Gặp khó tại thị trường Trung Quốc, rau quả xuất mạnh sang Lào, Thái Lan, Nga

15/03/2020 - 07:32

PNO - Trong bối cảnh gặp khó khăn tại thị trường Trung Quốc do nhiều cửa khẩu phía Bắc tạm ngưng giao dịch, rau quả xuất khẩu tăng mạnh ở nhiều thị trường khác.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu rau quả 2 tháng đầu năm đạt 513 triệu USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 1 với 61,8% thị phần. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu sang thị trường này đã giảm mạnh, trong tháng 1 chỉ đạt  173,6 triệu USD, giảm 32,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Trong khi đó, các thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh là Lào (gấp 5,17 lần), Thái Lan (gấp 2,62 lần) và Nga (gấp 2,24 lần).

Bộ Công thương đang thúc đẩy các hoạt động để sớm nối lại giao dịch tại cửa khẩu phía Bắc
Bộ Công thương đang thúc đẩy các hoạt động để sớm nối lại giao dịch tại cửa khẩu phía Bắc, giảm sức ép cho các mặt hàng rau quả trong nước

Giá trị xuất khẩu đầu năm nay giảm do nhiều mặt hàng xuất khẩu chính giảm như: thanh long đạt 107,2 triệu USD (chiếm 38,2%; giảm 13,5%); nhãn đạt 12,5 triệu USD (chiếm 4,5%; giảm 77,8%); dưa hấu đạt 8,7 triệu USD (chiếm 3,1%; giảm 34,3%); chanh đạt 8,2 triệu USD (chiếm 2,9%; giảm 10,2%); sầu riêng đạt 7,8 triệu USD (chiếm 2,8%; giảm 30,1%); ớt đạt 5,6 triệu USD (chiếm 2%; giảm 21,3%).

Ở chiều ngược lại, tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2020 đạt 215 triệu USD, giảm 23,7% so với cùng kỳ năm 2019. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan, Australia và Myanmar là các thị trường cung cấp rau quả nhập khẩu lớn nhất cho Việt Nam, với tổng tỷ trọng chiếm 80,5% tổng giá trị nhập khẩu rau quả của Việt Nam.

Theo Bộ Nông nghiệp, ngành rau quả vẫn quá phụ thuộc vào một số thị trường truyền  thống như Trung Quốc, đã khiến cho không ít doanh nghiệp xuất khẩu, nhà vườn  gặp nhiều khó khăn mỗi khi nước này thay đổi chính sách nhập khẩu.

Tác động của dịch COVID-19 bùng phát tại nước này đã khiến các giao dịch thương mại nông sản qua biên giới Việt – Trung bị tắc nghẽn, điều này cho thấy cần phải tái cơ cấu thị trường, mở cửa và đa dạng hóa thị trường, đặc biệt là các thị trường như: Châu Phi, Tây Nam Á, Mỹ, Nhật Bản, EU... để tránh rủi ro vì phụ thuộc vào một số ít những thị trường nhất định.

Bên cạnh đó, Nghị viện EU đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và EU vào ngày 12/2/2020, sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu rau quả bởi mặt hàng này sẽ được xóa bỏ thuế ngay sau khi các Hiệp định có hiệu lực.

Hoàng Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI