Gặp ‘cha đỡ đầu’ chiến dịch giải cứu thần kỳ đội bóng Thái Lan

11/07/2018 - 09:00

PNO - Vị bác sĩ gây mê người Australia Richard Harris và cũng là thợ lặn đầy kinh nghiệm chuyên thực hiện nhiệm vụ trong hang nước sâu xứng đáng được gọi là “cha đỡ đầu” của chiến dịch giải cứu đầy thách thức.

Quyết định sống còn: Đưa nạn nhân khỏe ra trước

Chiến dịch tìm kiếm và giải cứu đội bóng “Lợn Hoang” hoàn thành sau 18 ngày kể từ lúc các thành viên mắc kẹt trong hang Tham Luang.

Ở thời điểm các chuyên gia, lực lượng cứu hộ tìm thấy nhóm cầu thủ, chính quyền Thái Lan thận trọng tuyên bố vẫn còn chặng đường rất dài. Đó là đưa tất cả ra khỏi hang. Nhiệm vụ đầy cam go trong điều kiện các cầu thủ không biết bơi, sức khỏe chưa chắc đảm bảo cho việc tiếp nước, lặn cùng thợ lặn chuyên nghiệp.

Khi mọi người chưa biết phải làm sao thì đội thợ lặn từ Anh – những chuyên gia vạch đúng chiến lược tìm ra được 13 nạn nhân đã yêu cầu phải lên tiếng nhờ ngay hỗ trợ từ bác sĩ Richard Harris. Với họ, ông là “vị cứu tinh” có những kỹ năng cùng bản lĩnh hiếm có có thể chỉ ra đúng lộ trình, đưa tất cả nạn nhân ra ngoài.

Richard Harris không chần chừ, hoãn ngay kế hoạch đi lặn ở Nullarbor Plain, có mặt ở Chiang Rai, tiến vào hang Tham Luang và tiếp cận các nạn nhân.

Gap ‘cha do dau’ chien dich giai cuu than ky doi bong Thai Lan
Bác sĩ Richard Harris là “vị cứu tinh” có những kỹ năng cùng bản lĩnh hiếm có, có thể vạch đúng lộ trình đưa tất cả nạn nhân ra ngoài.

Ông đánh giá tình hình sức khỏe ban đầu, liên tục theo dõi nhịp thở, các biểu hiện bên ngoài của 12 cầu thủ cùng HLV. Quan trọng nhất, ông đã cận kề bên họ, làm tất cả những gì mình có thể duy trì sức khỏe cho 13 nạn nhân.

Những góp ý chuyên môn của bác sĩ Richard Harris đã được chuyển đến chỉ huy chiến dịch giải cứu Narongsak Osottanakorn. Cộng với với đánh giá tình hình thời tiết, tỉnh trưởng Narongsak Osottanakorn quyết định tiến hành đưa nạn nhân ra khỏi hang sáng 8/7.  

Hầu hết mọi người thuộc lực lượng cứu hộ và theo dõi chiến dịch đều đinh ninh đội cứu hộ sẽ đưa nạn nhân yếu nhất ra trước.

Nhưng không, bác sĩ Richard Harris ra quyết định bất ngờ: đưa người có sức khỏe ổn định ra đầu tiên. Ông đã đúng. Tất cả diễn ra thuận lợi ngoài sức tưởng tượng.

Chiến dịch giải cứu kết thúc khi cả 13 nạn nhân được đưa ra ngoài hang an toàn, bác sĩ Richard Harris là người cuối cùng rút khỏi hang, để rồi ít giờ sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông nhận được tin cha ông đột ngột qua đời ở quê nhà...

Người hùng có tấm lòng nhân ái

Gap ‘cha do dau’ chien dich giai cuu than ky doi bong Thai Lan
Bác sĩ đến từ thành phố Adelaide, bang South Australia có kinh nghiệm lặn hơn 30 năm.

Nhiệm vụ ở hang Tham Luang không phải là nhiệm cứu người từ hang sâu đầu tiên mà bác sĩ Richard Harris đảm nhận.

Năm 2011, ông từng thực hiện nhiệm vụ vô cùng khó khăn, tìm và đưa ra ngoài thi thể cô bạn Agnes Milowka. Cô tử vong vì cạn kiệt dưỡng khí khi kẹt trong hang Tank ở núi Gambier.

Bác sĩ Richard Harris khi ấy cùng nhóm thợ lăn chuyên nghiệp đã hỗ trợ cảnh sát đưa thi thể Agnes vượt chặng đường 8km hiểm trở của hang Tank để ra ngoài.

Trong giới thợ lặn chuyên nghiệp, cô Agnes Milowka khá nổi tiếng vì cô là cộng sự thân thiết của đạo diễn James Cameron khi thực hiện phim “Sanctum” (Hang động tử thần).

Gap ‘cha do dau’ chien dich giai cuu than ky doi bong Thai Lan
Trong nhiệm vụ ở hang Tham Luang lần này, bác sĩ Richard Harris đã “đánh cược” mạng sống để vào sâu trong hang và ở lại cùng cả đội bóng.

Bác sĩ Bill Griggs, người từng làm việc cùng bác sĩ Richard Harris tại Đơn vị hỗ trợ y tế khẩn cấp bang South Australia nói về người đồng nghiệp:

“Để trở thành thợ lặn chuyên nghiệp trong hang sâu, bạn cần phải chú tâm vào từng chi tiết, thật tỉ mỉ và thận trọng. Richard đáp ứng yêu cầu này. Ngoài ra, ông còn là một bác sĩ rất giỏi. Đó là lý do ông có mặt ở hang Tham Luang”.

Thiên Anh (Theo Stuff, ABC, Bangkok Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI