Gánh họa vì kem bôi da trị “bách bệnh”

13/02/2023 - 12:05

PNO - Kem bôi da “ba thành phần” thường là “bảo bối” của các nhân viên hiệu thuốc khi kê đơn cho người bệnh, tuy nhiên lại là nỗi ám ảnh của các bác sĩ bởi không ít bệnh nhân gặp họa khi dùng loại thuốc này.

Nấm bùng phát vì kem “ba thành phần”

Xuất hiện một vài đốm phát ban nhỏ ở vùng bẹn, nách và có cảm giác hơi khó chịu, ngứa ngáy, chị H.V. (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) nghe lời người thân tắm bằng lá khế, quả mướp đắng nhưng không thấy hiệu quả. Nóng ruột vì các vết mẩn ngứa này có dấu hiệu lan rộng hơn, chị ra hiệu thuốc và được nhân viên kê cho loại kem bôi với lời khẳng định, vài hôm sẽ đỡ. Tuy nhiên, sau khi bôi khoảng 5 ngày, tổn thương của chị không những không đỡ mà còn trở nặng hơn. Toàn thân xuất hiện nhiều ban đỏ, nổi mụn mủ, bợn trắng khiến chị vô cùng khó chịu.

Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, sau khi thăm khám và làm xét nghiệm, bệnh nhân được kết luận nhiễm nấm và được kê thuốc uống điều trị liên tục trong vòng 1 tháng. Tiến sĩ - bác sĩ Vũ Nguyệt Minh - Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng (Bệnh viện Da liễu Trung ương) - cho hay, chị H.V. chỉ là một trong số rất nhiều bệnh nhân bị nhiễm nấm nhưng do điều trị sai cách, bôi phải loại kem “ba thành phần” khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn. 

Theo đó, kem ba thành phần là loại thuốc bôi da có chứa corticoid, kháng sinh chống vi khuẩn và thành phần chống nấm. Tuy nhiên, với nấm da, khi gặp corticoid bệnh sẽ không đáp ứng mà bùng phát mạnh hơn. “Nhiều bệnh nhân ban đầu chỉ ngứa nhẹ một vài khu vực kín đáo, có nếp gấp như nách, bẹn nhưng do điều trị sai cách nên vào tới bệnh viện đã đỏ ửng khắp người, ngứa ngáy khiến việc điều trị khó khăn hơn”, bác sĩ Vũ Nguyệt Minh nói. 

 

Một bệnh nhân bị nấm da được thăm khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương
Một bệnh nhân bị nấm da được thăm khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương

Trong vai khách hàng đi mua thuốc cho bệnh nhân, tại một cửa hàng ở Hà Đông (Hà Nội), sau khi nghe tả các triệu chứng nổi đỏ, phát ban, ngứa ngáy, phóng viên được chủ tiệm chìa ngay ra một lọ kem bôi với giá chỉ hơn 7.000 đồng. Lọ kem này gồm có thành phần Betamethason dipropionat (chứa corticoid), gentamicin sulfat (kháng sinh) và clotrimazol (thuốc chống nấm).

Thấy vẻ e dè của khách hàng vì giá tiền khá rẻ, người bán lại tiếp tục đưa cho chúng tôi một loại thuốc khác với giá trên 20.000 đồng, nhưng khi đọc công thức, vẫn bao gồm 3 thành phần trên. Khi phóng viên hỏi, liệu loại thuốc này có chữa khỏi bệnh, người bán quả quyết bôi ngày 2 lần sáng, tối là sẽ “êm” ngay.

Tương tự, trên nhiều cửa hàng trực tuyến, kem “ba thành phần” cũng được giới thiệu với cả tá công dụng như trị: viêm da dị ứng, nấm da, lang ben, hăm, trầy, eczema… 

Cẩn trọng dùng thuốc bôi da trong mùa nồm ẩm

Bác sĩ Vũ Nguyệt Minh cho hay, từ sau tết Nguyên đán tới nay, do thời tiết nồm ẩm, lượng bệnh nhân mắc các bệnh về da tới thăm khám gia tăng, trong đó chủ yếu là các bệnh do nấm, vi rút, vi khuẩn. Với nhiều bệnh nhân đã có tiền sử bị nấm, vào mùa ẩm bệnh sẽ phát triển mạnh hơn.

Hoặc không ít người đã từng nhiễm nấm trước đó nhưng không có biểu hiện ngứa rát, khó chịu nên không phát hiện, khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi mới trở nặng. “Nấm da đôi khi không ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân nhưng gây khó chịu. Bệnh bắt buộc phải được kê đơn, bốc thuốc và làm xét nghiệm chu đáo. Nếu không xét nghiệm không chẩn đoán chính xác được”, bác sĩ Vũ Nguyệt Minh thông tin.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng chỉ ra thực tế, hiện nay, nhiều người dân vẫn có thói quen tự ý mua thuốc hoặc ra hiệu thuốc để được kê đơn thay vì đi tới cơ sở y tế thăm khám. Với các bệnh về da, người bán không có chuyên môn thường lựa chọn thuốc “ba thành phần” để “bao vây bệnh”. Do đó, thuốc ba thành phần còn được ví như loại thuốc trị bách bệnh và là “bảo bối” đối với các cửa hàng thuốc tự kê đơn. “Như đã phân tích, nếu người bệnh bị viêm da dị ứng, bôi thuốc này có thể đỡ bệnh nhưng nếu là nấm, hay trốc, vi khuẩn thì sẽ bùng phát mạnh hơn. Đặc biệt ở thời điểm mùa đông xuân, bệnh viêm da dị ứng rất ít gặp mà hầu hết là các bệnh liên quan tới vi rút, vi khuẩn và nấm”, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng nhấn mạnh. 

Trên thực tế, hầu hết bệnh nhân chỉ tìm tới bác sĩ khi đã thử đủ phương thuốc. Các bác sĩ da liễu rất “kỵ” với thuốc ba thành phần, mà chỉ sử dụng 1 loại nhất định. Cụ thể, nếu bệnh mắc nấm sẽ cho uống thuốc kháng nấm, bị nhiễm khuẩn thì uống kháng sinh, viêm da cơ địa hay dị ứng sẽ dùng corticoid.  Các bệnh nhân nhiễm nấm cũng có thể dùng thêm các loại sữa tắm, dầu gội…thời gian điều trị tùy vào từng loại nấm cụ thể. Với nấm toàn thân có thể điều trị đường uống trong vòng 1 tháng, nhưng với nấm móng thì mất tới 9 tháng và nấm tóc có thể lâu hơn. 

Các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân không nên nghe theo các cách chữa “truyền miệng” như bôi nhựa chuối, tắm nước lá, xông hơi… khi thấy da có biểu hiện nổi nốt, phát ban, mẩn đỏ. Đặc biệt không nên mua các loại thuốc khi không có kê đơn của bác sĩ mà cần phải được thăm khám tại cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được điều trị đúng hướng, kịp thời. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI