PNO - Thời gian qua, nhiều show, chương trình nhạc cổ điển được tổ chức. Đó là dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, để dòng chảy này phát triển, vẫn còn rất nhiều trở ngại.
Chỉ trong vài tháng qua, một loạt chương trình âm nhạc cổ điển được tổ chức. Gần đây nhất là đêm diễn của dàn hợp xướng Saigon Choir tại Nhạc viện TPHCM. Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong cũng vừa kết thúc 2 đêm diễn trong chuỗi Nghe gió kể: Symphonic Jazz, đánh dấu 20 năm hoạt động nghệ thuật.
Đêm diễn trong chuỗi Nghe gió kể: Symphonic Jazz của nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong
2 đêm nhạc trong chương trình A night of Chopin diễn ra hồi cuối tháng Mười một tại Nhà hát TPHCM, hay đêm nhạc The Recital: Thế Huy, Tenor của ca sĩ opera Thế Huy cũng là điểm nhấn đáng nhớ. Trong tháng Mười hai, đêm hòa nhạc VNSOxVYO: Family Concert diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội, với sự tham gia của dàn nhạc giao hưởng Việt Nam (VNSO), dàn nhạc giao hưởng trẻ Việt Nam (VYO), nhạc trưởng Honna Tetsuji. Từ đây đến cuối năm, sẽ còn một vài buổi biểu diễn âm nhạc cổ điển khác tại TPHCM và Hà Nội. Một số chương trình bán vé khá tốt, có chương trình vé bán hết chỉ trong 1 ngày.
Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong cho biết nhạc cổ điển vẫn là một dòng chảy âm thầm, bền bỉ, với lượng khán giả khá ổn định. Đặc biệt, việc các show diễn live phát triển mạnh thời gian qua cũng khiến các nhà tổ chức tự tin hơn. Nhạc sĩ cho rằng gu âm nhạc của khán giả trẻ ngày càng thay đổi. Họ yêu cầu chất lượng âm nhạc tốt hơn. Điều này, nhạc cổ điển có lợi thế. Vì thế, trong tương lai mảng này vẫn còn cơ hội phát triển. Nghệ sĩ Phạm Quang Thái, người đứng đầu dàn hợp xướng Saigon Choir cho biết giá vé của chương trình thấp hơn so với mặt bằng chung, tạo điều kiện cho công chúng dễ tiếp cận.
Nhiều trở ngại cần tháo gỡ
Bài toán cho sự phát triển của âm nhạc cổ điển chưa bao giờ dễ, bao gồm vấn đề con người và kinh tế. Trong Hội thảo quốc gia Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa diễn ra tại Bắc Ninh cách đây ít ngày, nhạc sĩ Quốc Trung nêu thực trạng hầu như các dự án âm nhạc chất lượng đều phụ thuộc tài trợ. Dàn nhạc giao hưởng quốc gia nhờ tài trợ nên có thể diễn đều, khán phòng kín khán giả, nhưng tỉ lệ phổ cập chưa cao. Đời sống của nhạc công còn khó khăn nên họ phải làm nhiều việc khác, khó có thể tập trung hoàn toàn cho chuyên môn của dàn nhạc.
Đêm biểu diễn gần đây của dàn hợp xướng SaiGon Choir
Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng nhân sự và tiền lương là 2 điều cần thay đổi. Ở các quốc gia có nền công nghiệp âm nhạc phát triển, nhà nước luôn có sự hỗ trợ, đầu tư… cho các sự thể nghiệm mới, gương mặt mới… Các dàn nhạc cổ điển trên thế giới được bao cấp toàn phần hay một phần thì đều có quy trình sàng lọc nhân sự hằng năm. Nhạc công phải tập luyện thường xuyên, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh. Liệu việc này có được thực hiện tại Việt Nam, khi nhạc công tốt vẫn thiếu, và những vấn đề tiêu cực như: quan hệ cá nhân, nể nang... đã trở thành thói quen. Với những đơn vị nhà nước, cơ chế hỗ trợ còn khó nên với các đơn vị ngoài nhà nước càng là bài toán khó giải.
Với Saigon Choir, chi phí chính là vấn đề trăn trở nhiều năm qua. Nhóm có nhiều tài năng trẻ, xuất thân từ Nhạc viện TPHCM. Hầu như các show diễn, tiền thu được chỉ đủ bù cho chi phí tổ chức. Các thành viên trong nhóm đều không có thù lao. Trong show diễn gần đây, dàn hợp xướng phải kêu gọi sự ủng hộ của khán giả để có đủ kinh phí tham dự Liên hoan Hợp xướng Quốc tế 2023, nhằm cọ xát, nâng cao tay nghề, đồng thời khẳng định năng lực của người trẻ Việt Nam.
Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong cho rằng để tồn tại và phát triển trong khi cơ chế hỗ trợ vẫn còn vướng mắc, việc nỗ lực tự thân là rất quan trọng. “Chúng ta nên có sự kết hợp hài hòa. Không vì tôn vinh nhạc cổ điển mà bài trừ nhạc trẻ, hiện đại. Phát triển cần sự cộng hưởng. Thị hiếu của khán giả không thể thay đổi ngay lập tức được”, anh nói.
Điển hình, trong show diễn mới nhất, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong mang những ca khúc nổi tiếng trong 20 năm làm nghề của anh như: Đôi giày vải, Dòng thời gian, Tan biến, Đường cong, Bay, Đôi mắt, Ba kể con nghe... kết hợp với jazz, dàn nhạc cổ điển. Điều này giúp nhạc cổ điển “mềm mại” hơn trong khán giả. Đồng tình quan điểm này, nghệ sĩ Phạm Quang Thái cũng mang nhiều ca khúc nhạc trẻ, nhạc đương đại nổi tiếng để dàn hợp xướng trình diễn, bên cạnh các tác phẩm kinh điển. Bởi theo anh, muốn tồn tại, phải hiểu được thị hiếu khán giả để thích nghi, dù không phải ca khúc nào cũng có thể sử dụng vào âm nhạc cổ điển.
Tuy nhiên, việc giao thoa theo nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong cũng là sự liều lĩnh. Anh nói trong show diễn vừa qua, về mặt thương mại, chưa có hiệu ứng thực sự cao. Bởi lẽ khi làm mới, khán giả ở 2 phía đều có tâm lý hoài nghi, e ngại. Nhưng điều anh có được là giúp một bộ phận khán giả có cái nhìn mới mẻ hơn về jazz, âm nhạc cổ điển. Sau show diễn, dàn nhạc đã có những lời mời biểu diễn thêm cho các sự kiện, đến từ các vị khách xem show. Với anh, đây là tín hiệu đáng mừng. Anh vẫn cố gắng đi theo con đường này, và mong trong tương lai sẽ càng có nhiều nghệ sĩ, ca sĩ cùng hợp sức, để giúp nhạc cổ điển đến gần thị trường hơn.
NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 có thêm giải thưởng cho tác giả chuyển thể là bước tiến lớn, động viên lực lượng sáng tác.