'Gạo nếp gạo tẻ': Càng xem càng... tức

05/08/2018 - 18:19

PNO - Phim là phim. Đời là đời. Thế mới bực. Càng xem càng thêm bực, thêm tức.

Từ lâu, tôi không xem những bộ phim tâm lý tình cảm Việt Nam phát trên truyền hình. Đơn giản chỉ vì trong đầu đã chủ quan mặc định rằng, chúng chỉ là… vở kịch dài tập, nhân vật di chuyển từ “trong nhà” ra “ngoài phố”; các tình huống lẫn lời thoại chẳng có gì hấp dẫn khi không có các kỹ xảo, yếu tố điện ảnh cần thiết để làm nên một bộ phim.

'Gao nep gao te': Cang xem cang... tuc
Nhiều tình huống trong Gạo nếp gạo tẻ khiến khán giả phát bực, để rồi... mong ngóng xem phim

Tôi biết mình chủ quan, nhưng một khi đã nghĩ thế, thật khó thay đổi. Rồi cũng đến lúc phải thay đổi, khi tôi tình cờ xem bộ phim Gạo nếp gạo tẻ trên YouTube. Từ chỗ xem “nhảy cóc”, tôi bắt đầu tìm xem lại, theo thứ tự từng tập. Và càng xem tôi càng… thấy tức.

Đại khái, trong ngôi nhà nọ, có gia đình ba thế hệ chung sống. Bà mẹ (chưa già lắm) cùng con trai út độc thân ở chung với gia đình con trai lớn. Con trai lớn là giáo viên, đạo mạo, có một vợ, bốn con. Ngoài con gái thứ ba từng làm bác sĩ, cậu út còn đi học thì hai cô con gái lớn đã có chồng con và ở riêng. Về sau, do chồng làm ăn thua lỗ, phá sản nên gia đình con gái thứ hai dọn về ở chung, bắt đầu cho những rắc rối.

Tóm tắt như thế để thấy rằng, mọi thứ vốn đơn giản, bình thường như mọi nếp nhà khác. Nhưng đạo diễn làm thế nào để "phù phép" tới vài chục tập mà vẫn giữ chân được người xem? Có nhiều cách lý giải, mà theo tôi là thủ pháp cố tình đẩy tính cách nhân vật lên quá mức, khó chấp nhận, khiến người xem phải bực mình. Vì bực mình mà phải... ngóng chờ xem các tập kế tiếp.

Khi con rể là Kiệt (Trung Dũng) - chồng của Hân (Lê Huỳnh Thúy Ngân) đang ăn nên làm ra thì bà Mai (Hồng Vân, vai mẹ vợ Kiệt) săn đón, nịnh nọt, nhưng khi Kiệt sa cơ, bà lập tức quay mặt, khinh thường Kiệt qua nhiều tình huống khó tưởng tượng nổi. Bà ghét cay ghét đắng cô con gái đầu - Hương (Lê Phương) vì “ăn cơm trước kẻng” với Công (Nguyễn Hoàng Anh).

Bà cưng chiều cô thứ hai là Hân (Lê Huỳnh Thúy Ngân) một cách mù quáng. Ngay cả lúc Hương mua trả góp được căn hộ chung cư, ngày tân gia, do Hân ganh ghét với chị mà không thèm dự thì bà Mai cũng vì Hân mà…né luôn. Hỏi sao mà khán giả không tức.

Mẫu người như Hân cũng thật khó tìm: hằng ngày cho chồng ăn cơm hộp, con cái gửi mẹ nuôi giúp, không nghề ngỗng, chỉ khoái mua sắm hàng hiệu. Lúc về quê thăm cha chồng, vừa ăn cơm xong là cô đùng đùng đứng dậy, buộc chồng phải đưa về thành phố, dù bát đũa còn ngổn ngang trên bàn. Lúc cha chồng tặng quà cho ông bà sui, nhờ đem về giúp, cô chê ỏng chê eo, bất cần. Lúc ở nhờ nhà cha mẹ, cảm thấy mệt mỏi quá, Kiệt đòi ra riêng để có điều kiện nuôi dạy con, Hân thẳng thừng: “Tôi không biết nuôi con”. Khán giả cáu vì tính nhu nhược, chịu đựng của Kiệt trước sự đòi hỏi vô lý, cạnh khóe, mắng mỏ từ mẹ vợ đến vợ.

Ngược lại, từ chỗ lông bông, được vợ cho 30.000 đồng ăn xài mỗi ngày đến lúc léng phéng với Nhi (Băng Di) giàu có, xinh đẹp, Công tìm mọi cách ly hôn  vợ, kể cả việc cầm loa gào réo tại chung cư. Khi biết chuyện, thật lạ, bà Linh (Thiên Hương) - mẹ của Công lại mắng con dâu sao không… buông tha cho con trai của bà. Thái độ ấy là vì khi quen với Nhi, Công thường đem tiền về cho bà. Ngay cả em của Công là Trinh (Puka), bà cũng muốn lấy chồng giàu.

Trong mạch chuyện, Minh (Phương Hằng) - con gái bà Mai - yêu Nhân (Phạm Anh Tuấn). Mẹ của Nhân, do mê cờ bạc nên lúc nào cũng tìm cách “nã” tiền con trai, kể cả cách… mướn xã hội đen gây áp lực…

Tuy nhiên, đường dây kịch bản lẫn nghệ thuật diễn xuất đều sẽ đổ nhào, không đạt đến ý nghĩa chấn chỉnh một nếp nhà, nếu không có vai trò của ông Vương (Mai Huỳnh) và bà Đào (Đức Minh) - mẹ của ông Vương. Tính cách chỉn chu, đạo đức của một ông giáo; cá tính của một bà mẹ thuộc về “truyền thống” xen lẫn trong mạch chuyện đã khiến khán giả an lòng.

Hơn 30 tập phim, có một điều phải ngợi khen là các diễn viên đã nhập vai rất tốt - thật đến độ khán giả phải chấp nhận theo nhân vật và chạm vào, giải quyết các tình huống đó. Mà, các tình huống trong phim lại biến động, thay đổi liên tục, nhằm đẩy tính cách nhân vật một cách triệt để.

Theo tôi, thủ pháp này chính là “chìa khóa” để lôi cuốn người xem. Khán giả đã không còn bàng quan mà cùng tham dự, vì họ cảm thấy cách giải quyết tình huống đó, nếu là họ thì mọi thứ sẽ khác, chứ không thể như trong phim.

Khổ nỗi, phim là phim. Đời là đời. Thế mới bực. Càng xem càng thêm bực, thêm tức. Sự lôi cuốn này mới khôn khéo làm sao. 

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI