“Gánh nặng kép” của lao động nữ

05/01/2022 - 11:00

PNO - Khi tham gia các công việc xã hội ngày càng nhiều hơn, phụ nữ lại đang mang lấy “gánh nặng kép”.

Bình đẳng trong lao động và việc làm là một trong những nội dung quan trọng để đánh giá bình đẳng giới hiện nay. Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động của Việt Nam là 76,8%, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Tỷ lệ này ở nam giới là 81,9%. Tuy nhiên, hai con số đó chưa hẳn đã phản ánh mức độ bất bình đẳng giới thấp. Bởi khi tham gia các công việc xã hội ngày càng nhiều hơn, phụ nữ lại đang mang lấy “gánh nặng kép” vừa phải đi làm kiếm tiền như nam giới, đồng thời, vẫn bị mang trọng trách cáng đáng việc nhà, chăm sóc con cái…

Quan niệm “bếp núc” là của phụ nữ vẫn phổ biến

Chị Dương Thị Cẩm Giang (36 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết, khi quyết định lấy chồng và sinh con, nỗi ám ảnh về nội trợ, những việc nhà “không tên, không lương” luôn hiển hiện. Với trách nhiệm là quản lý tổng một chuỗi hệ thống làm đẹp, chị may mắn có bố mẹ hỗ trợ việc nhà và nhất là người chồng hết sức chia sẻ. “Công bằng mà nói, hiện nay các gia đình trẻ đã biết cân bằng giữa trách nhiệm kiếm tiền và việc nhà của vợ chồng. Chồng tôi không xem việc vợ về nhà là phải lo cơm nước, con cái tất cả mọi thứ, bởi ai cũng có áp lực từ công việc bên ngoài rồi. Chúng tôi chia nhau, ai giỏi việc nào thì làm việc đó” - chị Giang cười, nhưng thừa nhận người may mắn như mình không nhiều.

Tiều tụy vì phải vừa đi làm vừa chăm con nhỏ, chị Nguyễn Thị Thanh Vân (31 tuổi, tạm trú Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho hay, mình đã không ít lần ngất xỉu ở cơ quan. Nhà chồng tuyệt đối rằng “con dâu lấy chồng gánh vác giang sơn nhà chồng”. Từ khi có con đầu lòng, ngoài đi làm, chiều tối về chị còn cáng đáng công việc nhà và chăm con. Buổi tối, giấc ngủ chập chờn vì con quấy khóc, còn chồng thì thường xuyên đi công tác xa nhà. Niềm an ủi lớn nhất của Vân là con trai và “danh hiệu” dâu đảm đang do gia đình hai bên nội ngoại tự hào “phong tặng”. Thế là chị vẫn cắn răn dù đêm đêm khóc thầm.

Có nghề nghiệp vững vàng để tự nuôi sống bản thân, chăm lo tốt cho gia đình luôn là mơ ước lẫn áp lực của nhiều phụ nữ.  (Trong ảnh: Các học viên lớp dạy nghề uốn tóc do Hội LHPN Q.Gò Vấp tổ chức) - Ảnh: Diễm Trang
"Có nghề nghiệp vững vàng để tự nuôi sống bản thân, chăm lo tốt cho gia đình luôn là mơ ước lẫn "áp lực" của nhiều phụ nữ. (Trong ảnh: Các học viên lớp dạy nghề uốn tóc do Hội LHPN Q.Gò Vấp tổ chức) - Ảnh: Diễm Trang

Mẹ đơn thân Nguyễn Thị M.T. (27 tuổi, ngụ Q.11, TP.HCM) cho hay, con gái năm tuổi của chị được gửi cho bố mẹ trong suốt thời gian giãn cách xã hội, vì COVID-19 các trường mầm non đều đóng cửa. “Gánh nặng của phụ nữ hiện đại nếu không là việc nhà thì cũng vẫn còn dai dẳng và bị nhân đôi. Bởi chúng tôi không những chịu áp lực tăng thu nhập như đàn ông mà còn áp lực việc không có thời gian chăm lo cho bản thân. Làm đẹp là nhu cầu thiết yếu của phụ nữ mà hiện tại nhiều chị em không được hưởng” - chị T. nêu thêm một “gánh nặng kép”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Anh Thắng - Trưởng văn phòng đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại TP.HCM - cho rằng cần phân tích “gánh nặng kép” của lao động nữ trên hai khía cạnh. Trong xã hội hiện đại, phải đảm bảo quyền của người nữ trong việc tham gia tất cả các hoạt động xã hội. Vấn đề bình đẳng, bình quyền phải là yêu cầu cao nhất trong việc triển khai các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về bình đẳng giới phù hợp với xu hướng tiến bộ của thế giới. Thời gian qua, vấn đề này đã được Việt Nam thực hiện khá tốt. Tỷ lệ nữ tham gia hoạt động chính trị, kinh tế rất cao. Nhiều người giữ trọng trách cao trong bộ máy hoặc doanh nhân thành đạt… là minh chứng.

Thứ hai, theo ông Thắng, dưới góc độ xã hội, cần nhìn nhận vai trò của phụ nữ trong lao động. Nhiều ngành nghề lao động nữ có vai trò không thể thiếu, thậm chí, có những hoạt động sản xuất, kinh doanh cần lao động nữ là chủ lực. Trong khi đó, quan niệm xã hội vẫn còn nặng nề về trách nhiệm “bếp núc” của phụ nữ. “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” có ý rằng: Đàn ông là kiếm tiền, còn việc chăm lo gia đình, bếp núc mặc nhiên là của phụ nữ. Đây là quan niệm lạc hậu. Cần nhìn nhận vai trò phụ nữ và quan niệm xã hội phải thay đổi. Đàn ông trong gia đình cần phải chia sẻ, tạo điều kiện để phụ nữ có thể tham gia nhiều hơn, mạnh mẽ hơn vào các hoạt động xã hội. Và người nữ không thể gánh trên vai nhiệm vụ “kép” vừa phải lao động kiếm tiền, vừa phải đảm đương công việc gia đình”, ông Thắng nói.

Chị em đừng tự áp lực mình

Theo ông Nguyễn Công Hảo - Tổng Giám đốc hệ thống Little Garden Beauty & Spa - ngày càng nhiều công việc yêu cầu lao động là nữ. Thế nhưng, thu nhập của họ vẫn thấp hơn nam giới, cơ hội việc làm khó hơn, nguy cơ mất việc cao hơn. Phụ nữ còn rất áp lực trong chăm lo cho gia đình cả hai bên nội ngoại. Phụ nữ có con nhỏ càng cực hơn với áp lực học hành của con. Đợt dịch vừa qua, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động đã cho thấy lao động nữ là những người bị ảnh hưởng đầu tiên khi mất thu nhập, giá cả hàng thiết yếu tăng cao khiến chi phí gia đình cũng tăng, khiến lao động nữ khó khăn trăm bề.

“Nhà nước cần tạo điều kiện cho phụ nữ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc các ngân hàng thương mại khác, các quỹ tín dụng nhân dân với lại suất ưu đãi, thời gian vay dài, không cần thế chấp tài sản. Cần giám sát để bảo đảm các doanh nghiệp luôn thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với lao động nữ. Song song đó, Nhà nước cũng nên khuyến kích cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động nữ quay trở lại hoạt động bình thường như các lĩnh vực spa, làm đẹp…” - ông Hảo đề nghị. Trong đợt dịch vừa qua, công ty ông vẫn duy trì lương tối thiểu cho nữ nhân viên bởi họ là lực lượng lao động chính. Tết này vẫn thưởng một tháng lương để họ có thể trụ lại.

Khá quan tâm đến chủ đề phụ nữ và “gánh nặng kép” vừa đi làm, vừa cáng đáng trách nhiệm gia đình, bà Bùi Thị Nguyên An - Giám đốc sản xuất Công ty Nautilus Food Việt Nam - phân tích rằng phụ nữ Việt Nam khá đúng với một thành ngữ tiếng Anh “take the plunge”. Hiểu theo nghĩa bóng là khi quyết định làm một việc nào đó, họ làm toàn tâm toàn ý để hoàn thành và không lưỡng lự. “Gánh nặng kép với phụ nữ chính là tình trạng cùng lúc phải đối diện với hai áp lực trách nhiệm. Nặng nề hơn, họ rất coi trọng thành tích vừa là lao động tốt trong công ty, vừa phải hoàn thành trách nhiệm là phụ nữ trong gia đình”, bà An nói.

Theo bà An, quả là một người phụ nữ thành công là người cân bằng được “gánh nặng kép” công việc và gia đình. Dù ở bất kỳ vai trò nào cũng khó có thể từ bỏ hoặc loại bỏ bớt, nhất là đối với gia đình, chồng con. Xét ở góc độ môi trường làm việc chuyên nghiệp, phụ nữ cũng phải gánh vác trách nhiệm và quyết định khi ở vai trò quản lý hoặc tham gia sản xuất, họ đều đối diện với các chỉ số đánh giá hiệu quả công việc. “Sau tám giờ làm việc ở công ty, chúng tôi luôn phải hoàn thành vai trò trong gia đình. Với tôi đó là nền tảng của một tổ ấm. Vai trò đó giữa vợ chồng đều phải cần bằng, không ai có thể hoàn toàn thay thế được ai trong gia đình cả. Thế nên, chị em đừng quá áp lực về thành tích mà quan niệm xã hội gán cho” - bà An nêu quan điểm. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI