Gập ghềnh đường về nhà của học sinh TP.HCM “mắc kẹt” ở tỉnh

04/10/2021 - 13:18

PNO - Các điều kiện như giấy xét nghiệm, chứng nhận vắc-xin, thậm chí phương tiện di chuyển… trên thực tế không đơn giản với bất cứ người dân nào muốn về lại TP.HCM.

Rối vì hướng dẫn
Anh Phan Quốc Bảo (ngụ Q.Bình Tân) cho biết: “Vợ và hai con nhỏ đi nghỉ hè từ hồi tháng Năm và “kẹt” luôn ở tỉnh An Giang cho đến nay. Tôi đang nóng lòng muốn rước vợ con lên TP.HCM. Tuy nhiên, việc đáp ứng các thủ tục để “thông chốt” vô cùng khó khăn. Cái khó lớn nhất là vợ chưa tiêm mũi vắc-xin COVID-19 nào. Tôi mong được hỗ trợ, hướng dẫn chính sách tiêm ngừa tại địa phương cũng như các thủ tục, điều kiện cần thiết để trở lại TP.HCM. Ngay cả về bằng phương tiện gì thì được phép, tôi cũng đang hoang mang”.

Cũng tìm đường quay lại TP.HCM, chị Phan Thùy Tâm đang mắc kẹt ở Tuy Hòa (Phú Yên), cho hay, khi đọc văn bản khẩn hướng dẫn giao thông trên địa bàn TP.HCM do Sở Giao thông Vận tải thành phố ban hành ngày 1/10, chị càng thêm rối. “Các con có hộ khẩu ở Q.7, muốn quay trở lại TP.HCM phải có giấy khai sinh. Nhưng lúc về quê, tôi không mang theo giấy khai sinh của con. Chẳng lẽ, chỉ tôi được quay lại thành phố còn con thì không? Tôi nghĩ rằng, trẻ dưới 16 tuổi đi theo người lớn thì không cần giấy tờ chứng minh cư trú ở thành phố mới được vào thành phố”, chị Tâm nêu ý kiến.

Em Nguyễn Thiện Ân đi nghỉ hè tại Long An cùng ông bà nội và đang “mắc kẹt”  chưa về TP.HCM được - ẢNH: GIA ĐÌNH CUNG CẤP
Em Nguyễn Thiện Ân đi nghỉ hè tại Long An cùng ông bà nội và đang “mắc kẹt” chưa về TP.HCM được - ẢNH: GIA ĐÌNH CUNG CẤP

Cả ngày 3/10, anh Phạm Thành Phước (ngụ Q.10) đứng ngồi không yên khi tìm hiểu về các điều kiện, thủ tục để có thể đưa hai con nhỏ và ông bà nội về lại TP.HCM. Tìm hiểu các hướng dẫn, anh cũng lùng bùng vì không biết mình thuộc đối tượng nào, cần làm những gì để đưa người thân về nhà...

Cần sự phối hợp giữa TP.HCM với các tỉnh

Bỏ công tìm hiểu, đặc biệt là văn bản khẩn hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM mà chúng tôi đã nêu ở trên, chị Lê Nguyễn (ngụ Q.Phú Nhuận), cho rằng, muốn đưa con em từ các tỉnh về lại thành phố thì có thể lên website của sở nộp đơn xin di chuyển về TP.HCM. Đơn xin này, theo sở sẽ được xử lý trong 48 tiếng. Các phụ huynh cần chuẩn bị giấy tờ chứng minh việc mình và con em đang cư trú tại thành phố, có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ cho tất cả người di chuyển kể cả tài xế, có chứng nhận tiêm ngừa COVID-19 một hoặc hai mũi. Tuy nhiên, chị mong muốn những chính sách, thông tin hướng dẫn thiết thực cần được tóm gọn thành các bước đăng ký rõ ràng, dễ hiểu và dễ thực hiện. Ngoài ra, địa phương nơi có người dân TP.HCM đang kẹt lại có thể hỗ trợ đưa thông tin hướng dẫn để người dân làm theo. Lúc này, cần sự phối hợp giữa các tỉnh, thành với nhau để giúp các em học sinh sớm về lại thành phố.

Ông Mai Thanh Hà, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chất lượng giáo dục nghề nghiệp Đông Nam Á, cho rằng, nhiều văn bản hướng dẫn trong giai đoạn dịch bệnh chưa thoát khỏi sự rườm rà, hành chính dẫn đến khó hiểu, bất tiện cho người dân khi vận hành vào thực tế. Có thể các công văn này ban hành nhằm mục đích trao đổi giữa các cơ quan nhà nước với nhau. Nhưng rõ ràng, nhu cầu cần tham khảo của các tổ chức và cá nhân bị điều chỉnh bởi nó cũng rất lớn. Chưa kể, các nội dung nêu các điều kiện để trở lại thành phố của Sở Giao thông Vận tải mà để đáp ứng được cũng khá mệt.

Còn luật sư Phạm Văn Sơn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho hay, trong hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải ngày 1/10 thậm chí còn không đề cập người từ TP.HCM đi bốn tỉnh lân cận sẽ như thế nào nhưng báo chí mỗi báo hướng dẫn một kiểu.

Theo ông Mai Thanh Hà, TP.HCM đang mở cửa từ từ, ngoài các văn bản chỉ đạo, điều chỉnh các hoạt động xã hội cũng cần những hướng dẫn hết sức đơn giản để người dân dễ đọc, dễ hiểu và dễ thực hiện. Sở Giao thông Vận tải TP.HCM và các tổ chức liên quan nên kết hợp phần mềm phòng chống dịch để mở rộng cơ sở dữ liệu của người tham gia giao thông trong các trường hợp muốn trở về thành phố. Đừng bắt cá nhân, tổ chức phải viết lại trên các mẫu biểu giấy như thế quá bất tiện trong điều kiện dịch bệnh. Đồng thời, các tỉnh, thành cần có sự phối hợp với nhau để người dân thuận lợi trong di chuyển. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI