Gánh gánh gồng gồng vì bầy con cháu

13/02/2022 - 11:30

PNO - Không biết bao nhiêu lần chị em tôi ào về quê rồi đi. Ngày thường, lễ hay tết nhìn mẹ gói ghém từng món đồ ăn, tẩn mẩn nén sao cho được nhiều nhất vào chiếc thùng xốp, tôi cứ nghe một câu hỏi dội lên: “Sức lực ở đâu mà mẹ có thể làm được nhiều đến vậy?”.

 

Mẹ tôi tuổi ngoài 70, nhiều bệnh, chân đi một chặng đã mỏi, ai nói lớn tiếng cũng giật mình, gặp chút gió chiều cũng vơ vội chiếc áo len mặc vào nếu không là húng hắng ho cả tuần nửa tháng. Trí nhớ mẹ lúc mờ lúc tỏ, không ít lần mẹ mở cửa tủ lạnh rồi tần ngần không biết định làm gì. Vậy mà, cứ con cái về, một ngày, hai ngày hay nhiều ngày, chân mẹ lại thoăn thoắt khắp nơi, lát nấu món này, lát soạn món kia.

Từng ấy đứa con, đứa cháu là từng ấy món chúng yêu thích, không sót món nào.  

Tết chúng ào về, chạy từ nhà sau lên nhà trước, lát đòi ăn lát đòi uống, lát muỗi đốt sưng chân… đều đến tay bà. Con gái con dâu cũng mỗi năm đôi ba lần về quê, cái chén để chỗ nào chúng còn không biết. Thế nên rốt cuộc cả bầy con vẫn cứ là khách trong nhà mẹ. Ăn sáng chưa xong, mẹ lại lo không biết tối ăn món gì. Bà luôn lo không biết cháu có no lòng, con có ngon miệng.

Mẹ có thể ăn nhiều ngày một món. Phải chăng đó cũng như chính nhịp sống chậm ưa những bình ổn của người già? Cũng có thể ở độ tuổi thất thập, mẹ không còn cảm thấy ngon miệng như tuổi trẻ của con của cháu. Ăn là để ăn, để uống sáng trưa chiều tối một vốc thuốc đủ thứ; để cố chăm sóc bản thân cho con cháu được an tâm cũng bởi vì thương chúng. Nhưng, con cháu trẻ khỏe thích ăn, thích thay đổi.

Ảnh mang tính minh họa - Nguyễn Vũ Phước
Ảnh mang tính minh họa - Nguyễn Vũ Phước

Chúng về mẹ phải cố. Tôi có cảm tưởng bà như ngọn nến đã cháy gần tàn, rướn hết hơi để tỏa ra ánh sáng.

Tôi cứ ngồi nhìn mẹ. Có thể biết đâu những loay hoay gánh gồng ấy khiến mẹ cảm thấy vui và hạnh phúc dẫu mệt. Chắc không phải ngẫu nhiên người ta nói khi có yêu thương, hạnh phúc, người ta không cảm thấy mệt hay nặng gánh. Tôi không thể ngăn mình cứ miên man suy nghĩ giá như với mọi người mọi việc trên đời, mình có thể nuôi giữ yêu thương đầy đặn thì làm gì có đau khổ, phiền muộn.

Tết năm nay, sau nhiều phập phồng bất an, ai nấy đều trân trọng từng giây phút bên nhau. Cả nhà lớn bé chỉ ở bên nhau, mẹ lại tíu tít, cũng lại những gói ghém gánh gồng bằng đôi bàn tay đầy gân xanh run rẩy.

Hết tết, mệt nhoài trở về nhà mình, tôi lần giở thùng đồ của mẹ; cầm từng miếng cá, miếng gà, cọng rau, củ hành, trái ớt được chia nhỏ, vừa bữa ăn. Có những gói còn nét chữ của bà ghi tên loại cá gì, mua ngày nào để biết mà ăn trước ăn sau. Không dưng tôi thấy mình thật yếu đuối, không chịu khó, thiếu kiềm chế và đôi khi ích kỷ. Mình cũng làm mẹ, cũng nghĩ đã yêu thương, hy sinh nhiều lắm cho núm ruột của mình. Thế nhưng, liệu mình có thể làm cho con được như mẹ đã từng làm cho mình?

ẢNH MANG TÍNH MINH HỌA: INTERNET
Chúng tôi hay tự hỏi, sức đâu mà mẹ làm được nhiều món cho chúng tôi tới vậy. Ảnh mang tính minh họa

 

Chúng ta ào về nhà vì muốn mang niềm vui cho ba mẹ. Nhưng hình như chúng ta đang làm xáo trộn cuộc sống của ba mẹ, khiến ba mẹ vắt hết sức tàn để cháy cho mình. Nhất là mình cười vui rôm rả, ăn uống no say rồi dắt díu nhau đi hết. Tiếng cười của mình, hình ảnh của mình sẽ khiến ba mẹ thương nhớ đến thế nào liệu mình có biết?

Sáng sáng ngủ dậy, ba sẽ nghe như tiếng cười của cháu còn vương ngoài ngõ, mẹ như thể thấy con gái vẫn ngồi kia ăn uống ngon lành. Có khi nào trong một ngày ta nghĩ đến khoảng trống mình để lại cho ba mẹ rộng sâu thế nào không? 

Xếp từng món vào tủ lạnh, đầu năm đầu tháng, chưa bao giờ tôi soi rọi bản thân mình rõ như vậy. Cảm ơn đời có những gánh gồng, cảm ơn những người mẹ trên đời. 

Triệu Vẽ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI