Gạo Việt Nam xuất khẩu đi Trung Quốc bị trả về

24/06/2019 - 16:20

PNO - Nhiều lô gạo của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị trả về trong thời gian gần đây.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2019 xuất khẩu gạo đạt 2,76 triệu tấn, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2018, giá trị đạt khoảng 1,18 tỷ USD, giảm 20,4 so với cùng kỳ 2018.

Đại diện Bộ Công Thương cho hay, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2019 gặp nhiều diễn biến bất lợi về thị trường. Ngoại trừ thị trường Philippines, các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như: Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đều đồng loạt giảm nhập khẩu. 

Gao Viet Nam xuat khau di Trung Quoc bi tra ve
Xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2019 sụt giảm

Đồng thời, sự sụt giảm nhập khẩu cùng lúc từ 3 thị trường đã làm cho kết quả xuất khẩu của những “ông lớn” trong ngành xuất khẩu lúa gạo được đánh giá ngang tầm với Việt Nam là Ấn Độ và Thái Lan đều ảm đạm.

Đối với Việt Nam, cùng kỳ 5 tháng đầu năm 2018 xuất khẩu sang 3 thị trường trên đạt 1,44 triệu tấn thì năm 2019 chỉ 239 nghìn tấn (giảm hơn 83% so với cùng kỳ năm 2018). Đối với Thái Lan, tổng xuất khẩu sang ba thị trường trên cũng sụt giảm 71,6% so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo trong năm 2019, với những lý do như tồn kho vụ cũ cao ở Trung Quốc, bầu cử ở Indonesia hay khôi phục sản xuất sau lũ lụt ở Bangladesh… tình hình xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm.

Đánh giá về nguyên nhân khiến các mặt hàng gạo của Việt Nam sụt giảm về sản lượng lẫn giá trị. Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, tiêu thụ gạo chất lượng trung bình và thấp giảm do không có nhu cầu mua từ các thị trường Philippines, Indonessia và bangladesh. Ngoại trừ sự tăng trưởng của thị trường chính Malaysia với nguyên nhân chủ yếu do giá gạo Việt Nam rơi xuống mức thấp (335-340 đồng/kg), cạnh tranh tốt so với Thái Lan. 

Riêng đối với thị trường Trung Quốc, tuy quota (hạn ngạch) nhập khẩu gạo năm 2018 từ Việt Nam vẫn như mọi năm là 5,320 triệu tấn cho cả gạo hạt ngắn và dài với thuế suất chưa thay đổi so với năm 2018. Song sản lượng gạo xuất khẩu của nước ta vào thị trường này tiếp tục sụt giảm mạnh do nhu cầu đối với gạo Việt Nam giảm và những thay đổi trong chính sách kiểm tra, thông quan của Trung Quốc. Những thay này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà xuất khẩu.

"Cụ thể, truy xuất nguồn gốc xuất xứ để kiểm tra từng doanh nghiệp xuất khẩu có vượt quá năng lực sản xuất đã đăng ký với tổng cực chất lượng AQSIQ hay không; thời gian khử trùng, sản xuất có phù hợp và đúng theo quy định với thời gian xuất hàng hay không; quay các đóng gói bao bì, thông tin trên bao bì có khớp với yêu cầu xuất nhập khẩu của hải quan Trung Quốc không…", bà Tâm dẫn chứng.

Nhiều lô gạo Việt Nam nhập vào Trung Quốc bị trả về với lý do chất lượng không đảm bảo, nhiều công ty Trung Quốc e dè nhập khẩu vì gạo Việt khó thông quan làm xuất khẩu gạo Việt vào Trung Quốc giảm mạnh.

Theo VFA, trên thực tế riêng với gạo Việt các công ty Trung Quốc đều e dè nhập vì khó thông quan (tuy không có văn bản cụ thể nào của Trung Quốc về việc siết chặt chất lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam).

Cuối năm 2018 có 2 lô gạo Việt đã bị trả về tại Cảng Hoàng Phố và 2 lô không được thông quan tại cảng Thẩm Quyến, nguyên nhân là do chất lượng gạo không đủ đáp ứng tiêu chuẩn nhập của Trung Quốc. Từ đầu năm đến nay vẫn có một vài công ty nhập khẩu với số lượng nhỏ để thăm dò tình hình, với cảng đến chủ yếu từ phía Bắc và Tây Bắc Trung Quốc.

“Nguyên nhân chính của việc giảm nhu cầu nhập khẩu song song với việc thắt chặt chất lượng gạo nhập khẩu có thể xuất phát từ việc thay đổi chính sách nhập khẩu sang hướng xuất khẩu để giải phóng lượng gạo tồn kho không lồ của nước này”, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch VFA cho biết thêm.

Ngoài ra, đại diện Hiệp hội lương thực Việt Nam cũng đưa ra kiến nghị trong tình hình sụt giảm toàn thị trường như hiện nay không chỉ riêng Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác. Để không “lúng túng” khi giá gạo thế giới thay đổi đột biến, doanh nghiệp xuất khẩu gạo nên chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, đặc biệt trong vụ Hè – Thu sắp tới để đề phòng tình trạng khan hiếm gạo sẽ đẩy giá lên cao.

Gao Viet Nam xuat khau di Trung Quoc bi tra ve
Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị sơ kết xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2019 Ảnh: Quốc Thái

Liên quan đến thực hiện vệ sinh cơ sở chế biến, nhiều doanh nghiệp gặp phải vấn đề khó khăn với khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục Trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, không chỉ riêng gạo mà các mặt hàng nông sản, thuỷ hải sản khác cũng yêu cầu khắc khe về vấn đề này. Phía Trung Quốc yêu cầu cụ thể vùng trồng, đánh bắt, sau đó báo cáo với cơ thẩm quyền Việt Nam rồi cung cấp cho Hải quan phía Trung Quốc.

"Riêng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đại diện bộ Nông nghiệp đề nghị các doanh nghiệp phải thực hiện đảm bảo việc vệ sinh các cơ sở chế biến, cũng như minh bạch trong năng lực sản xuất", ông Hoà cho biết.

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo phải có sự linh hoạt cao độ trong đi tìm thị trường mới để thay thế những thị trường giảm nhập khẩu. Cơ cấu gạo xuất khẩu cũng thay đổi để thích nghi với thị trường mới. Hướng đến mục tiêu cơ bản nhất là thông qua xuất khẩu, hỗ trợ tiêu thụ hết lúa hàng hóa cho nông dân với mức giá có thể bảo đảm lợi ích cho nông dân.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI