Gạo không chỉ để ăn ngon, ăn no

08/11/2019 - 15:29

PNO - Ngày càng có thêm nhiều loại gạo dược liệu, gạo chức năng. Đối tượng mà các nhà sản xuất gạo này hướng đến là số đông người tiêu dùng vì đây là sản phẩm phòng bệnh chứ không phải chữa bệnh.

Dược tính theo màu gạo

Điểm dễ nhận biết nhất của các dòng gạo dược liệu là màu sắc khác biệt so với các loại gạo thông thường. Chúng có màu đỏ, đen hoặc tím. Các loại gạo này có những thành phần dược tính cao hơn gạo thông thường.

Trước đây, dòng gạo này còn ít về chủng loại, chủ yếu là gạo lứt, gạo huyết rồng, gạo mầm và khách hàng chủ yếu là những người ăn kiêng, giảm cân. Nhưng hiện nay, dòng gạo này có hàng chục loại khác nhau, hướng đến đối tượng người dùng đông đảo hơn, như người bị cao huyết áp, tiểu đường, người muốn giảm tinh bột mà vẫn thèm cơm, người mắc bệnh hiểm nghèo...

Các loại gạo có màu sắc khác nhau sẽ có những dược tính khác nhau. Chẳng hạn, gạo lứt đỏ Sóc Trăng được cho là giàu đạm (lượng protein chiếm 10,3%, cao gấp rưỡi gạo thường), giàu canxi (140 ppm), giàu potassium (kali), giàu chất sắt (75 ppm, trong khi các giống lúa phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long chứa chưa tới 15 ppm). Gạo đen Trường Thọ của Công ty TNHH ADC chứa anthocyanin cao gấp ba lần quả việt quất, có khả năng chống ô-xy hóa cao, giúp làm giảm và phòng ngừa xơ vữa mạch máu, ngừa bệnh tiểu đường type 2... Thậm chí, có những loại gạo không những có chỉ số dược tính cao mà còn giảm đến tối thiểu những chất có hại. Ví dụ, gạo hữu cơ Hoa Sữa đỏ của Công ty Viễn Phú có chỉ số cholesterol bằng 0.

Gao khong chi  de an ngon, an no
Ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển các giống lúa dược liệu tại đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh họa.

Những chỉ số dược tính này không phải do các nhà sản xuất tự nghĩ ra; tất cả đều qua các cơ sở kiểm định độc lập và được công bố trên bao bì sản phẩm. Rất nhiều sản phẩm trong số này đã được xuất khẩu đến các nước châu Âu - thị trường được xem là rất khắt khe trong kiểm soát chất lượng. Giá bán các loại gạo này ở thị trường trong nước bình quân 40.000-70.000 đồng/kg, cao hơn từ 3-7 lần gạo thông dụng. Giá cao bởi đây là giống gạo quý hiếm, số lượng cung ứng ra thị trường còn hạn chế, quy trình canh tác khắt khe.

Dược tính thôi, chưa đủ

Hiện hầu hết các doanh nghiệp lớn trong ngành gạo đều tham gia sản xuất dòng gạo dược liệu này, như Tập đoàn Lộc Trời, các công ty Quế Lâm, ADC, Viễn Phú... Tuy nhiên, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo dược liệu hiện vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong cơ cấu của ngành gạo. 

Một thực tế khác là, người tiêu dùng trong nước đang ở giai đoạn làm quen với những sản phẩm này. Nhiều chủ đại lý gạo cho biết, gạo màu khá kén khách, hầu hết vẫn là người bệnh, người ăn kiêng. Nhiều khách hàng dùng thử một lần rồi thôi, vì họ quen các dòng gạo dẻo, thơm, trong khi các loại gạo màu thường khô. Thêm vào đó, từng có một thời, những loại gạo này khi mới xuất hiện đã bị các đầu mối đồn thổi “chữa được ung thư, các bệnh nan y” nhưng bị các nhà khoa học phủ nhận, khiến nhiều người nghi ngờ về công dụng.

Theo giáo sư - tiến sĩ Võ Tòng Xuân - Quyền hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ - không có loại gạo nào chữa ung thư, tiểu đường. Gạo không phải là thuốc chữa bệnh mà chỉ hỗ trợ, bổ sung dưỡng chất cho quá trình chữa bệnh nhờ một số dòng gạo có các vitamin và dưỡng chất bổ trợ cho sức khỏe. Giáo sư Võ Tòng Xuân đánh giá rất cao các loại gạo này, nhưng cho rằng, các cơ quan chức năng cần quy định tiêu chuẩn riêng cho các loại gạo thảo dược.

Tiến sĩ Võ Minh Khải - người sáng lập Công ty Viễn Phú với hàng loạt loại gạo hữu cơ giàu dược tính - từng nói với phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM rằng, nhiều thị trường nhập khẩu không đánh giá cao gạo từ Việt Nam do quá lạm dụng hóa chất trong quá trình sản xuất. Theo ông, càng ngày, nhu cầu tiêu dùng gạo càng thay đổi, nhiều người ăn gạo sợ mập, sợ tiểu đường, là do gạo chứa nhiều tinh bột; nếu trong hạt gạo có các chất giống như trong trái táo, trái việt quất thì hạt gạo không chỉ là thực phẩm mà còn ngăn ngừa vô số bệnh. 

Theo ông Khải, dược tính trong gạo có thể được tạo ra từ quá trình lai tạo các giống lúa. Các phòng nghiên cứu trong nước chưa thể tìm ra hết dược tính trong gạo nên không ít lần ông phải gửi ra nước ngoài xét nghiệm. Gạo giàu dược tính phải được canh tác hữu cơ mới có giá trị, và giá trị không chỉ ở hạt gạo mà còn từ cám, từ dầu gạo, detox hay sữa gạo.

Người tiêu dùng giờ đây sẵn sàng chi tiền cho sản phẩm sạch, sản phẩm ngăn ngừa bệnh tật. Đánh giá về các giống lúa giàu dược tính, ông Khải cho rằng, quan trọng là phải có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy để ngành sản xuất này phát triển, nhưng điều này đang thiếu. 

Tại buổi chất vấn của đại biểu Quốc hội về "phát triển thương hiệu gạo Việt Nam" ngày 6/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho hay, Việt Nam sẽ giảm diện tích trồng lúa và đầu tư một số giống lúa gạo dược phẩm. Ngành hàng lúa gạo sẽ được tái cơ cấu theo hướng ưu tiên đầu tư một số loại giống để nâng cao giá trị hạt gạo. Lúa gạo sẽ không chỉ là mặt hàng bình thường mà trở thành dược phẩm, thực phẩm chức năng. 

Hoàng Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI