Gánh nặng vô hình trên vai con gái

26/04/2025 - 11:30

PNO - Con ước một lần được cảm nhận sự công bằng, được bố mẹ nhìn nhận và yêu thương như những đứa con khác trong gia đình.

Từ tấm bé, con đã quen với sự thiên vị rõ ràng mà bố mẹ dành cho em trai. Mọi sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương dường như đều dồn cả vào cậu ấm duy nhất của gia đình. Con là chị, con hiểu điều đó, hoặc ít nhất con đã cố gắng tự nhủ mình như thế. "Em còn nhỏ, em cần được bố mẹ quan tâm hơn", con vẫn thường tự an ủi bản thân mỗi khi tủi thân len lỏi. Nhưng sâu thẳm trong lòng, con biết, sự thật nghiệt ngã hơn nhiều.

Con lớn lên, học hành rồi tự lập. Ngày con báo tin đậu đại học, con đã mong chờ một lời khen, một cái ôm từ bố mẹ. Nhưng tất cả những gì con nhận được chỉ là một câu nói hờ hững: "Ừ, thế cũng tốt". Rồi sau đó, mọi sự chú ý lại đổ dồn về cậu em trai đang tuổi ăn tuổi lớn.

Con lấy chồng, tự tìm một công việc ổn định. Con muốn chia sẻ niềm vui này với bố mẹ, muốn mời ông bà đến chơi với các cháu. Nhưng hết lần này đến lần khác, bố mẹ đều từ chối với những lý do mà con nghe sao xót xa đến vậy: "Bận trông nom nhà cửa", "Không ai nấu cơm cho thằng Tuấn".

Bố mẹ vui mừng vì sinh được con trai (ảnh freepik)
Bố mẹ vui mừng vì sinh được con trai (ảnh minh họa: Freepik)

Cậu em trai của con, năm nay đã 23 tuổi, vẫn sống như một đứa trẻ dưới sự bao bọc thái quá của bố mẹ. Ăn uống, ngủ nghỉ, quần áo, mọi thứ đều có bố mẹ lo. Khi ông bà đã bước sang tuổi thất thập, sức khỏe yếu đi, sống bằng đồng lương hưu chẳng mấy dư dả, thì Tuấn vẫn chỉ biết ăn bám, tối ngày chơi game, tụ tập bạn bè rồi ngửa tay xin tiền bố mẹ.

Mỗi lần như thế, bố mẹ lại gọi điện cho con, trách móc con không biết thương em, không giúp đỡ em. Con nhẹ nhàng góp ý bố mẹ nên để em tự lập, thì ngay lập tức nhận lại những lời hờn giận, trách móc nặng nề: "Chị đã nuôi được em ngày nào mà lên tiếng dạy đời?", "Mai này bố mẹ không còn nữa xem chị đối xử với em ra sao?".

Vợ chồng con dành dụm, vay mượn mua được một chiếc ô tô nhỏ để tiện đưa đón con đi học. Con những mong nhận được một lời hỏi thăm, một lời chúc mừng từ bố mẹ. Nhưng không, tất cả đều im lặng. Để rồi ngay ngày hôm sau, con nhận được tin nhắn của bố: "Sắp tới sinh nhật thằng Tuấn rồi đấy, chị nhớ chuyển khoản cho em nhé. Anh chị làm ăn khấm khá thì cho em nó kha khá vào". Đọc những dòng tin nhắn ấy, tim con như có ai bóp nghẹn. Hóa ra, trong mắt bố, con gái có thành công đến đâu cũng chỉ là cái máy rút tiền cho con trai.

Những cuộc điện thoại từ bố mẹ cứ dày thêm, chất chứa bao lời than thở về cậu em trai "trầm cảm" vì không có tiền cưới vợ, không có chỗ ở riêng. Rồi mẹ lại gợi ý con "góp tiền" làm đám cưới, "hỗ trợ" tiền thuê nhà cho em trong năm đầu. Con nghe mà lòng nguội lạnh. Con cũng có gia đình riêng, có con cái phải lo. Tại sao mọi gánh nặng lại đổ dồn lên vai con như vậy? Con đã cố gắng giải thích, nhưng đáp lại chỉ là tiếng cúp máy lạnh lùng và sự im lặng đầy hờn trách.

Chị gái luôn mang trên vai gánh nặng vô hình (ảnh freepik)
Chị gái luôn mang trên vai gánh nặng vô hình (ảnh minh họa: Freepik)

Trong mắt bố mẹ, con lại trở thành đứa con bất hiếu, ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho riêng mình. Con biết, khoảng cách giữa con và bố mẹ ngày càng xa. Con tủi thân, buồn bã, nhưng con không oán trách. Bởi dù sao bố mẹ là người sinh thành ra con, đã cho con sinh mạng này. Chỉ là, con ước một lần được cảm nhận sự công bằng, được bố mẹ nhìn nhận và yêu thương như những đứa con khác trong gia đình.

Cuộc sống vốn dĩ không bằng phẳng, và mỗi người đều mang trong mình những nỗi niềm riêng. Câu chuyện của con có lẽ chỉ là một trong muôn vàn những mảnh ghép buồn trong bức tranh gia đình. Dù có những khác biệt, dù có những tổn thương, con vẫn luôn mong bố mẹ hiểu rằng, trong tim con chưa bao giờ thôi nghĩ về gia đình.

Con cũng hy vọng em trai sẽ sớm trưởng thành, tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình, để bố mẹ bớt đi gánh nặng tuổi già và để chính em có thể tìm thấy hạnh phúc thực sự. Con tin rằng, sự yêu thương và sẻ chia chân thành giữa những người thân yêu luôn là sợi dây kết nối bền chặt nhất.

Thảo My

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI