Gấp được thì gấp

03/03/2024 - 06:38

PNO - Gấp ở đây không có nghĩa là gấp gáp hay vội vã mà là gấp (hay gập) lại được.

Dân châu Á từ xưa vốn thích con cái đông đúc, lại thích sống quần tụ quanh làng xóm để bảo vệ lẫn nhau nên nhà thường nhỏ gọn. Nhà nhỏ, người lại đông nên đồ đạc nhiều, choán diện tích sống. Thế là trong cuộc sống xuất hiện những món đồ “gấp được thì gấp”, tức là khi dùng thì mở ra, không dùng thì gấp gọn lại đem cất. Dần dần, hình dạng đồ vật thay đổi, hình thành những kiểu dáng mới từ sự tính toán hướng đến sự tiện lợi này.

Bàn xếp
Bàn xếp

Khi sang đảo Sentosa bên Singapore, vào một bảo tàng dựng những mô hình về đời sống của người dân Singapore trong quá khứ, tôi xúc động khi nhìn thấy mô hình một gia đình ngồi quanh cái bàn xếp tròn. Loại bàn bằng gỗ này rất phổ biến ở miền Nam cách nay nửa thế kỷ. Mặt bàn là một miếng ván hình tròn được cắt ra thành 3 mảnh, mảnh dài ở giữa, 2 cánh 2 bên được gắn lại với nhau bằng các bản lề sắt nhỏ. Chân bàn có bộ khung ở giữa đỡ mảnh dài, gắn với 2 khung gỗ có thể xếp lại ép sát vào khung giữa, được mở ra khi cần đỡ phía dưới 1 hoặc cả 2 cánh bàn 2 bên khi cần.

Nhờ kết cấu đó, bàn có thể chỉ dùng 1 mặt giữa, thêm 1 hoặc 2 cánh 2 bên. Nhà tôi cũng có 1 cái bàn giống hệt vậy, thường xếp 1 cánh bên trong ép sát vào tường, cánh bên ngoài xếp lại cho gọn. Mặt chính đặt ấm trà, bình thủy và khay đựng ly tách. Buổi sáng, ba tôi mở cánh ngoài, đặt phin lên mặt để pha cà phê. Sau khi ngồi ăn sáng uống cà phê, ông xếp cánh bàn lại gọn ghẽ để không choán chỗ căn phòng ăn nhỏ. Chỉ khi nhà có giỗ, bàn mới được mở ra cả 2 cánh thành hình tròn để cả nhà 8 người ngồi xung quanh. 

Khi căn nhà cũ của ba má được bán đi, tôi xin anh chị cho phép giữ cái bàn này dù không biết để làm gì. Dù sao, nó là kỷ niệm của gia đình tôi đã được lưu giữ hơn 70 năm. Mặt bàn lên nước bóng lưỡng vì lau chùi mỗi ngày. Chân bàn sạm đi vì bụi đóng qua thời gian, có mùi đặc trưng của gỗ cũ. Nơi chiếc bàn đó, ba mẹ và ông anh đã khuất núi của tôi từng ngồi uống cà phê. Đó cũng là nơi cả gia đình tôi quây quần ăn cơm mấy chục cái tết, giữa mùi nhang trầm tỏa ra từ bàn thờ trước phòng khách.

Đèn xếp
Đèn xếp

Nhìn lại cuộc sống đời thường bao năm qua, tôi thấy có những món đồ được thiết kế để gấp lại, cất đi và mở ra để không chiếm diện tích. 

Đó là cái quạt xếp. Má tôi thích những chiếc quạt xếp giấy màu tím có trổ những chấm thành hình hoa văn mà bà mua ở tiệm của những người Bắc trên đường Lê Thánh Tôn. Thỉnh thoảng, tôi thấy ở mấy ngôi chợ gần nhà bày bán những cái quạt bằng mo cau, bằng lá cọ, bằng tre, bằng lá dừa nhuộm màu… Những cái quạt đó xinh xắn và luôn gợi nhớ một ký ức xưa cũ nào đó nhưng chỉ tiện dùng khi ở nhà vì hình dáng tròn rộng. Khi đi coi cải lương, má tôi đặt cái quạt xếp vào túi xắc đeo ở vai, đến rạp mở ra phe phẩy. Đến đoạn tài tử diễn hay hát hay quá, nhiều bà kẹp tờ tiền vào cây quạt xếp và quăng ào ào lên sân khấu, coi như thưởng cho nghệ sĩ. 

Đó là cái ghế bố xếp, thực chất là một cái giường xếp dài khoảng 1,8m, ngang khoảng 1,2m. Khi má tôi sinh thêm 1 đứa, ba tôi chuyển sang ngủ trên ghế bố cạnh giường má. Cái ghế bố có khung làm bằng gỗ, kết cấu gồm 2 thanh dài đặt song song, đầu 2 thanh này gắn với một đôi thanh gỗ bắt chéo nhau ở giữa bằng bù lon. 2 thanh chính được lợp vải bố dày, rất chắc.

Ban đêm, ba ngủ trên cái ghế bố và buổi sáng xếp lại, đặt sát vào vách tường, trả lại sự thông thoáng cho căn phòng. Hôm nào xóm bị cúp điện, chúng tôi khiêng ghế bố ra sân, cả đám con nít nằm trên đó hát nghêu ngao. Khi tôi lớn lên, khu Dân Sinh ở quận 1 bán loại giường xếp bằng khung nhôm của Mỹ, nhỏ gọn hơn và thấp hơn, dành cho quân đội. Những người làm việc phải trực đêm thích loại này vì gấp lại rất gọn.

Cà mèn
Cà mèn

Hồi tôi còn nhỏ, gắn bó nhất là cái lồng đèn xếp. Lồng đèn giấy bóng kiếng đủ màu xanh đỏ căng bóng, khi thắp đèn càng lung linh… nhưng tôi luôn thích cái lồng đèn xếp chân chất và hiền lành. Không biết vì sao người lớn thường cho con nít nhỏ chơi lồng đèn xếp, con nít lớn hơn mới được chơi lồng đèn khung tre giấy kiếng. Có lẽ vì lồng đèn xếp rẻ tiền hơn trong khi nó dễ cháy, nhất là những lồng đèn nhỏ vì ngọn lửa đèn khá sát thành đèn. Chỗ cắm đèn cầy của loại đèn này thường bằng mảnh nhôm khoanh lại, cạn lòng nên cây đèn cầy đặt vào đứng không vững, dễ bị nghiêng và làm cháy thân đèn. Ở nhà tôi, khi mua đèn xếp về, ông anh luôn gia cố chỗ ống cắm đèn, còn dạy các em sau khi cắm đèn thì kéo thành đèn lên thật thẳng. Loại đèn xếp này in hình rất đẹp: cảnh vua Đường Minh Hoàng oai vệ, Hằng Nga múa cùng cung nữ, Thỏ Ngọc nấu thuốc, khi ánh đèn chiếu qua trông rất lung linh. Hết mùa Trung thu, đèn xếp được cất vào tủ gọn ghẽ trong khi cái lồng đèn khung tre bị quăng vào góc, bị gián nhấm, sau đó đem bỏ.

Đến khi lớn lên, tôi làm quen với những tấm bản đồ đường phố Sài Gòn - Gia Định rộng dài cả mét gấp lại rất gọn, chỉ để trong lòng bàn tay. Người tứ xứ về Sài Gòn học nghề, học đại học hay đi làm ăn thích loại bản đồ này, của Nhà xuất bản Mặc Lâm là phổ biến. Hồi chưa có internet, điện thoại di động và Google Maps, tôi thường có một bản đồ loại này trong túi xách khi đi làm báo, cần tìm đường đến một vùng lạ thì mở ra. Còn vào dịp tết, khi tôi mua về 1 chậu mai, ba tôi lấy từ gầm giường ra 1 khung gỗ gồm nhiều nhánh. Khi ông mở ra, đó là cái đế bằng gỗ khá đẹp để đặt chậu cây. Kết cấu của nó gồm 2 nhánh chính và 4 nhánh phụ bắt vào nhau bằng những cái bản lề sắt. Khi xếp lại, nó khá gọn ghẽ, các nhánh phụ ép sát 2 bên còn lúc mở ra, nó trở thành cái đế gỗ oai vệ có thể chịu lực 1 bình hoa nặng đặt bên trên.

Tôi nghĩ cái gàu-mên (có nơi gọi là cà mèn) cũng là một món trong nhóm đồ vật gấp lại thì nhỏ và mở ra thì lớn rất tiện lợi cho cuộc sống đến khi các shipper giao đồ ăn xuất hiện. 

Quạt xếp
Quạt xếp

Theo tài liệu, cái quạt xếp xứ ta xuất phát từ nước Nhật rất sớm, từ thế kỷ XII xuất khẩu sang Trung Quốc và dần lan sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Tôi đọc được một bài viết về một số đồ vật của Nhật “gấp lại thì nhỏ mở ra thì lớn” và họ xem đó là một thứ văn hóa sống. Nhờ vậy, họ sáng chế ra hộp đựng nghiên mài mực, cọ, thỏi mực và ống nhỏ giọt nước, dao cắt xén giấy, dùi… - tất cả trong một cái hộp. Hoặc những tấm vách ngăn phòng (byoubu) gấp lại được, các hộp sơn mài lồng vào nhau, hộp cơm trưa lồng vào nhau…

Ý tưởng này đạt đỉnh cao khi họ mô phỏng kỹ thuật gấp giấy origami thiết kế ăng ten parabol trên một vệ tinh thiên văn. Cái ăng ten này có đường kính 10m, thật khó khi đưa vào không gian một vật lớn như vậy. Cuối cùng, họ gấp nhỏ nó và phóng vào không gian, sau đó bung ra trở lại hình dáng ban đầu. Hoặc một nhà nghiên cứu Đại học Oxford và các đồng nghiệp đã phát triển ống thông tim bằng vật liệu nhựa. Ống được xếp đặt đủ nhỏ để đưa vào cơ thể bệnh nhân và khi đến đúng vị trí, nó có thể được thổi phồng để mở động mạch. 

Cuộc sống muốn phát triển tốt hơn cần những sáng chế lớn và cả những cải tiến nhỏ. Những món đồ “gấp lại thì nhỏ” nói trên là những cải tiến đáng quý và từ lâu đã giúp cuộc sống chúng ta trở nên nhẹ nhàng hơn.

Phạm Công Luận - Nguồn ảnh: Internet

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI