Gánh nặng không bao giờ biến mất

16/06/2017 - 12:02

PNO - Thẩm phán phiên tòa ở tòa án Hull Crown đã nói: “Cô sẽ phải đau khổ và sống với nỗi đau này suốt phần đời còn lại của mình, dù ngắn hay dài… Gánh nặng này sẽ không bao giờ biến mất cả”.

Hai tuần sau ngày Quốc tế thiếu nhi, một đứa trẻ sơ sinh 33 ngày tuổi bị thả vào trong chậu nước tắm, chết ngạt. Cơ quan Cảnh sát điều tra cho biết, nghi phạm giết chết cháu bé chính là người mẹ 20 tuổi. Xót xa, bàng hoàng, và phần nào ghê sợ khi vụ việc xảy ra trong môi trường gia đình trông rất bình yên.

Chứng bệnh trầm cảm sau sinh còn chưa mấy quen thuộc với cộng đồng. Người ta nhắc lại tiền sử gia đình từng có người bị bệnh thần kinh, người ta nhớ lại đứa bé sinh ra ngoan hiền không mấy khi quấy khóc… bao nhiêu chuyện được nhắc, nhưng cháu bé đã chết rồi.

Ganh nang khong bao gio bien mat
Người dân Thạch Thất quá đỗi bàng hoàng và phẫn nộ khi biết người sát hại bé A. mới 33 ngày tuổi chính là mẹ ruột của bé.

Cái sự thật không thể vãn hồi ấy có nhắc người lớn nghĩ về những đứa trẻ mong manh khác, đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ tương tự, trong một tình thế vẫn chưa hết sự vô tâm?

Cũng trong ngày hôm ấy, 14/6, một vụ cháy lớn làm rúng động nước Anh. Tòa tháp 24 tầng Grenfell tại quận White City, London, với 120 căn hộ, lúc đó được cho là đang có mặt khoảng 600 người, bốc cháy ngùn ngụt. Một nhân chứng cho biết, cô nhìn thấy một người mẹ hoảng loạn cố sức ra hiệu cầu cứu trên khung cửa căn hộ tầng 9 hoặc tầng 10, sau đó người mẹ ấy đã tuyệt vọng thả đứa con qua cửa sổ. Theo nhân chứng, một người bên dưới đã đỡ được đứa bé.

Hai cơn tuyệt vọng có vẻ chẳng liên quan gì với nhau. Một cơn tuyệt vọng của ngoại cảnh, khi nhà cháy, lửa khói ập vào, vô vọng không lối thoát, người đàn bà đã chọn cách ném con mình qua cửa sổ, may ra thì đứa trẻ còn cơ hội được sống. Cơn tuyệt vọng thứ hai tăm tối hơn, xảy ra trong lòng người, sâu trong tâm thức, không ai hay biết, không thể đo lường, người đàn bà ném con vào chậu nước, có thể không biết là mình đang giết con, có thể chỉ là để chấm dứt một nỗi ám ảnh nào đó. 

Cái mẫu số chung giữa những nỗi tuyệt vọng này là những đứa trẻ. Nếu có cộng đồng quanh mình, tỉnh thức, sẵn sàng đón nhận, đứa trẻ từ cõi chết có thể được đón lấy để đưa về cõi sống. Nếu cộng đồng chung quanh say ngủ, vô tâm, không hay biết, đứa trẻ có thể bị giết chết ngay giữa cõi sống tưởng rất bình yên quanh mình…

Câu chuyện ở Thạch Thất quá đỗi thương tâm, xót xa. Những người lớn đã làm gì cho trẻ con, trước, trong và sau những câu chuyện như thế? Hình như vẫn chưa đủ, vẫn chưa có chương trình giáo dục hay y tế nào theo sát được, giúp đỡ thiết thực cho những người mẹ trẻ - cũng là cho những đứa trẻ mới được sinh ra, để có thể đối diện, kiểm soát những khó khăn của thời kỳ đầu sinh con, nuôi con.

Ganh nang khong bao gio bien mat
Thiếu phụ sát hại con trai mình được cho là bị trầm cảm nặng.

Chúng ta quan tâm đến con người vật chất, chăm lo thuốc, sữa, chế độ thai sản… nhưng chưa đi được sâu hơn, chưa chăm lo được cho con người tinh thần. Phần sức khỏe thể chất có thể dễ dàng chăm sóc, nhưng phần sức khỏe tâm thần vẫn đang là thử thách, vẫn đang là khu rừng rậm tăm tối chưa được quan tâm đúng mức.

Trầm cảm là chứng bệnh phổ biến của thời đại. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh xếp hạng thứ hai trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu, chỉ sau bệnh nhồi máu cơ tim. Các nhà chuyên môn cũng thống kê rằng, khoảng 10% bà mẹ sẽ bị trầm cảm sau sinh, một nửa trong số đó sẽ bị tâm thần.

Dân số trẻ, tỷ lệ sinh cao đang là những thế mạnh, Việt Nam đang ở giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”, nhưng có phải chúng ta cũng nói quá nhiều đến những điều vĩ mô ấy mà chưa có biện pháp, chưa xây dựng hệ thống để giáo dục, cải thiện nhận thức về sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản cho thanh niên, vị thành niên, cho những người mẹ người cha lần đầu có con nhỏ, đang phải đương đầu với nhiều áp lực trong cuộc sống xã hội và gia đình?

Bạo lực gia đình, căng thẳng tài chính, sang chấn của cuộc sinh nở cùng với sự thờ ơ thiếu chia sẻ của mọi người có thể sẽ là mầm mống, gốc rễ sinh ra những kẻ thủ ác trong cơn trầm cảm, giết người mà không ý thức về tội ác của mình. 

Còn nhớ, năm 2012, một người phụ nữ đã giết chết đứa con gái sơ sinh của mình, người đàn bà này cũng được kết luận nguyên nhân là do gặp phải khủng hoảng tâm lý sau khi sinh. Dù vụ việc quá đỗi kinh hoàng, nhưng tòa án Hull Crown, Anh đã gần như tuyên trắng án. Thẩm phán của phiên tòa này đã nói: “Cô sẽ phải đau khổ và sống với nỗi đau này suốt phần đời còn lại của mình, dù ngắn hay dài… Gánh nặng này sẽ không bao giờ biến mất cả”. 

Gánh nặng ấy đúng là không bao giờ biến mất. Nó đang hiện diện, ngày một gần hơn, nặng hơn, ngay trong mỗi gia đình. Không thể chỉ đặt lên vai người đàn bà, gánh nặng ấy đang đòi hỏi cả gia đình và xã hội phải cùng chia sẻ. 

Hoàng Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI