Gặp lại bạn cũ, mới nhận ra không còn yêu chồng

03/02/2023 - 19:00

PNO - Em hãy sắp xếp một cuộc trò chuyện với chồng, nói về những mệt mỏi và tủi buồn của em. Đây không phải là cuộc đổ lỗi hay trách cứ, mà là một cuộc tâm sự.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Em lấy chồng đã 8 năm, sinh được 2 đứa con. Em lo quán xuyến nhà cửa, con cái; chồng em chỉ biết việc ngoài xã hội. Anh hiền lành, dễ thương nhưng khá vô tâm. Anh không biết chăm con, cũng ít khi thể hiện tình cảm với vợ.

Ngoài việc chăm sóc gia đình, em luôn nỗ lực giữ lửa hôn nhân, làm sao để chồng chú ý và bày tỏ cảm xúc với mình. Nhưng nhiều lúc em rất thất vọng, buồn tủi vì anh dửng dưng.

Anh không ngoại tình, không thô lỗ, chỉ là anh không có sự say mê vợ chồng. Em không mê tình dục, nhưng em cần sự gần gũi để thể hiện sợi dây kết nối vợ chồng. Vậy mà tất cả những lần quan hệ vợ chồng em đều không thấy kết nối.

Em không nhận ra mình đã hết yêu chồng, cho đến khi gặp một người bạn cũ. Bạn ấy đã có gia đình, nhưng lúc gặp lại nhau qua công việc, cả hai như bị “sét đánh”. Không hẳn là tình yêu, mà là một sự “nhìn ra nhau”: nhìn ra người kia đang cô đơn, đang cần được chăm sóc, nương tựa, và thật trùng hợp là mình cũng vậy.

Em và bạn ấy không làm gì đi quá giới hạn, chỉ lặng lẽ hỗ trợ nhau và chăm sóc nhau như những người bạn. Song việc này khiến em nhìn thật rõ vấn đề giữa em và chồng. Em đã không còn yêu và không còn muốn cố gắng.

Em nên làm gì bây giờ ạ? Em mới 34 tuổi, em còn 2 đứa con rất yêu ba… Mong chị cho em lời khuyên.

Thảo Nhi (TPHCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thảo Nhi mến,

“Em mới 34 tuổi, em còn 2 đứa con rất yêu ba…”, dòng thư cuối cùng của em khiến Hạnh Dung xúc động. Em thực sự nhận ra điều quan trọng với mình, đó là những cảm xúc tuổi trẻ, cảm xúc thanh xuân đang đẹp đẽ, và 2 đứa con. 2 đứa con, chính là gia đình với những nhắc nhở rất nghiêm túc mà cũng rất hào hứng với một phụ nữ trưởng thành.

Chuyện của em khá phổ biến. Một người vợ lặng lẽ hy sinh và nuôi dưỡng tình yêu và một người chồng “tội lỗi hồn nhiên”. Họ như hai đường thẳng song song mãi cho đến khi người vợ thất vọng và cạn kiệt. Còn người chồng thì vẫn hồn nhiên, chẳng hay biết gì.

Vậy thì, cần có một con đường khác cho cuộc hôn nhân này, em ạ. “Con đường khác” ấy, phải đi trực diện vào sự hồn nhiên của người chồng, và sự kiệt quệ của người vợ. Phải giải quyết 2 điều đó.

Bây giờ, hai em cần nhất là sự kết nối thật. Kết nối ấy không nên bắt đầu từ cảm xúc (vì khá khó), mà hãy bắt đầu từ tình cảm, từ nghĩa vợ chồng, nghĩa “đồng đội” - những người đang cùng nắm tay, kề vai tạo dựng gia đình. 

Em hãy sắp xếp một cuộc trò chuyện với chồng, nói về những mệt mỏi và tủi buồn của em. Đây không phải là cuộc đổ lỗi hay trách cứ, mà là một cuộc tâm sự. Bởi để hôn nhân đi đến đoạn này, thì chắc chắn cả hai đều đã không làm đúng cách. Em hãy nói những gì em đang cảm thấy, để đề nghị chồng cùng tìm giải pháp.

Cần nhớ, cuộc chuyện trò này không phải để quy lỗi. Thay vào đó, em có thể nói những gì em đã mong mỏi ở chồng và nghe anh ấy chia sẻ cảm nhận phía anh ấy. Hãy nói về giải pháp cho các gánh nặng mà em đang phải chịu, và trao quyền, trao trách nhiệm giải quyết cho anh ấy.

Về người bạn của em, đây cũng là một “nhân vật” khá quen thuộc trong các câu chuyện buồn hôn nhân. Họ giúp đánh thức nhu cầu được yêu thương và chăm sóc của những người phụ nữ đang hy sinh quên mình. Nhưng hãy giữ mối quan hệ ấy ở trạng thái tích cực, là bạn cho ra bạn, tránh để những cay đắng hay lỡ làng về sau.

Cả hai đều đã có gia đình. Mối quan hệ nào rồi cũng sẽ gặp thử thách và đến lúc buồn, việc của mình là hãy tìm sức mạnh để giải quyết vấn đề, vượt qua thử thách. Chừng nào ta đã thử hết mọi đằng vẫn thấy vô vọng, thì mới trả lời được cho một cuộc hôn nhân.

Mong em sáng suốt và sớm an vui!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI