Gấp gáp lấy ý kiến thi tốt nghiệp THPT: Sao "đẩy" trách nhiệm cho phụ huynh?

28/06/2021 - 18:09

PNO - Đó là thắc mắc của rất nhiều phụ huynh khi được lấy ý kiến về việc có nên tổ chức thi tốt nghiệp THPT ngay đợt 1 khi mà tình hình dịch bệnh đang vô cùng căng thẳng.

Đầu giờ chiều ngày 28/6, nhiều phụ huynh có con đang học lớp 12 tại TPHCM bất ngờ nhận được thông báo khảo sát ý kiến về việc có nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT vào ngày 7 và 8/7 hay không.

Trong phiếu khảo sát, phụ huynh phải lựa chọn 1 trong 3 phương án: yên tâm và đồng ý cho con thi, không yên tâm nhưng vẫn đồng ý, không yên tâm và không đồng ý.

Hạn chót để phụ huynh đưa ra ý kiến là 19g hôm nay.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Chị N.T.T Tâm (quận 8) nêu quan điểm: "Một chuyện quan trọng như thi hay không thi giữa mùa dịch sao có thể lấy ý kiến một cách gấp gáp, vội vàng như vậy? Đó là chưa kể, người dân như chúng tôi không có đầy đủ dữ liệu để đánh giá, phân tích tình hình để đưa ra quyết định cho việc này. Phụ huynh còn lo làm ăn kiếm sống, hơn nữa, với trình độ hiểu biết khác nhau, tiếp cận thông tin khác nhau sẽ dẫn đến tình trạng chín người mười ý. Ý kiến của phụ huynh chỉ mang tính tham khảo, không thể là căn cứ để đưa ra quyết định thi thời điểm nào là an toàn và phù hợp. Tôi nghĩ ngành giáo dục và y tế phải đưa ra câu trả lời cho việc này".

Anh Văn Thanh, có con đang học lớp 12 tại quận 1, cũng đồng nhận định: "Quyết thi hay chưa thi trong mùa dịch không phải là câu hỏi mà phụ huynh có thể trả lời. Tôi nghĩ, thay vì "đẩy" cho phụ huynh, nhà quản lý nên đưa ra quy định, chính sách".

Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) cho biết: "Suốt thời gian qua theo dõi diễn biến dịch bệnh ở TPHCM, tôi rất lo lắng vì mỗi ngày qua số ca lây nhiễm tăng, mà chủng virus này rất nguy hiểm. Tôi nghĩ chúng ta nên lùi kỳ thi tốt nghiệp THPT lại đợt 2 vì có nhiều khó khăn và phức tạp khi tổ chức: giải quyết thế nào về vấn đề ăn, chỗ ở cho hàng ngàn thí sinh tư thục đang ở quê lên thành phố. Nếu tổ chức thi thì công tác tầm soát cho gần 100.000 thí sinh và cán bộ coi thi không hề đơn giản về thời gian và kinh phí. Nếu tầm soát sớm ngày thi thì nguy cơ lây bệnh bên ngoài khó kiểm soát, hậu quả khó lường".

Rất nhiều nhà sư phạm lẫn phụ huynh cho rằng các ngành chức năng nên tham mưu lùi thời gian tổ chức kỳ thi vào đợt 2 khi tình hình dịch bệnh lắng xuống. Ở thời điểm này, khi công tác phòng chống dịch đang là vấn đề cấp bách, việc "ôm" thêm kỳ thi với hơn 100.000 con người trực tiếp tham gia công tác thi (chưa kể lực lượng gián tiếp) rất dễ dẫn đến quá tải. 

Nguy cơ dịch bệnh lây lan khi tụ tập đông người là điều rất dễ nhìn thấy, rủi ro càng tăng khi tổ chức kỳ thi với hơn 100.000 người. Trong khi đó, nếu lùi kỳ thi đến thời điểm thi đợt 2, năm học bắt đầu muộn hơn một chút cũng không hề ảnh hưởng, trường đại học vẫn sẽ chờ thí sinh của đợt 2. Từ đó, câu hỏi được đặt ra là, vì sao phải thi "đúng lịch" khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và sự lo lắng phụ huynh lẫn thí sinh đều rất cao?

Thanh Thanh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI