Gánh nặng của con một thời nay

02/11/2024 - 06:13

PNO - Trong những cân nhắc về mặt xã hội và kinh tế, nhiều bậc cha mẹ đang chọn chỉ sinh 1 con. Chính vì vậy, thế hệ con một có thể phải đối mặt với gánh nặng khi cha mẹ ngày càng lớn tuổi.

Ở Singapore, nơi có dân số già hóa nhanh chóng và chuẩn mực văn hóa về lòng hiếu thảo, nhiều người con trưởng thành thấy mình phải đảm nhận vai trò chăm sóc cha mẹ. Cuộc sống có thể bị trì hoãn khi cha hoặc mẹ bị bệnh và những người không có anh chị em hoặc người giúp việc có thể thấy mình phải nhận lấy toàn bộ gánh nặng.

Dữ liệu cho thấy có ít nhất 128.800 người con một có mẹ trên 50 tuổi vào năm 2023, gấp hơn 3 lần so với con số 39.800 vào năm 2003. Các nhà nghiên cứu và nhân viên xã hội cảnh báo rằng không giống như trong các gia đình lớn hơn, nơi gánh nặng chăm sóc có thể được phân bổ, con một phải đối mặt với căng thẳng rất lớn. Trong số những thách thức về sức khỏe, họ có nhiều khả năng bị kiệt sức.

Kỳ vọng về việc chăm sóc cha mẹ

Giám đốc nhân sự Gail Lim (33 tuổi) thực sự khó chấp nhận tình trạng của mẹ mình. Mẹ chị đã lên cơn đau tim dữ dội khi đang đi nghỉ mát vào tháng 12/2023. Từ đó, bà không thể đi lại hoặc sử dụng phòng tắm mà không có sự trợ giúp. Hiện bà vẫn phải tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng nhưng khó có thể hoàn toàn bình phục như trước. Dù gia đình chị Lim có người giúp việc hỗ trợ chăm sóc bà nhưng chị vẫn lo lắng người giúp việc có thể bị kiệt sức và nghỉ việc.

Cha mẹ của anh Heron Khalid Goh chia sẻ ảnh  hồi trẻ của họ.  Cả hai đều mắc chứng mất trí nhớ - ẢNH: KEVIN LIM
Cha mẹ của anh Heron Khalid Goh chia sẻ ảnh hồi trẻ của họ. Cả hai đều mắc chứng mất trí nhớ - Ảnh: Kevin Lim

Chị Lim thừa nhận chị đã không ở trong trạng thái tinh thần tốt. Chị lo lắng vì mẹ chị - một phụ nữ ngoài 60 tuổi đã nghỉ hưu sống với chồng - không còn có thể giao lưu hoặc năng động như trước. “Khi chứng kiến mẹ tôi mất đi sự độc lập, về mặt cảm xúc và tâm lý, điều đó thực sự rất khó khăn đối với tôi…” - chị nói, đồng thời cho biết thêm chị đã ngừng gặp gỡ bạn bè trong gần 5 tháng. Tình hình này cũng khiến cuộc hôn nhân của chị căng thẳng.

Tuy công ty đã tạo điều kiện cho chị có thể làm việc linh hoạt nhưng thật khó để tập trung vào công việc khi chị liên tục lo lắng về những gì đang xảy ra ở nhà. Chỉ sau khi được một nhà tâm lý học khuyên nên dành một khoảng thời gian cụ thể mỗi ngày để trò chuyện với mẹ, chị mới có thể phân chia thời gian và cảm xúc của mình tốt hơn.

Heron Khalid Goh - 56 tuổi, chuyên gia tư vấn thuế - phải từ bỏ sự nghiệp và cuộc sống ở nước ngoài để trở về quê nhà.

Tháng 1/2021, người cha 86 tuổi của anh được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt sau một cơn viêm phổi nghiêm trọng. Mẹ anh không thể tìm đường về nhà, sau đó được chẩn đoán mắc chứng mất trí nhớ.

Khi đó, Heron sống tại Kuala Lumpur và biết rằng mình phải quay về sau gần 3 thập niên xa cách. “14 ngày cách ly tại khách sạn vì chính sách kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt của Singapore là thời gian dài nhất trong cuộc đời tôi, khi biết rằng cha tôi đang chiến đấu giành giật sự sống, mẹ tôi cũng không khỏe. Vậy nhưng tôi không thể làm gì được” - anh kể.

Cuộc sống của anh dần chủ yếu xoay quanh việc nấu ăn, dọn dẹp và đưa cha mẹ đi khám bệnh.
Kỳ vọng của người châu Á về việc chăm sóc cha mẹ đã tồn tại từ lâu. Những người đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão có thể bị coi là “bất hiếu”. Dẫu điều này đang dần thay đổi nhưng nhiều người vẫn coi việc chăm sóc là nghĩa vụ chứ không phải là sự lựa chọn và việc thiếu sự hỗ trợ của gia đình có thể khiến họ cảm thấy căng thẳng, thất vọng.

Tiến sĩ Jeremy Lim-Soh - Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục lão khoa (Care) tại Trường Y Duke-NUS - nhấn mạnh: “Tôi cho rằng việc có anh chị em ruột không quan trọng bằng việc anh chị em ruột đó có hỗ trợ hay không… Một người có thể không phải là con một nhưng vẫn có thể là người chăm sóc duy nhất nếu anh chị em ruột không thể hoặc không muốn giúp đỡ”.

Tìm kiếm sự hỗ trợ từ cộng đồng

Việc tìm kiếm sự hỗ trợ phù hợp từ cộng đồng có thể là giải pháp cho những người chăm sóc đơn độc. Cơ quan dịch vụ xã hội Touch là tổ chức điều hành nhiều chương trình và trung tâm, bao gồm một trung tâm chăm sóc người cao tuổi tại khu nhà 433, đường Ang Mo Kio 10.

Anh Glenn Poh và mẹ chuẩn bị ở nhà trước khi đến tham gia các hoạt động  tại trung tâm chăm sóc người cao tuổi - ẢNH: KUA CHEE SIONG
Anh Glenn Poh và mẹ chuẩn bị ở nhà trước khi đến tham gia các hoạt động tại trung tâm chăm sóc người cao tuổi - Ảnh: Kua Chee Siong

Là con trai duy nhất, anh Glenn Poh (44 tuổi) tự mình gánh vác trách nhiệm trong việc chăm sóc bà Tan Sow Meng - người mẹ 74 tuổi mắc bệnh Alzheimer. Cha anh đã qua đời sau một thời gian đột quỵ. Anh đăng ký cho mẹ mình tham gia các hoạt động vào mỗi ngày trong tuần, từ các bài tập thể dục đến trò chơi tương tác nhiều người trên một bàn cờ.

Vào năm 2022, trung tâm thành lập Carers Circle - một nhóm hỗ trợ người chăm sóc. Thông qua các buổi họp hằng tháng, anh Poh đã kết nối được với những người chăm sóc khác trong khu phố.

Robin Teo (46 tuổi) phải nhờ đến dịch vụ chăm sóc ban ngày và điều dưỡng tại nhà để chăm sóc cha mẹ già. Ông Teo Chin Hye - cha anh, 86 tuổi - mắc một số bệnh mạn tính, gãy xương hông và ung thư vú. Bà Eng Ah Nio - mẹ anh, 85 tuổi - mắc chứng mất trí nhớ và phải sử dụng xe lăn để di chuyển.

Anh Robin Teo phải nhờ đến dịch vụ chăm sóc ban ngày và điều dưỡng tại nhà để chăm sóc cha mẹ già. Trong ảnh: 2 mẹ con trong căn nhà của họ - ẢNH: AZMI ATHNI (chụp vào ngày 28/7)
Anh Robin Teo phải nhờ đến dịch vụ chăm sóc ban ngày và điều dưỡng tại nhà để chăm sóc cha mẹ già. Trong ảnh: 2 mẹ con trong căn nhà của họ - Ảnh: Azmi Athni (chụp vào ngày 28/7)

Mỗi sáng, anh Teo và cha mẹ anh chờ xe ở Bedok. Một xe đưa cha anh đến St Luke's ElderCare ở Marine Parade, xe còn lại đưa mẹ anh đến Tembusu Eldercare Centre ở Eunos. Sau đó, anh đi làm. Buổi tối, cha mẹ anh được đưa về nhà và anh mang bữa tối cho họ. Vào cuối tuần, một người giúp việc sẽ đến tắm cho mẹ anh.

Cần chú ý nhiều hơn về mặt cảm xúc

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng gánh nặng cảm xúc khi chăm sóc người già, đặc biệt cha mẹ, là rất lớn. Theo báo cáo tóm tắt nghiên cứu về việc chăm sóc người già do Care tại Trường Y Duke-NUS công bố năm 2023, gần 1/3 số người chăm sóc trong cuộc khảo sát có biểu hiện trầm cảm. Các nhà nghiên cứu kết luận: “Cần chú ý nhiều hơn đến sức khỏe thể chất và tinh thần của những người chăm sóc trong gia đình vì tỉ lệ mắc các triệu chứng trầm cảm ở họ cao hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước”.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người chăm sóc có mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ thông qua gia đình, bạn bè hoặc nhóm ít bị căng thẳng hơn và có nhiều trải nghiệm tích cực hơn.

Sau cái chết đột ngột của cha vào năm 2022, anh Ernie Zheng - 37 tuổi, một chuyên gia kế toán trong ngành công nghệ, sống với bà ngoại - phải chịu trách nhiệm chăm sóc mẹ mình, sống ở khu nhà bên cạnh. Sau 1 năm vật lộn với chứng bệnh tâm thần phân liệt của mẹ mình, anh mới tìm đến trung tâm dịch vụ gia đình gần nhà để nhờ giúp đỡ.

Một nhân viên xã hội đã gợi ý anh Zheng tham gia chương trình đào tạo kéo dài 12 tuần tại Caregivers Alliance Limited (CAL) - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ người chăm sóc những người mắc bệnh tâm thần. Anh chia sẻ: “Lúc đầu, tôi hoài nghi về hiệu quả của phương pháp này nhưng sau vài tuần, tôi học được cách không phản ứng với những điều mẹ nói hoặc làm. Chứng kiến những người từ mọi tầng lớp xã hội tụ họp và chia sẻ đủ mọi thử thách, tôi cảm thấy mình không đơn độc”.

Louis Lee - Giám đốc điều hành CAL, người điều hành các buổi đào tạo - cho biết, giống như nhóm hỗ trợ tại Touch, các lớp học của CAL hướng đến mục tiêu trang bị cho người chăm sóc các kỹ năng thực tế và kỹ năng mềm như giải quyết vấn đề một cách sáng tạo và dành thời gian chăm sóc bản thân khi chăm sóc người khác.

Năm 2011, Singapore đã giới thiệu chương trình Lập kế hoạch chăm sóc trước (ACP) để mọi người có thể đặt ra mong muốn chăm sóc sức khỏe của mình trước khi mất khả năng nhận thức để làm như vậy. ACP cung cấp một bản thiết kế để những người chăm sóc tuân theo với hy vọng giảm bớt căng thẳng khi phải ra quyết định trong những thời điểm khó khăn, dù chúng không có ràng buộc về mặt pháp lý.

Theo Cơ quan Chăm sóc tích hợp (AIC), tính đến tháng 5/2023, khoảng 36.600 người Singapore đã có ACP. Bộ trưởng Bộ Phát triển kỹ thuật số, Thông tin và Y tế Rahayu Mahzam cho hay, thêm 10.000 ACP nữa đã được hoàn thành trong khoảng thời gian từ tháng 7/2023 đến tháng 8/2024.

Hà Thụy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI