Gặp lại thi nhân "Tống biệt hành" trên di sản văn chương

10/05/2023 - 13:40

PNO - Các tác phẩm của nhà thơ Thâm Tâm được ra mắt vào sáng ngày 10/5, tại Hà Nội. Đây là di sản văn chương của nhà thơ được gia đình tìm lại.

Sáng ngày 10/5, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức buổi ra mắt các tác phẩm của nhà thơ Thâm Tâm. Đây là di sản văn chương mà thi nhân của Tống biệt hành để lại cho đời, với truyện ngắn, tiểu thuyết đã từng được in trên các báo Quốc ngữ những năm thập niên 1940. 

Các tác phẩm in rải rác trên các báo được gia đình tìm kiếm, thu thập và in thành tập truyện ngắn Gió thu hoa cúc gầy rồi. Bên cạnh đó là hai tiểu thuyết Thuốc mê (in lần đầu vào năm 2016) và Nỗi ân hận dài (in lần đầu vào năm 1945). 

Hội Nhà văn tổ chức ra mắt tác phẩm Thâm Tâm tại Hà Nội vào sáng ngày 1/5. Ảnh: Nhà xuất bản Hội Nhà văn
Hội Nhà văn tổ chức ra mắt tác phẩm của Thâm Tâm tại Hà Nội vào sáng ngày 1/5. Ảnh: Nhà xuất bản Hội Nhà văn

Nhà thơ Thâm Tâm được thế hệ sau biết đến với bài thơ Tống biệt hành bất hủ: "Đưa người ta không đưa qua sông/Sao có tiếng sóng ở trong lòng/Bóng chiều không thắm không vàng vọt/Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong...". Bài thơ này từng được đăng trên báo Tiểu thuyết thứ Bảy năm 1940, sau đó được tuyển chọn in vào sách Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Hoài Chân.

Những tác phẩm vừa được gia đình thi nhân cho ra mắt cũng cho hậu thế được biết đến một Thâm Tâm viết văn với góc nhìn hiện thực về số phận con người và xã hội đương thời. 

Tiểu thuyết Thuốc mê xoay quanh tập tục éo le của một ngôi làng miền Bắc áp đặt cho những cô gái đến tuổi lấy chồng trong làng. Thuốc mê được in lại theo bản gốc tiểu thuyết trong Phổ thông bán nguyệt san số 133, ngày 16/6/1943.

Bộ 3 tác phẩm của nhà thơ Thâm Tâm được Linh Lan Books và nhà xuất bản Lao Động ấn hành
Bộ 3 tác phẩm của nhà thơ Thâm Tâm được Linh Lan Books và nhà xuất bản Lao Động ấn hành

Tiểu thuyết Nỗi ân hận dài là mối tình của họa sĩ Lê và cô gái tỉnh lẻ tên Hoàng giữa định kiến xã hội và thử thách của số phận. Tác phẩm được ra đời trong thời gian ông sống cùng gia đình ở Hà Nội, kiếm sống bằng nghề vẽ tranh và bắt đầu làm thơ, viết văn.

"Những bông cúc đều rụng cánh quá nửa, còn lại bao nhiêu đều thâm úa gần hết. Chúng đã quá cái độ tươi cười rồi. Cánh mảnh, nhụy mòn, cuống lả xuống và đài quắt đi, đóa hoa thật là gầy và ốm. Cúc không còn chủ nhân, cúc chỉ còn những bóng chiều một đi một mất…Ấy là đời một người đàn bà góa..." - đó là những lời giới thiệu về tập truyện Gió thu hoa cúc gầy rồi. 

Và số phận của người đàn bà cũng giống như đóa cúc kia, gầy khô và héo quắt khi một mình gánh gồng trên vai cuộc đời của ba đứa con thơ...

Ba bài thơ nổi tiếng của thi sĩ Thâm Tâm gửi cho T.T.Kh là: Màu máu tigôn, Dang dở Gửi T.T.Kh. Đó cũng là những bài thơ tình hay nhất của ông, được sáng tác vào những năm thập niên 1940.

Trong các bài thơ, ông tự nhận mình là người yêu cũ của T.T.Kh. Từng có giả thuyết cho rằng ông cũng chính là T.T.Kh - tác giả của Hai sắc hoa tigôn. Từng có một cuốn sách có tiêu đề T.T.Kh là ai? viết riêng về việc này, nhưng đến nay tác giả này vẫn còn là một điều bí ẩn. 

Có một Thâm Tâm khác trong các tác phẩm văn xuôi của ông. Truyện ngắn cũng là thể loại ông chọn viết trước khi nổi tiếng bằng thi ca. Bộ ba tác phẩm Thuốc mê, Nỗi ân hận dàiGió thu hoa cúc gầy rồi là di sản văn chương quý giá mà thi sĩ Tống biệt hành để lại cho đời, bên cạnh những bài thơ có sức sống vượt thời gian, và trở thành những "ẩn số" của văn chương, gắn với cái tên T.T.Kh. 

Song Giang

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI