Gặp duối như gặp lại tuổi thơ

06/02/2023 - 18:59

PNO - Giờ duối không còn nhiều như xưa, nhiều tường bê tông mọc lên nên đi đâu thấy duối là mừng như gặp lại tuổi thơ.

Quê tôi xưa nhiều duối. Duối trồng hàng rào, cổng ngõ, mọc hoang ngoài đồng, bãi, đống, gò. Đất quê - những nơi khô hạn cằn cỗi - ngoài lùm bụi, gai góc không tên, chỉ cây duối là sống nổi. Lạ lùng, trong đám cây chịu hạn, chịu cằn ấy, to khỏe nhất là cây duối; nhưng “hiền lành” nhất cũng lại là cây duối.

Duối có thể tạo thành hình khối rất đẹp
Duối có thể tạo thành hình khối rất đẹp

Đám cây dại - chắc do điều kiện sinh tồn khắc nghiệt - nên đa phần chúng có bề ngoài rất “hung dữ”: gai góc tua tủa hoặc thân mọc đầy lông lá; người, súc vật cố ý (hay vô tình) xâm phạm sẽ lập tức bị xước da chảy máu hoặc ngứa ngáy cùng mình.

Duối thì không, trơn tru từ thân tới cành, lá hơi nhám nhưng động vật vẫn ăn được, không hề có độc chất gây ngứa. “Vũ khí tự vệ” duy nhất của duối chỉ là tấm thân “cổ thụ” to khỏe với chiếc rễ cọc cắm sâu giữ cho cây luôn đứng vững trước gió bão và sự phá phách của con người. Còn nữa: hệ thống cành nhánh chi chít dẻo dai đan bện nhau, biến cả tàn cây thành “tấm phên duối” vững chãi xô không đổ, bứt không rời. Lợi dụng tính chất này nên người ta đem duối trồng làm hàng rào, cổng ngõ.

Tàn duối mọc ra được chủ nhân cắt, gọt, uốn, ép theo những khuôn hình tùy ý rất đẹp. Lá duối nhỏ, bốn mùa mướt xanh, mọc nhanh phủ kín các cành con bị uốn, ép tạo nên “tấm thảm xanh” bằng chặn phủ lên các khối, các hình. Trông xa, những tàn duối kia giống… công trình kiến trúc hơn cây cảnh, rất khéo! Ngày tôi còn nhỏ, cái hàng rào duối trước nhà được ba tôi cắt gọt thường xuyên thành hình khối chữ nhật, mặt trên bằng phẳng.

Những khi ba vắng nhà, bọn trẻ chúng tôi nghịch ngợm bắc ghế leo lên… nằm dài trên mặt rào, vùng vẫy lung tung mà cái hàng rào vẫn không suy suyển. Cành duối nhỏ ken dày đỡ dưới lưng, chẳng êm ái mấy, nhưng nằm được mà không rơi đủ thấy hay ho lắm rồi.

Ngày ấy, chúng tôi thường trốn nắng quanh các gốc duối cổ thụ mọc hoang. Tàn cây rợp mát nên dưới gốc cỏ không mọc, làm nơi bày trò chơi hay ăn uống rất tiện. Không riêng người, lũ bò no cỏ cũng thèm các gốc duối. Nơi ấy, chúng có thể cọ mình sồn sột vào thân hoặc tàn cây để… gãi ngứa; xong nằm ườn dưới bóng mát lim dim nhai lại. Tạp ăn hơn, chúng có thể bứt dăm đọt duối non nhai đỡ buồn.

Vào đầu thu là mùa duối ra hoa, đậu trái. Trái duối nhỏ như hạt lựu nhưng lúc chín vàng ăn rất ngọt. Đương nhiên với lũ trẻ quê háu ăn, ấy là mùa những cây duối được “chăm” kỹ nhất. Rảnh ra lại đi tìm duối chín - hết duối rào nhà tới duối mọc hoang. Suốt ngày chui lủi, vạch lá vạch cành mà nghiêng ngó, săm soi.

Ăn ngon đã đành, đi săn duối chín cũng như… chơi trốn tìm: những trái duối nhỏ xíu, rất chi khó thấy giữa cành lá đan xen. Tìm được là nhí nhố hò reo, tít mắt cười khoe trái duối chín mọng vàng như “nhem thèm” đối phương trước khi lia vào miệng. Vui nhiều, buồn cũng không ít khi đông tàn là mùa duối cũng tàn, lại ngong ngóng chờ mùa duối năm sau.

Giờ duối không còn nhiều như xưa, nhiều tường bê tông mọc lên nên đi đâu thấy duối là mừng như gặp lại tuổi thơ. 

Y Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI