PNO - PN - Tôi đến thôn phương cựu, xã Phương hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận hỏi thăm nhà chị Chín Bé mua bán ve chai, mọi người đều biết. Chị Chín nức tiếng khắp vùng không phải vì cái nghề lang thang mua đồ nát mà chính sự...
edf40wrjww2tblPage:Content
LẬN ĐẬN DUYÊN NỢ
Chị tên thật là Võ Thị Xinh nhưng từ ngày gắn với cái nghề mua ve chai thì không còn ai nhớ đến tên của chị. Chị nói vui: “Gọi cô Chín ve chai, hay cô Chín nhôm nhựa gì đó cho dễ nhớ. Ở đây người ta quen với mấy cái tên đó rồi”. Chợt chị trầm ngâm: “Mà dường như từ ngày tôi đi thêm bước nữa, ít ai còn nhớ tên thật của tôi. Lúc ông nhà còn sống, người ta cũng chỉ gọi bà Chín Bé”.
Năm 17 tuổi, chị Xinh yêu một người đàn ông cùng thôn nhưng không được gia đình bên ấy ưng thuận. Ba năm anh và chị bền bỉ bên nhau mong một ngày gia đình anh hồi tâm chuyển ý. Chị trót mang bầu, cha mẹ anh vẫn ngoảnh mặt, mỗi mình nhà gái lo tiệc tùng ra mắt họ hàng. Sau đám cưới, gia đình nhà trai vẫn lạnh nhạt, cha mẹ chị tức giận kiên quyết không cho chị sống với anh dù lúc này cái thai trong bụng đã gần bốn tháng. Từ đó chị một mình sinh con rồi nuôi con lớn, viện lý do gia đình cấm cản, anh chẳng ngó ngàng gì đến mẹ con chị.
Suốt mười năm, chị như thân cò lặn lội kiếm tiền nuôi con. Và trong những tháng ngày cơ cực đó, duyên nợ cho chị gặp anh Võ Văn Bé, người chồng thứ hai. Quen nhau được hơn một năm thì chị từ giã vùng biển Vĩnh Hy theo anh về Phương Cựu lập nghiệp. Gia cảnh anh Bé cũng khó khăn nên ngày vợ chồng ra riêng, cha mẹ anh chỉ cho được hai sào đất khai hoang khô cằn sỏi đá và một căn nhà cất tạm bợ. Hàng ngày anh Bé đi kéo cá, làm mướn kiếm tiền trang trải cuộc sống, chị ở nhà chăm bón hai sào rẫy.
Sáu năm trôi qua, bốn đứa con lần lượt ra đời, cuộc sống càng khó khăn hơn. Đất đai khô cằn trồng vài ba luống hành mùa được mùa mất, chẳng thu được bao nhiêu, một mình anh Bé không lo nổi cái ăn cho cả nhà. Chị đành để đứa bé cho đứa lớn trông nom, sáng sáng theo chồng lênh đênh trên những chiếc thuyền kéo cá quanh đầm Nại. Những hôm không theo chồng đi kéo cá, chị ra cảng mua lại cá của ngư dân mang lên chợ bán kiếm chút tiền lời. Chị cười hiền: “Vất vả, cơ cực nhưng vợ chồng tôi đồng lòng lắm, càng khổ thì càng cố vượt qua. Anh cũng thương tôi không nhắc hoặc đem chuyện quá khứ ra dày vò, chứ hồi đó người ta hay chế nhạo anh ấy”.
Nhờ chịu khó làm lụng, tích góp nên sau mười năm gắn bó, vợ chồng chị dành dụm đủ tiền xây ngôi nhà che nắng che mưa. Thế nhưng niềm vui nhà mới chưa bao lâu thì nỗi buồn lại ập đến. Sau nhiều lần ngất xỉu khi đang kéo cá, anh Bé được chẩn đoán bị lao phổi. Từ ngày chồng bệnh nằm một chỗ, bao nhiêu gánh nặng đều dồn hết lên đôi vai chị. Thương chồng, không đành lòng nhìn anh nằm nhà chờ chết, chị vay mượn khắp nơi để chữa trị cho anh. Tiền bạc cạn kiệt, nợ nần chồng chất mà bệnh tình của anh Bé vẫn không thuyên giảm. Chị bàn với các con bán nhà đưa anh vào Sài Gòn trị bệnh. Biết chuyện, anh không ưng thuận. Chị lại tiếp tục chạy vay họ hàng, chòm xóm để cứu chồng, đưa anh đi khám thêm một vài nơi, mới phát hiện ngoài bệnh phổi anh còn bị xơ gan giai đoạn cuối. Chị ngậm ngùi nhớ lại: “Biết mình không qua khỏi, nhà tôi nhiều lần kêu tôi cho về nhà mà tôi không chịu, còn nước còn tát. Hôm đó anh nắm tay tôi bảo sắp đi rồi, đưa về để được chết trong nhà… Mấy mẹ con gạt nước mắt đưa anh về, về tới nhà được 15 phút thì anh đi”.
Chồng mất, nợ nần chồng chất, ba đứa con trai lại đang tuổi ăn tuổi học. Hai đứa con gái lớn lấy chồng sớm, đứa nào cũng nghèo nên không thể giúp mẹ trả nợ hay nuôi em. Chị cười buồn: “Lúc đó buồn cũng không dám buồn lâu, sợ mình suy sụp ngã bệnh không ai lo cho con rồi chúng lại thêm khổ”. Nghĩ vậy chị cố vượt qua nỗi đau, gắng gượng đứng dậy tiếp tục mưu sinh trên những con sóng mặn đắng.
Hơn 10 năm qua, những nhịp búa gõ lựa ve chai trong đêm khuya của chị Xinh đã trở nên quen thuộc với láng giềng
CHỊ CHÍN NHÔM NHỰA
Một mình chị bươn chải, ngày vài ba chục ngàn chẳng thấm vào đâu so với khoản tiền lãi hàng tháng hơn nửa triệu đồng, thêm tiền ăn uống, học hành của các con. Nhiều lúc không kham nổi, chị chỉ muốn cho con nghỉ học để đỡ đần, nhưng mỗi lần chị úp úp mở mở thì mắt đứa nào cũng đỏ hoe. Về sau, đứa con trai lớn đang học cấp III thấu hiểu nỗi khổ của mẹ, xin nghỉ học đi biển để kiếm tiền phụ mẹ nuôi em. Không còn đường nào khác chị đành nuốt nỗi nghẹn ngào nhìn con quẩy túi đồ lên vai lặng lẽ rời nhà. Thế nhưng dù hai mẹ con chị đầu tắt mặt tối cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Để có tiền cho tụi nhỏ đi học, đồ đạc trong nhà cái gì bán được chị cũng đem bán. Rồi những món đồ có giá trị chút đỉnh cũng hết sạch, việc học hành của hai đứa con trai nhỏ lại rơi vào bế tắc.
Trong lúc cùng cực, chị được một em họ chỉ dẫn nghề thu mua ve chai, lại còn tận tình cho chị mượn vốn. Sau vài lần theo em học nghề, chị mua chiếc xe đạp cũ lọc cọc qua từng con đường, ngõ ngách, vừa lượm vừa mua từng cái lon, mảnh giấy vụn. Cái tên “chị Chín nhôm nhựa” cũng theo chị từ đó. Những ngày mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm mua hàng, không ít lần chị khóc ròng vì mua sắt, nhôm, nhựa lộn xộn, đến khi phân loại ra, giá cả chênh lệch thì bị lỗ. Còn tai nạn thì không biết bao nhiêu mà kể, người và xe bị gió thổi lăn lóc xuống ruộng nhiều như cơm bữa. Té rồi lại đứng lên, vết trầy xước này chưa kịp khô mày đã đến vết khác, ê ẩm khắp người nhưng vì miếng cơm manh áo, vì tương lai các con, chị vẫn cắn răng bám trụ. Ngoài nghề thu mua ve chai, mỗi sáng sớm chị còn ra cảng lấy cá mang lên chợ bán, đến mùa nho, mùa lúa thì tranh thủ đi làm cỏ mướn.
Từ mua đi bán lại trong ngày, dần dần chị mở cơ sở trữ hàng tại nhà; nửa tháng, một tháng mới xuất hàng một lần, vừa đỡ thời gian đi lại, vừa bán được giá cao hơn. Nhưng nghề nào cũng có cái may cái rủi của nó. Chị kể, năm đó cả tháng trời gom hàng sắp đến lúc bán thì bất ngờ chủ vựa báo tin giá sắt rớt xuống 1.000 đồng/kg, trong khi trước đó chị thu mua 7.000 đồng/kg. Tương tự, một vài mặt hàng khác cũng rớt giá thê thảm. Nhìn đống ve chai chất đầy sân, chị chỉ biết khóc. Khổ nỗi, từ đó đến nay thỉnh thoảng chị vẫn bị những cú “hớ” như vậy mà không cách nào né được, bởi giá cả phụ thuộc phía công ty thu mua. Nhưng nhờ gánh ve chai mà chị đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi chồng mất, lo được cho hai con đến trường.
Kể lại chuyện học của hai con trai Võ Văn Hiệp và Võ Văn Bảo, chị bùi ngùi: “Có lần khổ quá định bụng cho nghỉ bớt một đứa thì tình cờ tôi nghe hai anh em nó nói chuyện với nhau. Đứa này bảo đứa kia nghỉ học, hy sinh cho nó đi học sau này thành tài nó nuôi lại nhưng không đứa nào chịu nhường”. Câu chuyện của hai con như tiếp thêm cho chị nghị lực. Từ đó chị hứa với lòng dù thế nào cũng lo cho hai con ăn học đến nơi đến chốn.
Không phụ lòng mong mỏi của chị, Hiệp và Bảo luôn ngoan ngoãn, học hành giỏi giang, cả hai anh em đều đậu vào trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. Hiệp vừa tốt nghiệp ngành điện-điện tử viễn thông, còn Bảo đang là sinh viên năm thứ ba khoa công trình giao thông. Ngoài niềm vui con cái đã trưởng thành, đỗ đạt, chị còn xóa được khoản nợ ngày nào chữa bệnh cho chồng. Chị cười hồn hậu: “Nợ chòm xóm thì trả hết rồi, chỉ còn nợ vay tiền sinh viên cho hai đứa nhỏ thôi. Anh em nó bảo để đó ra trường đi làm sẽ tự trả nhưng mình còn sức khỏe, còn làm được thì ráng phụ với con được đồng nào hay đồng đó”.
Giờ đây đã bước qua tuổi 55, mỗi ngày đều đặn chị hai lượt đi thu mua ve chai từ thôn này qua thôn khác, khi phố phường lên đèn chị mới trở về nhà. Đêm, chị lại thức đến tận khuya phân loại, sắp xếp từng mặt hàng… Vất vả là vậy nhưng trên môi chị luôn nở nụ cười tươi.