Gặp lại nhà văn Mường Mán

17/03/2019 - 15:30

PNO - Nhà văn Mường Mán chọn gửi gắm những thân phận con người trong các tác phẩm của ông theo cách gửi lại những chiều sâu trên trang chữ. Đọc để tinh khôi, đọc để lắng đọng.

Tôi đọc truyện đầu tiên Ngoại, Toàn và Niệm (trong tập truyện ngắn Cạn chén tình của nhà văn Mường Mán, nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ vừa cho in lại), gặp ngay cảm giác bổi hổi bồi hồi như thuở mười ba, từng đọc Trăng không mùa, Lá tương tư của ông. Không gian truyện đẹp một màu bàng bạc, những nhân vật lặn lội đi trong những cảm xúc mênh mông của lòng mình để rồi vỡ ra thành dư âm bùi ngùi như một tiếng thở dài còn vương vọng nỗi niềm. Ngoại ngồi đó như một chứng nhân của Huế. Toàn ở đó mang một dấu vết của chiến tranh, nỗi đau không nguôi chôn chặt vào đôi chân bị tàn phế. Niệm trở về để nhìn thấy ký ức, soi thấu lòng mình…

Nhiều người nói nhà văn Mường Mán viết về miền Trung - quê ông - rất hay, lay động lòng người. Tôi đọc truyện của ông, cảm nhận rõ văn hóa của Huế xưa, từ tính cách nhân vật đến nếp nhà; từ những đổi thay của năm tháng đến thân phận người bên dòng sông Hương.

Gap lai nha van Muong Man

Mường Mán nói ông có thời gian sống ở miền Tây Nam bộ, cũng đã viết rất nhiều về không gian sông nước Cửu Long. Nhưng tôi vẫn thích nhất những truyện ông viết về xứ Huế. Thích cả cách ông thường chọn những kết thúc như một tiếng ngân dài của cảm xúc. Những kết thúc chao chát buồn, có khi bất ngờ mà khiến lòng người thắt lại. Nhà văn Mường Mán chọn gửi gắm những thân phận con người trong các tác phẩm của ông theo cách gửi lại những chiều sâu trên trang chữ. Đọc để tinh khôi, đọc để lắng đọng. 

Những năm 1994-1996, không biết từ đâu, tôi có được hai quyển Lá tương tưTrăng không mùa (sau này được chuyển thể thành phim). Tôi nhớ cái tên Mường Mán từ đó, để hơn một thập niên sau mới biết bút danh được nhà văn chọn bắt đầu từ tên của một ga xép ở tỉnh lẻ. Đến năm 2001, tôi đọc tiếp tác phẩm Muối trăm năm và giờ là Cạn chén tình.

Văn chương đi qua những chặng đường, có những thay đổi. Người viết lúc hay lúc dở, tác phẩm lúc nổi lúc chìm. Nhưng tác phẩm của nhà văn Mường Mán vẫn cứ lặng lẽ mà thấm sâu. Ông có rất nhiều chi tiết đắt để khiến niềm vui hay nỗi đau của các nhân vật đầy sức nặng day dứt, ám ảnh. Mỗi truyện ngắn trong tập Cạn chén tình được bắt đầu bằng những dòng thơ như những khúc ca dao.

Buồn thương vương mang… Mùa sẽ còn dài, Những chùm trái đỏ, Cát bụi ngàn khơi, Sang sông, Gà con mất mẹ, Ai xuôi vạn lý, Mất hút vào thinh không… Mỗi truyện một sức dẫn dụ. Để rồi đến cuối cùng, người đọc thấy như vừa trôi đi cùng tác giả trên một bè trầm của đời, của người. Những tác phẩm cũ được in lại, dội vào dòng chảy văn chương của thời đại này một cuộc giật mình. Rằng có bao nhiêu tác phẩm được in thời điểm này sẽ còn giá trị đến hàng thập niên sau?

Nhà văn Mường Mán đã gác bút. Hiện ông lấy hội họa làm vui. Những tác phẩm một thời của ông có thể sẽ lại được tái bản trong thời gian tới. Những Bèo nước long đong, Mùa thu tóc rối, Cô bé gác mây, Khóc nữa đi sớm mai, Chiều vàng hoa cúc… hy vọng sẽ lại tìm được những tâm hồn đồng điệu.

Lục Diệp 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI