Gặp gỡ văn chương Việt - Hàn

16/07/2023 - 20:50

PNO - Ngày 16/7, tại TPHCM, Hội Nhà văn TPHCM phối hợp Viện dịch thuật Văn học Hàn Quốc, trường đại học Văn Lang, công ty sách Nhã Nam tổ chức chương trình “Gặp gỡ văn chương Việt - Hàn”, nhằm chia sẻ nhiều thông tin về việc kết nối, giao lưu văn học giữa 2 nước.

 

Nhiều nhà văn, dịch giả, người làm công tác xuất bản đã đến tham dự chương trình.
Nhiều nhà văn, dịch giả, người làm công tác xuất bản đã đến tham dự chương trình

Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM - cho biết, sự kiện Gặp gỡ văn chương Việt Nam - Hàn Quốc là kết quả cho những nỗ lực kết nối của Hội đồng văn học dịch thuộc Hội nhà văn TPHCM với Viện dịch thuật Văn học Hàn Quốc. Đây là tổ chức văn hóa được chính phủ Hàn Quốc thành lập nhằm thực hiện chiến lược quảng bá văn học Hàn Quốc ra thế giới một cách bài bản.

Thông qua chương trình, ngoài trao đổi về nghề để có thêm sự thấu hiểu giữa những người cầm bút, ban tổ chức cũng mong muốn góp phần tạo cơ hội cho hành trình quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới và ngược lại, mà đầu tiên là cơ hội cho những buổi giao lưu văn học quốc tế tiếp theo.

Buổi gặp gỡ có sự xuất hiện của các nhà văn có thành quả nhất định trong sáng tác văn chương ở 2 nước là: nhà văn Pyun Hye-Young - tác giả của 2 quyển sách Hố đen sâu thẳmTro tàn sắc đỏ đã được dịch sang tiếng Việt, được độc giả Việt Nam yêu thích; nhà thơ Lê Thiếu Nhơn - người sở hữu nhiều tác phẩm thơ và phê bình văn học đặc sắc, hiện là Trưởng ban Nhà văn Trẻ - Hội Nhà văn TPHCM; và nhà văn Bùi Tiểu Quyên - cây bút nữ gặt hái được thành công ở những sáng tác dành cho người lớn và thiếu nhi những năm qua.

Chương trình Gặp gỡ văn chương Việt - Hàn.
Chương trình Gặp gỡ văn chương Việt - Hàn

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên chia sẻ ấn tượng đặc biệt về văn học Hàn Quốc có phần trái ngược với những gì người Việt Nam đã quen với Hàn Quốc qua phim ảnh hay âm nhạc.

“Nếu phim ảnh Hàn như bán những giấc mơ thì văn học lại là thế giới hiện thực khốc liệt mà con người cũng đối diện với muôn vàn khó khăn, nhất là sự cô đơn, lạc lõng của tâm hồn trong xã hội công nghiệp hiện đại. Một “tâm sự” mang tính toàn cầu hóa” - nhà văn Bùi Tiểu Quyên chia sẻ.

Mong rằng một ngày sẽ không phải bàn về làm cách nào đưa VHVN ra nước ngoài nữa mà bàn là có bao nhiêu tác phẩm trên kệ sách thế giới
Nhà văn Bùi Tiểu Quyên mong một ngày sẽ không phải bàn về làm cách nào để đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài nữa, mà là nói về việc có bao nhiêu tác phẩm của Việt Nam trên kệ sách thế giới và định vị văn học Việt Nam trên trường quốc tế

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhận định, dù trong 10 năm qua, văn học Hàn Quốc đã ngày càng phổ biến và chiếm được nhiều tình cảm của độc giả Việt Nam, nhưng xét mặt bằng chung vẫn còn khá xa lạ, nhất là khi so với một nền văn học khổng lồ mà cả Hàn Quốc và Việt Nam đều chịu ảnh hưởng trong lịch sử là Trung Quốc.

Qua những tác phẩm đã đọc, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn đánh giá cao cá tính văn học mà các tác giả hiện đại Hàn Quốc đã tạo được, nhất là văn tư biện - câu văn thể hiện thái độ sống của nhà văn đối với xã hội, thời đại, thậm chí là với chính quyền. Trong khi văn chương Việt thường mạnh về tả tình, tả cảnh, đối thoại, còn văn tư biện lại rất mơ hồ, mà điều đó lại thể hiện chiều sâu tư tưởng của tác phẩm, cá tính của tác giả.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn có nhiều góc nhìn bao quát và sâu sắc về mối tương quan giữa văn học Việt Nam và văn học Hàn Quốc.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn có nhiều góc nhìn bao quát và sâu sắc về mối tương quan giữa văn học Việt Nam và văn học Hàn Quốc

Cả nhà văn Bùi Tiểu Quyên và nhà thơ Lê Thiếu Nhơn đều đánh động về việc dịch và giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài rất hạn chế, là rào cản rất lớn để văn học Việt Nam hội nhập và được đánh giá đúng vị thế. Nhưng đây không phải là việc có thể trông cậy vào vài quan hệ cá nhân, mà cần có sự vào cuộc của nhà nước.

Nhà văn Pyun Hye-Young
Nhà văn Bùi Tiểu Quyên trao đổi với nhà văn Pyun Hye-Young

Nhà văn Pyun Hye-Young bày tỏ sự trân trọng những cơ hội được giao lưu, kết nối văn chương 2 nước như thế này, và cũng chia sẻ về việc văn học Việt Nam chưa được biết đến nhiều ở Hàn Quốc vì rào cản dịch thuật.

Nhà văn Pyun Hye-Young cũng cho biết chính phủ Hàn quốc có chiến lược dài hơi, bài bản về việc đưa văn chương Hàn Quốc ra thế giới. Trong nước, có hệ thống hỗ trợ công tác sáng tác lẫn dịch thuật từ chính phủ, các bộ ngành trung ương, các đơn vị trực thuộc chính phủ, các đoàn hội, chính quyền địa phương và hệ thống xuất bản.

Nhà văn
Nhà văn Pyun Hye-Young ký tặng độc giả tại chương trình

Chính bản thân các tác giả Hàn Quốc cũng tích cực tìm kiếm hỗ trợ từ các nơi, chủ động tìm kiếm các cơ hội giao lưu, quốc tế, cũng như tự rèn giũa để có bút pháp, phong cách chinh phục độc giả trong và ngoài nước.

“Đưa tác phẩm ra nước ngoài không thể là nỗ lực cá nhân mà cần sự hỗ trợ từ chính phủ. Trong đó, vai trò biên dịch, phiên dịch, đội ngũ giới thiệu những tác phẩm xuất sắc ra ngoài là rất quan trọng. Hy vọng, trong tương lai, văn chương 2 nước sẽ có cơ hội gặp gỡ nhau nhiều hơn nữa” - nhà văn Pyun Hye-Young nói.

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI