Gặp lại Pao

30/06/2020 - 23:34

PNO - Cuộc sống này vốn luôn sinh động, biến động, trí tưởng tượng của nhà văn không bao giờ quán xuyến hết được.

Giàng Thị Thương là nguyên mẫu của nhân vật May trong truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá - Pao trong phim Chuyện của Pao (đạo diễn Ngô Quang Hải). Chúng tôi chơi với nhau từ lúc tôi chưa vào lớp Một. Cái xóm tôi ở có cả người Kinh, người Tày, người Dao, người Mông. Thương học đến lớp Ba là bỏ. Thương là chị cả trong gia đình có một ông bố, hai bà mẹ và năm đứa con.

Bố Thương tên Chú và bà Mao, tên thật là Mua Thị May lấy nhau nhiều năm không có con. Khi bố Thương đi dân công làm đường thì gặp mẹ Hoa của Thương. Đường làm xong thì ông Chú dẫn bà Hoa về nhà. Không cưới xin gì. Rồi lần lượt bà Hoa sinh năm đứa con: Thương - Anh - Nhớ - Bằng - Thắng.

Nhà Thương rất rộng, pha tạp giữa kiến trúc của người Mông lẫn người Tày, người Kinh: mái lợp lá cọ, ba gian, mỗi bên có một cái buồng cửa ra vào che bằng một tấm ri đô hoa đỏ, gian bếp có bếp lò, có gác bếp trên treo lúa cum và ngô buộc thành túm. Hai căn buồng ấy một dành cho mẹ May, một dành cho mẹ Hoa. Ông Chú thích ngủ ở buồng nào thì ngủ. Bọn trẻ con ngủ trên phản ngoài nhà.

Giàng Thị Thương trong một lần gặp lại mới đây - Ảnh: NVCC
Giàng Thị Thương trong một lần gặp lại mới đây - Ảnh: NVCC

Tôi chứng kiến bà May chăm bẵm, cặm cụi nuôi nấng đàn con năm đứa do bà Hoa sinh ra y như thể chúng là con đẻ của bà vậy. Bà Hoa thì cứ bận gì đó, đi vắng suốt, lâu lâu mới về. 

Tôi hay cho Thương quần áo cũ, vì tôi không có em, mà tôi lại cao lớn hơn Thương một cái đầu. Và có khi cái áo tôi cho Thương năm trước, năm sau lại đến lượt cái Nhớ hoặc thằng Thắng mặc.

Đó là một phần ký ức về Thương trước khi tôi viết Tiếng đàn môi sau bờ rào đá. Khi tôi đưa Ngô Quang Hải lên Hà Giang gặp Thương, Thương và chồng, hai con đang ở trong một ngôi nhà vừa xây ở lưng chừng một quả đồi khô khốc, tường chưa quét vôi, nền chưa láng xi măng. Sau nhà là một con lợn nái sề đang vác cái bụng to đi lại lặc lè, vốn liếng của Thương đang để tất ở đó. 

Một năm sau, tôi lại đến. Một chuyện rất buồn vừa xảy ra: đứa con trai nhỏ của Thương, đi học về, cùng bạn chui vào bể nước đầu nguồn, nơi tích trữ nước cung cấp cho cả thị xã để tắm, và chết đuối trong đó. Thương ngồi trước bàn thờ con và chỉ biết lau nước mắt. Thằng con trai lớn thì ngồi thừ trước hiên.

Thương nói: “Nó (thằng bé), học giỏi lắm, không như anh nó đâu. Nhưng nó cũng nghịch hơn thằng anh nhiều. Ai mà nghĩ là nó lại dám mò lên tận đỉnh núi rồi chui vào cái bể cơ chứ”. Tôi hỏi: “Thế bố chúng nó đâu?”, “Chắc đi uống rượu rồi. Làm được đồng nào cho vào rượu hết”.

Nhân vật Pao trong phim Chuyện của Pao (đạo diễn Ngô Quang Hải) do Đỗ Hải Yến (trái) thủ vai và Giàng Thị Thương (phải) - nguyên mẫu của nhân vật May trong tác phẩm Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của nhà văn Đỗ Bích Thúy - Ảnh: NVCC
Nhân vật Pao trong phim Chuyện của Pao (đạo diễn Ngô Quang Hải) do Đỗ Hải Yến (trái) thủ vai và Giàng Thị Thương (phải) - nguyên mẫu của nhân vật May trong tác phẩm Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của nhà văn Đỗ Bích Thúy - Ảnh: NVCC

Những gì có thể bán được, Thương đã đem bán làm đám tang cho con. Giờ phải chạy ăn từng bữa. Chồng sáng vác cuốc xẻng đi, chiều vác về với một cái bụng đầy rượu. 

Bà May nghe tin tôi đến, tất tả chạy ra, vớ lấy điếu cày, vo một cục thuốc to tướng nhét vào nỏ, châm điếu, rít mấy hơi liền, khói phả mù mịt. Rót hai chén rượu đầy, tôi một, bà một, uống cạn. Nghe kể, mấy đứa em Thương đang đòi bán nhà chia nhau.

Bà bảo: “Cuối cùng, còn mỗi con bé này thương tao thôi”. Tự dưng tôi thấy buồn ghê gớm. Tôi đã chứng kiến bà May trước mặt ôm thằng Thắng, sau lưng địu cái Nhớ, vừa nấu cám cho lợn, cuốc đất trồng rau, lội suối xúc cá. Ông Chú đã mất khi đi đánh cá ở sông Lô và chết đuối, trôi đi mười mấy cây số mới dạt vào bờ, bà Hoa cũng mất. Rốt cuộc, chỉ có mình bà May gồng gánh, nuôi nấng từng ấy đứa. Vậy mà khi đã trưởng thành, chỉ có Thương còn nghĩ được trước sau, nghĩ được công sức, ân tình mà người đàn bà Mông này dành cho năm chị em, còn lại, đều quên hết như thể dòng nước đã trôi qua vậy.

Lần gần nhất tôi về, bà May đã mất. Các con đưa bà về nằm cạnh ông Chú. Bà một bên, bà Hoa một bên. Ôi cuộc đời con người, sống chung chồng, chết cũng vẫn chung chồng. 

Tôi ngồi với vợ chồng Thương trong căn nhà năm xưa, giờ thì nó đã được lát gạch hoa, sơn tường. Con trai lớn của Thương đã lấy vợ. Thương đã lên chức bà nội được sáu tháng. Trên cửa ra vào nhà có treo một con cá gỗ, trên con cá vắt một mảnh vải đỏ. Chồng Thương bảo đấy là con cá thầy mo làm phép trong lễ cúng ngày ông bước sang tuổi 49. Một thủ tục cần thiết để giữ gìn sức khỏe, sự may mắn cho bản thân người đàn ông và gia đình. 

Cuộc sống này vốn luôn sinh động, biến động, trí tưởng tượng của nhà văn không bao giờ quán xuyến hết được. Lần nào gặp lại Thương tôi cũng vừa vui vừa buồn. Chúng tôi ngồi trong cái xóm nghèo hẻo lánh của Thương và ôn lại những chuyện xửa xưa. Rất nhiều người trong trí nhớ của chúng tôi đã ra đi, rất nhiều trẻ con đã ra đời, bản thân chúng tôi cũng đã nhìn thấy những sợi bạc trên mái tóc của nhau.

Dù sao, Thương của hôm nay cũng đã yên ổn hơn, nụ cười sáng lấp lánh khỏa lấp bao nhiêu buồn bã, ưu phiền. Tôi chưa từng hỏi Thương có đọc truyện tôi viết không, có xem bộ phim ấy không. Thực lòng, tôi muốn Thương cứ y nguyên là Thương như thế, sống cuộc sống của bạn, và giữa chúng tôi luôn đầy tràn một ký ức đẹp đẽ, tinh khôi của tuổi ấu thơ đã lùi thật xa… 

Nhà văn Đỗ Bích Thúy

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI