ngoại là lo lắng nhưng không thể không “gật đầu”. Cha mẹ ở nhà chỉ biết trông cậy vào thầy cô, nhà trường và đơn vị tổ chức có trách nhiệm, bằng sự cẩn trọng và cảnh giác của người lớn mà nhắc nhở, bảo vệ an toàn cho học sinh. Bởi ai cũng hiểu, trẻ được ra ngoài cùng bạn bè thì ham chơi đến quên ăn, quên luôn sự cảnh giác, cũng như những kỹ năng để đảm bảo an toàn.
Ông Phan Huy Chính, Hiệu trưởng Trường THPT Vạn Xuân (H.Hoài Đức, TP.Hà Nội), cho biết: Hiện nay, đa số các trường THPT ở thành phố lớn đều tổ chức cho học sinh đi ngoại khóa một, hai lần mỗi năm. Bất kỳ hoạt động nào của nhà trường khi để xảy ra sự cố thì người chịu trách nhiệm đầu tiên là hiệu trưởng.
|
Một học sinh vừa bị đuối nước khi tham gia ngoại khoá tại khu du lịch Đại Nam (Ảnh minh hoạ) |
Để tổ chức chuyến đi trải nghiệm thì quy trình quản lý học sinh phải rất chặt chẽ. Mỗi xe phải có hai hướng dẫn viên có danh sách học sinh được quản lý suốt quá trình đi và dứt khoát giáo viên chủ nhiệm phải có mặt.
Đồng thời phải thành lập một ban tổ chức giám sát thực hiện kế hoạch, tổng cộng cũng phải đến trăm người để tổ chức chuyến đi trải nghiệm cho học sinh.
“Vì rủi ro là tiềm ẩn, không đoán trước được nên trường tôi thường chọn điểm đến là các di tích, miệt vườn để học sinh thăm thú, vận động nhẹ…”, ông Chính nói.
Không để “mất bò mới lo làm chuồng”
Sau tai nạn của học sinh Trường THPT Đông Anh, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội yêu cầu các trường rà soát công tác tổ chức các hoạt động tham quan trải nghiệm cho học sinh. Việc tổ chức phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, không để học sinh tham gia các trò chơi mạo hiểm, đồng thời tăng cường quản lý học sinh trong thời gian tổ chức các hoạt động để không xảy ra những trường hợp tương tự.
Phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết sẽ sớm có văn bản nhắc các trường chấn chỉnh nghiêm túc công tác đưa học sinh đi ngoại khóa, tiết học ngoài nhà trường để đảm bảo an toàn.
Quy trình tổ chức các buổi hoạt động trải nghiệm phải thực hiện chặt chẽ. Nhà trường xây dựng kế hoạch với sự đồng thuận của cha mẹ học sinh. Kế hoạch phải thể hiện rõ trách nhiệm, phân công công việc của từng bộ phận, nếu xảy ra sai sót bộ phận đó phải chịu.
Từ kế hoạch, phòng GD-ĐT xem xét, nếu hợp lý, đề xuất UBND quận phê duyệt mới được phép tổ chức. Điểm đến, đơn vị phối hợp tổ chức phải nằm trong danh sách được UBND quận thẩm định về năng lực, chức năng. Đồng thời có quy định rõ ràng về bán kính được phép đi.
Ví dụ: học sinh mầm non đi trải nghiệm trong bán kính 10km ở thành phố, tiểu học bán kính 30km, THCS khoảng 50-60km…
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tây Hồ, TP.Hà Nội
|
Thực tế, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác đảm bảo an toàn khi đưa học sinh tham quan, ngoại khóa bên ngoài nhà trường không thiếu, năm nào cũng được nhắc nhở. Nhưng thực tế mỗi học sinh là một thực thể sinh động. Mỗi chuyến đi có hàng trăm học sinh năng động trong không gian rộng lớn thì rủi ro càng cao. Vì thế, không thể chủ quan khi đưa học sinh ra bên ngoài nhà trường với quy mô lớn.
Ví như Phòng GD-ĐT Q.8 đã nhiều lần chỉ đạo các trường phải đặc biệt lưu ý vấn đề an toàn cho học sinh khi tổ chức hoạt động ngoại khóa. Cụ thể, phân công trách nhiệm đối với đơn vị tổ chức, giao nhiệm vụ, nâng cao trách nhiệm của các đơn vị liên quan. Thế nhưng, tai nạn vẫn đã xảy ra trong tích tắc. Sau sự việc thương tâm, một lần nữa Phòng GD-ĐT quận này lại nhắc nhở các trường, các đơn vị trực thuộc về vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh. Nhưng rõ ràng bài toán này không dễ.
Hiện tại, sau hai tai nạn thương tâm khiến hai học sinh tử vong, tranh luận lại nổ ra rằng có nên tổ chức ngoại khóa cho học sinh nữa hay không? Bên cho rằng cần đang có vẻ “lép vế” hơn. Nhưng, bỏ được không?
Theo quan điểm của Sở GD-ĐT Hà Nội, hoạt động ngoại khóa ngoài nhà trường là quyền lợi của học sinh, mang đến sự trải nghiệm cho người học. Cũng không thể vì một tai nạn hy hữu mà dừng hoạt động.
Một lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.8 thừa nhận khi học ở ngoài nhà trường, học sinh tiếp thu được kiến thức thực tế rất tốt, có thêm kỹ năng sống. Nhiều em phát huy được sở trường, khả năng. Chỉ có điều phải tính toán thật kỹ, lập kế hoạch đề phòng rủi ro, đặt an toàn tính mạng của học sinh lên trên hết.
|
Những buổi đi ngoại khoá thường có rất đông học sinh tham gia nên khó quản lý (Ảnh minh hoạ) |
Không thể phủ nhận lợi ích của các buổi ngoại khóa, bởi học sinh được vui chơi lấy lại năng lượng sau một kỳ thi, được sinh hoạt trong môi trường tập thể và có những trải nghiệm về văn hóa, địa lý, lịch sử… Hơn nữa, với chương trình giáo dục phổ thông mới, hoạt động trải nghiệm trở thành nội dung chính khóa bắt buộc.
Theo Bộ GD-ĐT, hoạt động trải nghiệm trong chương trình mới tại Thông tư 32 là bắt buộc với 135 tiết/năm. Tuy nhiên, hoạt động trải nghiệm không có nghĩa là cứ thu tiền của phụ huynh, đưa các em lên xe đi chỗ này chỗ kia. Hoạt động trải nghiệm có trong mỗi bài học, cuối bài đều có phần phát triển năng lực cho học sinh. Các em có thể luyện tập ngay trong trường hoặc qua cuộc sống xung quanh…
Các nhà sư phạm cho rằng quan trọng nhất là phải tập cho học sinh có kỹ năng sinh tồn trước khi tham gia các địa điểm trải nghiệm có yếu tố rủi ro. Trải nghiệm không có nghĩa phải chơi những trò cảm giác mạnh hay phải đi thật xa. Nhìn vào lịch những chuyến trải nghiệm ở Đà Lạt, Phan Thiết, Vũng Tàu… của không ít trường học chủ yếu là những buổi vui chơi giải trí hơn là nội dung học tập.
Cần cân nhắc điểm đến
Ông Phan Huy Chính, Hiệu trưởng Trường THPT Vạn Xuân (H.Hoài Đức, TP.Hà Nội), cho biết: Hoạt động ngoại khóa được quy định rất cụ thể. Trong hướng dẫn về thực hiện hoạt động trải nghiệm của Bộ GD-ĐT cũng có gợi ý nên cho học sinh đến các di tích lịch sử để thông qua hoạt động trải nghiệm nắm rõ hơn về lịch sử.
Về việc lựa chọn điểm đến, học sinh bây giờ thích mạo hiểm, nếu ban giám hiệu không cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng thì dễ thỏa hiệp với học sinh đến những khu mạo hiểm, khó kiểm soát, dễ xảy ra tai nạn. Nhà trường nên tìm kiếm nơi an toàn cho học sinh hoạt động đảm bảo vừa chơi vừa học. Đừng hiểu lầm trải nghiệm là đi xa, chơi những trò mạo hiểm. Có thể cho học sinh quan sát vườn cây trải nghiệm quá trình trồng cây, sự phát triển của cây hay sự phát triển kinh tế địa phương, thu nhập của người dân… cũng là trải nghiệm.
|
Thanh Thanh - Đại Minh