Kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc Khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2022)

Gặp lại nữ anh hùng tình báo Tám Thảo

01/09/2022 - 16:25

PNO - Ở tuổi 90, nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Mỹ Nhung - bí danh Nguyễn Thị Yên Thảo, tên thường gọi là cô Tám Thảo - vẫn giữ được vẻ duyên dáng, hoạt bát từng giúp ẩn mình thành công tại Bộ Tư lệnh Hải quân chính quyền Sài Gòn, góp phần không nhỏ vào những chiến công của cụm tình báo H63 huyền thoại.

Những trang sách hun đúc lòng yêu nước

Bà Tám Thảo nói, để giữ được sắc vóc, sự minh mẫn, bí quyết của bà chỉ là ăn uống đều đặn và chịu khó tập thể dục. Được hỏi về nghiệp tình báo, bà bắt đầu từ gia đình: “Mẹ tôi là con gái Nội Duệ, Cầu Lim giỏi buôn bán. Cha xuất thân trong gia đình nhà Nho giỏi chữ nghĩa. Hai bên nội ngoại đều có truyền thống yêu nước. Từ nhỏ, các anh chị em của tôi đều được cho ăn học. Tôi đặc biệt mê đọc sách”.

Bà kể, từ lúc biết chữ, hễ cái gì có chữ là bà đọc. Bà đọc sách, đọc báo, từ đó mở mang đầu óc, biết được tình hình chiến sự, hiểu được lịch sử đất nước, tinh thần bất khuất của Hai Bà Trưng, Bà Triệu và khí phách cha ông. Bà vẫn còn nhớ nhân vật nữ miền sơn cước tập hợp nghĩa quân chống áp bức, bất công trong tiểu thuyết Bóng cờ trắng trong sương mù của Lan Khai, nữ chiến binh Jeanne d’Arc trong lịch sử của nước Pháp. 

“Nhờ đọc sách mà tôi nhận ra rằng, ở quốc gia nào cũng tồn tại bất công. Ở đâu cũng có những nữ anh hùng, những người con gái hiên ngang, bất khuất trước thế lực bạo tàn. Những trang sách đã hun đúc cho tôi lòng yêu nước và cả cái máu phiêu lưu, mạo hiểm để làm một điệp viên sau này” - bà đúc kết.

Cơ duyên gặp gỡ những điệp viên đại tài

Ở tuổi 15, 16, hai chị em Mỹ Nhung và Mỹ Linh có tiếng giỏi giang khi phụ mẹ bán vải ở Vĩnh Long. Tiếp xúc nhiều chị làm dân vận, phụ vận, nghe kể chuyện trong chiến khu, chuyện đi rải truyền đơn, làm giao liên, hai cô mê lắm, muốn theo vào chiến khu làm cách mạng. 
Bà kể: “Nhưng đâu thể đi cả hai vì phải có một đứa ở nhà phụ mẹ buôn bán. Thế là hai đứa bốc thăm và tôi là “người được chọn”. Lúc đó, tôi cứ nhắm hướng Tam Bình (H.Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) mà đi vì nghe nói căn cứ ở đó, ai hỏi thì nói đi tìm người nhà. Sau khi đi vòng vèo, Mỹ Nhung được đưa đến công an huyện, chờ liên hệ với chị Minh - một nữ tình báo mà cô đã quen từ hai năm trước.

Gặp lại Mỹ Nhung, chị Minh mừng lắm, dẫn dắt cô bé hoạt động. Tổ chức đã phân công Mỹ Nhung đưa đò đón cán bộ vào chiến khu công tác. Từ đó, Mỹ Nhung gặp gỡ và nhiều lần đưa đón nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo. Khi đó, Mỹ Nhung chưa biết đó là một nhà tình báo lỗi lạc, chỉ nhớ hình ảnh một người anh có nụ cười hiền, hay mang cho cô một bó hoa dại khi từ chiến khu trở về.

Khoảng năm 1951, tình hình chiến sự thay đổi, Mỹ Nhung xin về Sài Gòn hoạt động. Vốn là tiểu thư con nhà buôn vải có tiếng ở miền Nam, có sạp ở chợ Bến Thành, cô dễ dàng mở rộng quan hệ, kết thân với nhiều gia đình giàu có, tướng lĩnh và quan chức ở Sài Gòn. Tám Thảo được giới thiệu với ông Mười Hương (Trần Quốc Hương - người trực tiếp chỉ huy các nhà tình báo nổi tiếng Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo…) và hoạt động chung tổ với nhà tình báo lỗi lạc Phạm Xuân Ẩn.

Năm 1959, sau hai năm du học Mỹ theo sự phân công của tổ chức, ông Phạm Xuân Ẩn về nước và bắt liên lạc lại với Tám Thảo. Lúc này, Tám Thảo được giao luôn nhiệm vụ làm giao liên cho Phạm Xuân Ẩn. Từ đó, Tám Thảo đã chuyển vào chiến khu nhiều tài liệu quan trọng do Phạm Xuân Ẩn thu thập được.

Có lần, Tám Thảo đang ở sạp vải thì Phạm Xuân Ẩn đến kêu “đi ăn sáng”. Ông chở bà đến bến xe, giao 24 cuộn phim Kodak gói trong giấy dầu. Nhận lệnh, bà lên đường ngay, chỉ kịp nhét các cuộn phim sâu trong giỏ. “Tình huống rất nguy hiểm. Nếu bị xét giỏ thì tiêu chắc, nhưng không hiểu sao lúc đó, tôi rất bình tĩnh. Tôi chủ động ngồi ở đầu xe để tiện quan sát. Đến một chốt, bị chặn lại tra xét, tôi ung dung xuống xe, cầm giỏ đi thẳng đến chỗ tên chỉ huy mà chào hỏi, bắt chuyện như gặp người quen” - bà Tám Thảo nhớ lại.

Xét xong một lượt hành khách, tài xế bấm kèn, bà ung dung xách giỏ lên xe. Lúc này, bọn lính ngớ người ra: “Cô đã xét giỏ chưa?”. Bà nói với tên sĩ quan: “Tại thầy đó, nãy giờ nói chuyện với thầy mà thầy có xét đâu. Bây giờ, thầy xét nhanh đi”. Người tài xế lại bấm còi. Tên sĩ quan cười rồi phẩy tay: “Thôi cô đi đi”. Thế là 24 cuộn phim qua chốt trót lọt. Nhận tài liệu, bà Tám Thảo và ông Phạm Xuân Ẩn bị cấp trên nhắc nhở vì đã quá bất cẩn, không ngụy trang tài liệu.

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải (bìa phải) mừng thọ tuổi 90 bà Tám Thảo
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải (bìa phải) mừng thọ tuổi 90 bà Tám Thảo

Trọn nhiệm vụ với đất nước, với nhân dân

Năm 1964, Tám Thảo được sắp xếp thâm nhập vào các “sở Mỹ”. Nhờ vốn tiếng Anh lưu loát, lý lịch con nhà tư sản muốn lấy chồng Mỹ, Tám Thảo trúng tuyển làm phiên dịch cho một cố vấn Mỹ ở Bộ Tư lệnh Hải quân (đóng tại bến Bạch Đằng).

Suốt bốn tháng trời, Tám Thảo không mang bất cứ tài liệu nào về. Có lúc, đến Trưởng cụm tình báo H63 là Tư Cang (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu) cũng sốt ruột. Đến tháng thứ năm thì bà mang nhiều tài liệu về. Bà nói: “Đây là một cơ quan đầu não của địch, kiểm soát an ninh vô cùng nghiêm ngặt. Nếu vội vàng, sẽ rất dễ hỏng việc. Tôi phải tạo vỏ bọc là một nhân viên mẫn cán, luôn đi về đúng giờ, tuân thủ nghiêm ngặt biện pháp an ninh, chủ động trong mọi cuộc tra xét để tạo niềm tin cho lực lượng bảo an. Kiên trì một thời gian dài, đến chính chúng cũng phát chán, không thèm xét mình nữa, tôi mới có cơ hội mang tài liệu về”.

Nhờ suy nghĩ thấu đáo và tầm nhìn xa, bà đã lấy được tài liệu đánh giá của phía Mỹ về khả năng tấn công đợt hai của quân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Ở nơi làm việc, bà kết thân với hầu hết mọi người, chỉ riêng phòng tình báo là suốt ba năm trời, bà không thể kết thân được với ai. Cho đến sau cuộc tấn công tết Mậu Thân, tất cả phải cắm trại trong đơn vị, ăn uống rất kham khổ, bà mang nhiều đồ ăn đến tiếp tế, các sĩ quan mới cảm kích, tin tưởng. Từ đó, bà tiếp cận được các nguồn tài liệu mật, mang tài liệu đi ngay trước mắt các đội tình báo lẫn bảo an.

Căn nhà sang trọng trên đường Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng) của gia đình Tám Thảo thường xuyên tiếp đón các sĩ quan Mỹ đến chơi. Điều đặc biệt là ngay trên lầu, có ông Việt cộng cỡ bự là ông Tư Cang đang quan sát, nghe ngóng. Nhờ sự “thân tình” với người Mỹ này, ông Tư Cang có nơi ẩn náu an toàn, thuận lợi điều hành mạng lưới tình báo nội thành, góp công lớn cho ngày toàn thắng. Có lần, bà Tám Thảo nói vui với người chỉ huy của mình rằng, đời cô thật thú vị khi “sáng có thiếu tá tình báo Việt cộng chở đi làm, chiều có thiếu tá tình báo Mỹ đưa về”.

Thực tế, cuộc đời “hay như tiểu thuyết” đó luôn bị bao hiểm nguy rình rập, buộc bà phải gạt bỏ những khát vọng bình thường của người phụ nữ. Sau ngày đất nước thống nhất, bà Tám Thảo mới tìm hạnh phúc riêng khi đã qua thời xuân sắc. Bà cũng rời vai trò một điệp viên để sống bình lặng bên những người thân yêu, tiếp tục góp sức kiến thiết lại thành phố từ tro tàn chiến tranh.

Năm 2018, bà Tám Thảo vinh dự được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Tuy có hơi trễ nhưng cuối cùng, những cống hiến của bà đã được ghi nhận. Đến nay, điều mà bà tự hào nhất là bà đã làm tròn nhiệm vụ đối với đất nước, với nhân dân.

Tam Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI