Gánh họa vì “thần thánh hóa” nước ion kiềm

01/10/2024 - 05:53

PNO - Dù thiếu cơ sở để khẳng định tác dụng của nước ion kiềm đối với sức khỏe nhưng nhiều người đã “thần thánh hóa” loại nước này, lạm dụng và phải nhập viện cấp cứu, có trường hợp đã tử vong.

Suy kiệt vì không ăn, chỉ uống nước

Có tiền sử viêm phế quản mạn tính, cơ thể ốm yếu, bệnh nhân N.V.S. (41 tuổi, ở tỉnh Bắc Giang) được người quen giới thiệu tới một thầy lang để chữa bệnh. Tại đây, anh được hướng dẫn chỉ uống nước ion kiềm pha muối để “thanh lọc cơ thể” trong suốt 26 ngày, tuyệt đối không sử dụng loại thực phẩm nào khác. Cùng điều trị bằng phương pháp này, tại nhà thầy lang có khoảng 40-50 trường hợp khác. Tới ngày thứ 18, gia đình lên thăm anh S. và phát hiện anh đã rơi vào tình trạng suy kiệt nặng nên đã đưa về nhà chăm sóc.

Sau khi về nhà, anh N.V.S. bắt đầu sốt cao gần 40 độ C, kèm ho, đờm nhiều và mệt mỏi. Bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương trong tình trạng nguy hiểm tới tính mạng. Xét nghiệm cho thấy mức protein trong máu của bệnh nhân xuống thấp. Bệnh nhân bị teo cơ, mất lớp mỡ dưới da, sức cơ yếu, chỉ số men gan tăng gần 5 lần so với bình thường. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue, viêm phổi và suy kiệt trên nền viêm phế quản mạn tính.

Bác sĩ Võ Đức Linh - Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) - cho hay, bệnh nhân vẫn may mắn vì đã kết thúc lộ trình điều trị sớm hơn so với dự kiến: “Nếu tiếp tục uống nước ion kiềm mà không ăn thêm trong liệu trình kéo dài 26 ngày, không ai có thể bảo đảm bệnh nhân sẽ sống sót”.

Thị trường đang có rất nhiều loại máy ion kiềm rao báo với giá từ vài triêu tới gần cả trăm triệu đồng - Ảnh chụp màn hình
Thị trường đang có rất nhiều loại máy ion kiềm rao báo với giá từ vài triêu tới gần cả trăm triệu đồng - Ảnh chụp màn hình

Thời gian gần đây, nước ion kiềm đang “nở rộ” như một loại thần dược có thể chữa bách bệnh. Bệnh viện K từng tiếp nhận một bệnh nhân 47 tuổi bị ung thư dạ dày. Bệnh nhân này từ chối điều trị tại bệnh viện, về nhà uống nước kiềm vì tin rằng như vậy sẽ tăng sức đề kháng, giảm cân, ổn định huyết áp, thải độc, thu nhỏ khối u. Tuy nhiên, chỉ sau 3 tuần, bệnh nhân phải nhập viện trở lại và không qua khỏi vì suy kiệt.

Tại Thanh Oai (TP Hà Nội), nhiều người cũng xôn xao với câu chuyện “thần y chữa bệnh bằng nước”, thu hút nhiều bệnh nhân trong thành phố và các tỉnh lân cận. Chủ cơ sở này quảng cáo có thể chữa được nhiều loại bệnh như trào ngược dạ dày, đại tràng, gout, tiểu đường, xương khớp, các loại khối u bằng nước. Phương pháp điều trị của ông ta là sử dụng loại nước từ máy lọc nước ion kiềm và cho thêm 1 ít muối. Người bệnh uống khoảng 3-4 ca nước liên tục (gần 1,6 lít) trong 1 buổi sáng. Sau khi uống, bệnh nhân sẽ lên máy rung lắc để nước ngấm vào cơ thể. Trước sự việc này, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, UBND huyện Thanh Oai đã vào cuộc và xử phạt hành chính cơ sở vì cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động; quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh trái phép.

Chưa có cơ sở khoa học

Trên thị trường, nước ion kiềm cũng đang được quảng cáo là đồ uống có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là đường tiêu hóa. Ngoài các sản phẩm nước ion kiềm đóng chai, nhiều máy lọc nước tạo ion kiềm được rao bán với mức giá “nhảy múa”. Theo khảo sát của chúng tôi, máy tạo ion kiềm giá rẻ dao động 6-8 triệu đồng. Nhiều sản phẩm nhập khẩu còn được rao bán từ 60-70 triệu đồng lên tới hơn 100 triệu đồng. Theo quảng cáo của một đơn vị kinh doanh, nước từ máy lọc ion kiềm có khả năng cân bằng a xít trong cơ thể, giúp cải thiện hệ tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch. Nước ion kiềm còn có tác dụng chống ô xy hóa, giúp làn da tươi trẻ lâu. Uống nước ion kiềm hằng ngày giúp con người phòng ngừa được bệnh tật, nâng cao sức khỏe…

Nghe bạn bè giới thiệu, anh N.H. (Hà Đông, TP Hà Nội) - một người thường xuyên tham gia các giải chạy phong trào - cho biết, anh uống nước ion kiềm hằng ngày vì tin rằng, sản phẩm này bù nước, cung cấp khoáng chất, giúp cơ thể mau chóng phục hồi sau khi vận động. Anh H. phủ nhận những lo ngại đã được cảnh báo vì cho rằng, nếu uống ở mức độ vừa phải sẽ không tạo tác dụng ngược. Tuy nhiên, khi hỏi “mức độ nào là vừa phải”, anh cũng không biết.

Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng quốc gia - khẳng định, hiện chưa có bằng chứng khoa học tin cậy chứng minh những công dụng của nước ion kiềm như quảng cáo. Một số nghiên cứu mới chỉ dừng ở nhóm nhỏ, không mang tính đại diện cho cộng đồng. “Nếu chỉ từ kết quả ở một nhóm nhỏ mà phóng đại ra, áp dụng cho cả cộng đồng thì rất nguy hiểm. Bởi vậy, trong nghiên cứu khoa học luôn đòi hỏi phải có dữ liệu đủ lớn để chứng minh” - bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng nói. Ông cũng bày tỏ sự lo ngại khi nhiều người dân vẫn tin vào những cách ăn uống, trị bệnh “truyền miệng” trong khi lại luôn hoài nghi, làm trái với tư vấn của các chuyên gia y tế.

Bác sĩ Võ Đức Linh cũng cho biết chưa có cơ sở khoa học chứng minh tác dụng của việc uống nước ion kiềm đối với sức khỏe. Không chỉ vậy, nếu uống nước kiềm với số lượng lớn, trong thời gian dài có thể gây thay đổi mức pH bình thường của cơ thể. Người sử dụng có thể bị kiềm chuyển hóa dẫn tới các biểu hiện buồn nôn, nôn, co giật cơ, run tay chân… Khi kết hợp uống nước ion kiềm với nhịn ăn, cơ thể bệnh nhân càng dễ rơi vào tình trạng suy kiệt trầm trọng và ảnh hưởng tới tính mạng.

Bác sĩ Hà Hải Nam - Bệnh viện K - chia sẻ, nhiều người tin rằng nước kiềm có thể giúp trung hòa a xít dư thừa trong cơ thể hoặc ăn thực phẩm giàu kiềm như các loại hạt, rau, củ, quả, rong biển, trái cây… giúp kiềm hóa máu và ngăn chặn khối u. Dù vậy, không có nghiên cứu nào khẳng định uống nước kiềm có thể trị bệnh dạ dày và ung thư. Người bệnh nhịn ăn càng khiến hệ miễn dịch suy giảm, nhanh suy kiệt và tử vong hơn. Các bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên tự ý bổ sung, điều trị bệnh bằng nước ion kiềm mà cần phải tuân thủ hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng, y tế.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI