Gạo TBR39 soán ngôi ST25 trở thành gạo ngon nhất Việt Nam

04/11/2022 - 15:20

PNO - Vượt qua 8 mẫu gạo thơm tại cuộc thi Gạo ngon Việt Nam 2022, gạo TBR39 giành ngôi vị cao nhất từng thuộc về gạo ST25 trước đó.

 

Giải Nhất cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần thứ III năm 2022 thuộc về gạo TBR39 của Tập đoàn Thái Bình Seed (tỉnh Thái Bình)
Ban tổ chức trao giải Nhất cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần thứ III năm 2022 cho đơn vị sở hữu loại gạo TBR39

Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần thứ III năm 2022 do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cùng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Báo Nông thôn Ngày nay đồng tổ chức ngày 4/11.

Giải Nhất cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần thứ III năm 2022 thuộc về gạo TBR39 của Tập đoàn Thái Bình Seed (tỉnh Thái Bình). Giải Nhì được trao cho gạo ST24 của DNTN Hồ Quang Trí. Giải Ba thuộc về Lộc Trời 28 của tập đoàn Lộc Trời.

Đây là 3 loại gạo sẽ đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi Gạo ngon thế giới được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị gạo thế giới lần thứ 12 sắp tới.

Về nếp, giải Nhất thuộc về nếp A Sào của Tập đoàn Thái Bình Seed. Giải Nhì thuộc về giống nếp của Viện lúa đồng bằng Sông Cửu Long. Giải Ba tiếp tục thuộc về Tập đoàn Thái Bình Seed với giống nếp TBR78.

Theo Ban tổ chức (BTC), cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần thứ III năm 2022 có 6 đơn vị tham gia dự thi với 8 mẫu gạo thơm và 4 mẫu gạo nếp. Các giống gạo tham gia cuộc thi phải được tạo tại Việt Nam, đã được lưu hành hoặc đã được gửi đi khảo nghiệm quốc gia tối thiểu 1 vụ tại 1 trong 4 trung tâm khảo kiểm nghiệm giống cây trồng trên phạm vi cả nước.

“3 tiêu chí để xác định loại gạo ngon nhất là đánh giá mẫu trước khi nấu, sau khi nấu và thuyết minh đặc tính của gạo. Yêu cầu gạo trước khi nấu phải có độ đồng đều, màu sắc. Gạo sau khi nấu thành cơm phải có độ trắng, mùi thơm, độ dẻo, độ ngọt, độ thuần và giữ nguyên hạt. Trên thang điểm 100, mẫu gạo sau khi nấu chiếm đến 75 điểm”, đại diện BTC cho hay.

… Đại diện ban giám khảo cho biết các thành viên trong ban đã thử nhiều mã gạo (gạo được mã hóa thành các con số), xác định mùi vị, độ dẻo, độ ngọt và rất đắn đo để đưa ra kết quả khách quan nhất.
Đại diện ban giám khảo xác định mùi vị, độ dẻo, độ ngọt của gạo, nếp sau khi nấu để đưa ra kết quả khách quan nhất

Ban giám khảo cuộc thi gồm đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các đầu bếp thuộc Hội Đầu bếp Việt Nam, đại diện Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Nam Bộ… Đại diện ban giám khảo cho biết các thành viên trong ban đã thử nhiều mã gạo (gạo được mã hóa thành các con số), xác định mùi vị, độ dẻo, độ ngọt và rất đắn đo để đưa ra kết quả khách quan nhất.

Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết kết quả đạt được tại các cuộc thi quốc tế đã gây tiếng vang cho hạt gạo Việt khi gạo Việt Nam được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới. Kết quả đó cũng đã khẳng định thành tựu của ngành nông nghiệp, sản xuất lúa gạo của Việt Nam. Cuộc thi năm nay nhằm chọn các chủng loại gạo thơm và gạo nếp với các đặc tính ưu việt, ổn định, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam đồng thời để giới thiệu đến cộng đồng quốc tế.

Cuộc thi tạo sân chơi lành mạnh, giúp các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp, cá nhân, các nhà khoa học nghiên cứu, sản xuất, lai tạo các giống lúa cùng nhau phát triển và hoàn thiện hơn. Đồng thời, đây là cầu nối, liên kết giữa các bên tham gia cuộc thi hình thành mối liên hệ bền vững hỗ trợ nhau trong quá trình nghiên cứu sáng tạo trong tương lai.

Theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), trong 20 năm trở lại đây, người dân nói chung và người tiêu dùng nói riêng có xu hướng chuyển từ đủ ăn sang ăn ngon hơn, chất lượng tốt hơn. Việc chọn tạo giống lúa tốt với sự tham gia của các đơn vị, Viện lúa sẽ góp phần cải thiện bộ mặt lúa gạo Việt Nam trong nước và thế giới cũng như tiếp cận các thị trường, quảng bá lúa gạo Việt Nam.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI